Đường dẫn truy cập

TQ chỉ trích Nhật Bản về chuyến thăm của bà Kadeer


Trung Quốc chỉ trích chính phủ Nhật Bản đã cho phép nhà hoạt động người Uighur là bà Rebiya Kadeer đến thăm Nhật Bản trong tuần này. Bắc Kinh cáo buộc bà Kadeer, người hiện đứng đầu tổ chức Đại Hội Uighur Thế giới, là giúp hoạch định vụ bộc phát các cuộc bạo động ở Tân Cương trước đây trong tháng này. Từ Hong Kong, thông tín viên William Ide của đài VOA ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau.

Ngay cả trước khi bà Rebiya Kadeer đến Tokyo, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra một thông cáo bầy tỏ sự cực lực bất bình đối với chuyến thăm này.

Đại sứ Trung Quốc ở Nhật Bản, ông Khôi Thiên Khải, còn tỏ ra thẳng thừng hơn. Báo China Daily của nhà nước số ra ngày thứ ba nói ông Khôi gọi bà Kadeer là một kẻ tội phạm.

Những lời chỉ trích có phần chắc sẽ tiếp tục cả sau khi bà Kadeer đã đến nơi. Trong thời gian ở Tokyo, theo dự kiến bà Kadeer sẽ mở một cuộc họp báo và phát biểu tại một cuộc hội thảo.

Trung Quốc thường tìm cách dùng sức mạnh ngoại giao của mình ngăn chặn những người chỉ trích, chẳng hạn như Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng đang sống lưu vong, không cho gặp các nhà lãnh đạo và các chính trị gia có thế lực của nước ngoài.

Trước đây, các giới chức Nhật Bản đã không hội kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma trong các chuyến thăm của ngài đến Nhật Bản.

Có phần chắc là họ cũng sẽ không thay đổi tập tục này với bà Kadeer, vì họ gọi chuyến thăm của bà là một chuyến thăm có tính cách riêng tư.

Nhưng theo nhận xét của ông Joseph Cheng, một giáo sư môn khoa học chính trị tại tường Đại học Thành phố Hong Kong, thì Tokyo khó mà từ chối nhập cảnh cho bà Kadeer.

Ông Cheng nói: “Đảng Dân chủ Tự do dương quyền đang phải đối phó với một tình thế khó khăn trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới và điểu đó có lẽ giải thích lý do vì sao chính phủ bác bỏ lời yêu cầu của chính phủ Trung Quốc đòi từ chối nhập cảnh cho bà Kadeer. ”

Trung Quốc cáo buộc bà Kadeer và tổ chức của bà đã châm ngòi cho cuộc bạo động sắc tộc ở Tân Cương trước đây trong tháng này. Chính phủ nói có gần 200 người thiệt mạng trong các cuộc bạo động, nhưng các nhà hoạt động người Uighur nói con số còn cao hơn, và có nhiều người Uighur thiệt mạng hơn là con số mà Bắc Kinh đưa ra. Bà Kadeer phủ nhận những cáo buộc của Bắc Kinh.

Cách đây 2 tuần, chính phủ Trung Quốc đã phản đối Đại hội Phim Quốc tế ở Melbourne về việc trình chiếu một cuốn phim tài liệu về bà Kadeer. Ba cuốn phim của Trung Quốc đã rút ra khỏi Đại hội để phản đối việc bà tham dự Đại hội theo như kế hoạch đã định vào tháng tới.

Ông Cheng nói rằng thái độ như thế hoàn toàn nằm trong sự kiện chính phủ Trung Quốc không thể thú nhận rằng vụ bạo động nêu bật các vấn đề về chính sách của họ đối với các sắc tộc thiểu số.

Ông Cheng nói tiếp: “Thay vì suy nghĩ và xem xét lại chính sách của mình, thì họ lại thường hay có phản ứng mạnh và khẳng định rằng lúc nào Trung Quốc cũng đúng và đây là âm mưu của các phần tử khủng bố và ly khai và các thành phần tôn giáo quá khích vân vân, và họ thường quy trách, đổ lỗi cho các lực lượng thù nghịch.”

Người Uighur theo Hồi giáo chiếm chưa đầy một nửa khối 20 triệu dân ở vùng Tân Cương phong phú về tài nguyên dầu khí nằm ở biên giới phía tây Trung Quốc.

Họ than phiền là phải chịu đựng sự phân biệt đối xử của người Hán, là sắc dân đa số ở Trung Quốc, và không được phần chia công bằng về các nguồn tài nguyên của khu vực.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG