Đường dẫn truy cập

Cựu thủ tướng Úc kêu gọi ngăn nạn đưa lậu người Afghanistan


Cựu thủ tướng Australia, ông Malcolm Fraser tuyên bố cần tiến hành nhiều biện pháp hơn để ngăn chặn các hoạt động đưa lậu người ở Afghanistan. Ông kêu gọi Hoa Kỳ thương lượng với các thành phần ôn hòa hơn của phe Taliban nhằm giúp đem lại phần nào hòa bình cho đất nước nhiều biến động này. Từ Melbourne, thông tín viên Luke Hunt của đài VOA gửi về bài tường thuật sau đây.

Ông Malcolm Fraser vẫn còn được coi là một nhân vật đáng nể trong đời sống ở Úc. Từng giữ chức thủ tướng từ năm 1975 đến năm 1983, ông đã gây ảnh hưởng rất lớn trong việc giúp phóng thích nhiều nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng trên thế giới ngày nay, kể cả ông Nelson Mandela.

Các chính phủ bảo thủ mà ông đã phục vụ cũng được nhiều người tán thưởng vì đã chấp nhận những thuyền nhân từ Đông dương đến Úc xin tỵ nạn sau cuộc chiến tranh Việt Nam.

Tuy nhiên, 30 năm sau, ông nói rằng Australia không còn mấy hoan nghênh những người tỵ nạn nữa.

Ông Fraser nói: “Công ước về người tỵ nạn năm 1954 thừa nhận rằng những người đi trốn chế độ áp bức thường đi bằng các phương tiện bất thường và thường không có giấy tờ hợp lệ. Tỷ như họ không thể đến nói với Saddam Hussein rằng, 'Tôi muốn thoát khỏi chế độ áp bức của ông. Làm ơn cấp hộ chiếu cho tôi. Tất nhiên không thể làm như vậy được'.

Sau cuộc chiến tranh Việt Nam, ông nói rằng các nước Tây phương sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để giúp những người đi lánh nạn Cộng sản xâm chiếm miền nam Việt Nam, Kampuchea và Lào.

Ông Fraser nói những người này được giúp đỡ không những bởi vì Australia và Hoa Kỳ can dự vào cuộc chiến tranh Việt Nam, mà còn vì đó là điều cần phải làm.

Trong những năm gần đây, ông Fraser nói rằng Thủ tướng John Howard và ở một mức độ ít hơn, nhà lãnh đạo Úc hiện nay là ông Kevin Rudd đã không còn tôn trọng các lý tưởng đó nữa, mà còn coi những người bỏ trốn khỏi quê nhà bị xáo động để xin tỵ nạn là những người xấu xa.

Ông Fraser nói tiếp: “Người phát ngôn chính phủ từ chối và cho rằng đó là những người ghê gớm. Họ khác, không giống chúng ta, không có chung các giá trị như chúng ta. Và vì thế, nhiều người Úc đã trở nên sợ hãi và chính phủ đã đắc cử nhờ lập luận đó.”

Ông Fraser nói rằng dân chúng ở phương Tây cần phải quan tâm đến các hoàn cảnh khó khăn mà người tỵ nạn từ những cuộc xung đột ở Nam Á và Trung Đông đang tìm cách trốn tránh. Khoảng 900 người xin tỵ nạn đã đến các bờ biển của Úc trong năm nay, con số cao gấp bốn lần so với cả năm 2008.

Theo ông Fraser, tại Afghanistan cuộc sống rất khó khăn trong khi chiến sự tiếp diễn giữa các phần tử chủ chiến Taleban và lực lượng liên minh.

Tuy nhiên, ông cũng nói rằng có những thành phần ôn hòa trong hàng ngũ Taliban mà ta cần phải tiếp xúc, nếu muốn mưu tìm một nền hòa bình lâu dài. Ông cho rằng nếu chỉ tăng quân số như Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Obama, có thể không đem lại hiệu quả.

Ông Fraser nhận xét: “Tôi hết sức muốn nghĩ rằng đường lối của tổng thống Obama sẽ đem lại hiệu quả, nhưng tôi nghi là đường lối đó sẽ có tác dụng trừ phi mọi người có thể nói chuyện với các thành phần đó trong hàng ngũ Taliban không phải là al-Qaida, mà tôi cho rằng không phải tất cả đều là al-Qaida.”

Ông Fraser nói rằng các cuộc thương lượng với những thành phần ôn hòa trong hàng ngũ Taliban sẽ có nghĩa là cơ hội để Afghanistan tìm thấy hòa bình sẽ gia tăng nhiều và lượng thuyền nhân đổ đến Australia cũng sẽ giảm bớt nhiều.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG