Đường dẫn truy cập

Afghanistan: Cuộc chiến chống thuốc phiện còn khó khăn


Trên 9 ngàn binh sĩ Anh và 10 ngàn binh sĩ Mỹ vừa được tăng cường đã được điều đến đến tỉnh Helmand của Afghanistan để truy quét các phần tử Taliban để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào tháng tới. Theo tường thuật của Thông tín viên đài VOA Rachel Smalley thì trận chiến chống Taliban đang ở vào giai đoạn gay go, nhưng bên cạnh đó cuộc chiến bài trừ hoạt động canh tác và sản xuất thuốc phiện tại nước này cũng cho thấy khó khăn không kém.

Tỉnh Helmand ở miền nam Afghanistan, là tiêu điểm mà các lực lượng Anh, Mỹ đang dồn sức để loại trừ các phần tử nổi dậy.

Helmand là cứ địa phe Taliban, và cũng là nơi hơn một nửa sản lượng cây thuốc phiện được canh tác.

Afghanistan sản xuất trên 90% số lượng thuốc phiện thế giới; được đưa lậu ra khỏi nước, chế biến thành heroin, bán ra thị trường.

Cho đến giờ thì các nỗ lực bài trừ ma túy tập trung vào việc tiêu diệt các cánh đồng trồng thuốc phiện.

Tuy nhiên ông Paul Burke, chuyên viên của ICOS, một tổ chức nghiên cứu an ninh và phát triển quốc tế, nói rằng nếu chỉ lo loại bỏ các cánh đồng trồng thuốc phiện, thì chỉ khiến cho các nông gia mất phương kế sinh nhai và đẩy họ vào thế phải tham gia vào nhóm nổi dậy để có phương tiện nuôi gia đình.

Ông Burke nói: “Khi ta dẹp được chừng 10 hecta cây thuốc phiện ở chỗ này, thì không bao lâu sẽ có 10 hecta mọc lên ở chỗ khác, trong tạm thời chúng ta đã tạo ra thêm từ 50 đến 100 sẵn sàng để nhóm nổi dậy tuyển mộ”.

Liên Hiệp Quốc ước tính Taliban thu được 400 triệu đôla một năm từ hoạt động buôn thuốc phiện, và số tiền này được dùng để tài trợ cho cuộc chiến của họ.

Ông Christopher Langton phục vụ 32 năm trong quân đội Anh. Hiện giờ ông là phân tích gia thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế đã đặt câu hỏi về vấn đề này.

Ông Langton nói: “Thu nhập do thuốc phiện được dùng để tài trợ quân nổi dậy và hối lộ cho các quan chức tham nhũng. Vấn đề ở đây là ta có thể làm được gì để giải quyết?"

Thuốc phiện được tuồn đi khắp thế giới một cách dễ dàng nhờ biên giới lỏng lẻo của Afghanistan.

Hoa Kỳ và đồng minh nhiều lần động viên nông dân Afghanistan trồng những thứ khác, nhưng dường như không thành công.

Chính sách mới của Mỹ bây giờ là làm thế nào ngăn không cho thuốc phiện rời khỏi Afghanistan, bằng cách cắt những con đường vận chuyển, để cuối cùng thuốc phiện sẽ trở thành mặt hàng vô giá trị.

Chuyên viên Burke muốn Anh và Mỹ ủng hộ tổ chức ‘Thuốc phiện Cho Y học’ của ông.

Mục tiêu của tổ chức là biến thuốc phiện của Afghanistan thành morphine, một loại thuốc giảm đau đang được cả thế giới sử dụng:

Ông Burke nói: “Afghanistan có đầy thứ này. Chúng ta hãy dùng nó để phục vụ lợi ích của những người bị ung thư khắp thế giới”.

Nếu việc làm của tổ chức này được ủng hộ, nông dân Afghanistan trồng thuốc phiện có thể làm ăn hợp pháp, có đủ tiền để nuôi gia đình.

Nhưng chuyên gia Langton cho rằng ý kiến này tuy hay nhưng chưa đúng thời điểm:

Ông Langton nói: “Mai mốt, khi mà an ninh và chính trị ổn định thì mới thực hiện được, chứ còn bây giờ thì chưa. Dù sao đây cũng là một ý kiến đáng chú ý, không nên coi thường”.

Cuộc chiến chống thuốc phiện tại Afghanistan cũng lan sang Quốc hội Anh. Tại London, đại biểu Adam Holloway của đảng Bảo Thủ đối lập hô hào tìm một giải pháp thay thế.

Ông Holloway nói: “Nếu chúng ta muốn thu phục được cảm tình nhân dân Afghanistan, chúng ta cần có một loại biện pháp thay thế. Thật là điên rồ khi chỉ biết nói: nếu họ trồng thuốc phiện, chúng ta sẽ phá các cánh đồng của họ. Chỉ có những người điên mới nói như vậy. Chúng ta cần thu phục con tim và khối óc của họ. Chúng ta cần chuyển từ hoạt động quân sự sang hoạt động giúp đỡ người dân Afghanistan bình thường. Có như vậy mới đánh bật được Taliban và đồng thời giảm bớt hoạt động sản xuất thuốc phiện”.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG