Đường dẫn truy cập

Bà Clinton: Mỹ sẵn sàng là đối tác xây dựng với Miến Điện


Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tuyên bố là Hoa Kỳ sẵn sàng mở rộng cửa để hợp tác xây dựng với Miến Điện nếu chính phủ quân sự chấm dứt việc ngược đãi bà Aung San Suu Kyi và giải quyết những vấn đề quốc tế quan tâm. Bà Clinton tuyên bố như vừa kể tại Bangkok trước khi tham dự một cuộc đối thoại chính trị với ngoại trưởng các nước ASEAN. Thông Tín Viên David Gollust của Đài VOA tường trình từ thủ đô Thái Lan.

Ngoại trưởng Hillary Clinton cho biết là chính quyền Obama có nhiều mối quan tâm về Miến Điện xa hơn trường hợp của bà Aung San Suu Kyi, trong đó có việc quân đội ngược đãi phụ nữ, đàn áp các sắc dân thiểu số và có thể là giới quân nhân Miến Điện hợp tác với Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên, trong khi chuẩn bị một cuộc đối thoại vào ngày thứ Tư này với các nước thành viên ASEAN trong đó có Miến Điện tại hòn đảo nghỉ mát Phuket của Thái Lan, Ngoại trưởng Clinton đưa ra một đề nghị hòa giải theo đó Hoa Kỳ sẵn sàng mở rộng mối quan hệ tốt đẹp hơn với Miến Điện nếu chính phủ quân sự nước này đáp ứng với những mối quan tâm này.

Bà Clinton nói: "Chúng tôi mong muốn được có sự hợp tác xây dựng hơn với Miến Điện nếu nước này có những bước chứng tỏ họ chấm dứt những vụ bạo hành chống lại nhân dân Miến Điện, bao gồm các sắc dân thiểu số như họ đã làm trong những tháng qua. Chính phủ Miến Điện cũng cần chấm dứt ngược đãi bà Aung San Suu Kyi, chấm dứt giam giữ tù chính trị và những biện pháp khác mà Miến Điện có thể thực hiện.”

Nói chuyện với các phóng viên báo chí sau cuộc gặp Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva, ngoại trưởng Clinton cho biết chính quyền Obama đã ngưng duyệt lại chính sách đối với Miến Điện để chờ kết quả vụ xử bà Aung San Suu Kyi, có thể bị án tù vì vi phạm lệnh quản chế tại gia.

Các viên chức cao cấp của chính quyền Mỹ loan báo là bà Clinton không có ý định gặp Ngoại trưởng Miến Điện tại Phuket, nhưng các thành viên khác trong phái đoàn Hoa Kỳ có thể gặp gỡ phía Miến Điện.

Các viên chức này cho biết thêm là trường hợp tương tự có thể được áp dụng đối với Bắc Triều Tiên. Bắc Triều Tiên gởi một viên chức ngoại giao cao cấp nhưng không phải là ngoại trưởng đến dự cuộc đối thoại ASEAN.

Tại Phuket, bà Clinton sẽ có cuộc gặp gỡ với ngoại trưởng các nước Trung Quốc, Nam Triều Tiên, Nhật Bản và Nga là những nước có chân trong bàn đàm phán về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên để thảo luận về phương thức đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn hội nghị 6 bên do Trung Quốc bảo trợ.

Bà Clinton cho biết là một danh sách những đề nghị có thể đưa cho Bắc Triều Tiên nếu nước này trở lại bàn hội nghị và chấm dứt chương trình hạt nhân của họ. Tuy nhiên hiện nay chưa có dấu hiệu nào là Bắc Triều Tiên muốn trở lại đàm phán.

Bà Clinton nói tiếp: “Chúng tôi nghĩ là có một đường lối khác Bắc Triều Tiên có thể đi theo, và có cơ hội để họ nắm lấy. Tuy nhiên, họ cần phải thay đổi thái độ và đồng ý phi hạt nhân Bắc Triều Tiên, có nghĩa là toàn bộ bán đảo phải được phi hạt nhân hóa. Chúng tôi sẵn sàng đáp ứng nếu có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Bắc Triều Tiên định làm chuyện đó.

Về tình hình Thái Lan, bà Clinton nói rằng bà tin tưởng nhân dân Thái Lan có thể khắc phục những thách thức theo đúng những nguyên tắc đề ra trong Hiến pháp và truyền thống dân chủ. Trên con đường đeo đuổi hòa giải và hướng về tương lai, nhân dân Thái Lan có thể trông cậy vào nhân dân Hoa Kỳ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG