Đường dẫn truy cập

Ðà Lạt và cà phê Tùng


Ghé cà phê Tùng để ngắm phố, ngắm người, nghe vài cung tơ Pháp cũ của Sylvie Vartan, Christophe, khách lãng du dễ để sóng lòng lao đao theo bước chân ai ngoài khung cửa. Cà phê Tùng đã có mặt ở Đà Lạt hơn nửa thế kỷ. Nằm ở trung tâm khu phố Hòa Bình, vị thế cà phê Tùng là lợi điểm hàng đầu của nó. Chỉ cần nhìn qua khung kính, du khách có thể theo dõi bóng dáng các thiếu nữ thướt tha qua lại, nên nó một thời là nơi đóng đô của các cậu thanh niên và các đấng mày râu.

Cái tên Tùng không những gợi hình những gốc tùng xanh ngắt mà còn khơi lại bao kỷ niệm, góc hồi ức của những chàng trai tha phương một chốn trở về ấm cúng. Đà Lạt có biết bao nhiêu quán cà phê, bao nhiêu nơi thanh lịch cho du khách dừng chân, tại sao những người muôn năm cũ có quay về lại chỉ muốn đến Tùng? Muốn ngồi xuống bên bức tường ám khói, cạnh những bức tranh cũ ngấm vết thăng trầm mà tưởng lại những con người cũng tầng tầng ám khói.

Chiều nay tôi theo một người bạn đến Tùng, thăm lại những bức tranh úa màu thời gian của bác Đinh Cường, uống từng ngụm cà phê đăng đắng để nghe hồn nhỏ đều từng giọt. Tiếng thăm hỏi bà cụ chủ quán của anh bạn như mơ hồ, lãng đãng. Bà cụ kể ông cụ chết cách đây vài năm, khi đứng trước cửa quán bị một anh xe ôm lạc tay lái bay lên lề đường tông vào. Con cái giờ đi ra nước ngoài hết, cụ sống âm thầm trông coi cửa tiệm như một cái bóng khói ám dấu tường mỏi mệt.

Nghe bà cụ khơi lại những vết bụi trên lớp tro quá vãng, anh bạn tôi bùi ngùi thăm hỏi những cư dân Đà Lạt thân quen cũ. Cụ ngao ngán nói giờ chỉ còn đủ đếm trên đầu ngón tay. Hiện nay Đà Lạt đang ngập lụt với dân định cư muốn chuyển hộ khẩu từ Bắc, Trung và miền Tây vào. Bây giờ Đà Lạt có khoảng 26% dân miền Bắc nhập cư, 22% Trung, 18% miền Tây, 14% Dân tộc và 38% cư dân Đà Lạt cũ.

Thật ra thì từ bao thế kỷ trước Đà Lạt đã là một thành phố toàn dân nhập cư, người dân tộc mới là dân chính gốc Đà Lạt. Anh bạn tôi an ủi cụ, người đến kẻ đi, đất lành chim đậu, mật độ dân số cao, thành phố mới phát triển nhanh và tiến hoá chứ bác ơi. Nhưng có điều sự phát triển, kéo theo kiến trúc xây dựng hỗn loạn quá, trông rối mắt và mất đi đường nét thẩm mỹ lai Pháp ngày trước.

Cụ ngồi thở than và dẫn dụ anh bạn tôi đổ cái nhìn về quá khứ, về thế giới đen trắng những ngày anh bạn tôi thơ thẩn chờ ai cổng trường Lycée Yersin. Phút ấy tôi mới chợt nhận ra nét “rất Tây” của anh bạn mình. Tôi tự hỏi có phải cái Tây của phố núi và những từ ngữ: Pasteur, Lycée, Grand, Petit, Couvent des Oiseaux, Domaine de Marie..., trong đời sống hàng ngày đã nhiễm vào con người Đà Lạt làm cho cư dân Đà Lạt ngày đó có một nếp văn hoá rất thoáng và cởi mở không? Còn các chàng trai Đà Lạt bị ảnh hưởng những cung cách Pháp mà trở nên rất ga lăng, rất Tây không?

Có lẽ tâm thức hoài cổ và hoài Tây của bà cụ cũng là tâm thức của những cư dân Đà Lạt xưa. Trong một bài báo tôi tình cờ đọc, có một thanh niên hiến đời mình vào thú sưu tầm đồ cổ và gia dụng dùng trong các ngôi biệt thự Pháp cũ. Anh sở hữu một bộ sưu tập đồ cổ khoảng 3,000 món. Điều làm nên sự khác biệt của tay chơi này với những nhà sưu tầm khác là tính địa phương của cổ vật. Hầu hết chúng là những món gắn liền với đời sống xã hội của Đà Lạt từ những ngày đầu khu nghỉ mát cao nguyên được người Pháp thành lập.

Điều đáng quý là dù sống một cuộc sống kham khổ, thiếu trước hụt sau anh vẫn không bán những cổ vật ấy đi. Anh lưu giữ chúng như lưu giữ những hình ảnh phản chiếu của một thời quá vãng, một thuở văn hóa Việt nam dập dìu những tiếng Lơ, La, Moa, Toa đậm đà màu thuộc địa….[TRTHTH] (Còn tiếp)

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG