Đường dẫn truy cập

Miến Ðiện tự cô lập đối với cộng đồng quốc tế


Cuộc đón tiếp gay gắt mà Miến Điện dành cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tuần rồi làm nổi bật thêm sự cô lập của chính quyền quân nhân nước này đối với cộng đồng quốc tế. Cùng lúc, việc Miến Điện cải thiện bang giao với một nước cô lập khác là Bắc Triều tiên đã làm nhiều người kinh ngạc. Theo tường trình của thông tín viên đài VOA Daniel Schearf gửi về từ Bangkok, giới quân nhân Miến Điện có vẻ tiến sâu hơn vào việc củng cố quyền hành.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã đặt nhiều hy vọng là cuộc viếng thăm Miến Điện của ông sẽ giúp đưa đến việc phóng thích các tù nhân chính trị và thúc đẩy chính quyền quân nhân cho phép tổ chức các cuộc tuyển cử dân chủ vào năm tới.

Ông Ban đã vận động việc thả hơn 2,000 người bị bỏ tù vì chống đối chính quyền quân nhân, kể cả lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi .

Nhưng sau 2 lần gặp Tướng cầm quyền Than Shwe của Miến Điện, ông Ban được thông báo rằng ông sẽ không được phép gặp lãnh tụ dân chủ, chứ đừng nói tới việc trông thấy bà được trả tự do.

Tỏ ra vô cùng bất mãn, người đứng đầu Liên Hiệp Quốc nói chính quyền Miến Điện đã bỏ lỡ cơ hội để phô bầy một giai đoạn mới về cởi mở chính trị.

Ông Ban nói: “Tôi hết sức thất vọng về việc Tướng Than Shwe đã khước từ những lời yêu cầu của tôi. Cho phép tôi thăm bà Aung San Suu Kyi có thể sẽ là một biểu tượng quan trọng về thiện chí của họ khởi đầu một cuộc giao tiếp có ý nghĩa, rất cần thiết để các cuộc tuyển cử vào năm 2010 được coi là khả tín.”

Liên Minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi đã thắng cử năm 1990, nhưng giới quân phiệt đã không cho đảng này lên cầm quyền.

Gần như suốt thời gian kể từ đó, Khôi nguyên giải Nobel hòa bình đã bị quản chế tại gia.

Các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng việc bác bỏ yêu cầu của ông Ban đã cho thấy Chính quyền quân phiệt Miến Điện xem nhẹ Liên Hiệp Quốc cũng như cộng đồng quốc tế. Bà Debbie Stothard, người điều hành nhóm nhân quyền Alternative ASEAN về Miến Điện nói:

Bà Stothard nói: “Chúng tôi thật sự mong đây là một lời cảnh tỉnh, rằng ngoại giao chẳng gây ảnh hưởng gì đối với chế độ độc tài thô bạo này. Cần phải dùng áp lực mạnh hơn. Và cũng đến lúc chế độ đó phải lãnh trách nhiệm về những tội ác của họ. Như vậy họa may họ mới sợ. Họ sợ những trừng phạt kinh tế và họ sợ sự truy tố các tội ác của họ”.

Các tổ chức nhân quyền cho rằng Liên Hiệp Quốc nên điều tra Chính quyền Miến Điện về những tội ác chống lại nhân loại của họ và đưa ra quyết định cấm vận vũ khí toàn cầu.

Có một trở ngại là Trung quốc một thành viên có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc bác bỏ việc trừng phạt Miến Điện.

Mặt khác, trong lúc liên hệ giữa Miến Điện và cộng đồng quốc tế có vẻ suy sụp, thì các phân tích gia về Miến Điện cũng như những người Miến lưu vong nói rằng bang giao Miến Ðiện-Bắc Triều tiên lại đang cải thiện.

Miến Điện đã cắt đứt bang giao với Bình Nhưỡng vào năm 1983 sau khi các đặc công Bắc Triều tiên đặt bom một phái đoàn Nam Triều Tiên đang thăm viếng Rangoon, giết hại hơn 20 người. Nhưng hai nước lại đã bắt đầu xích lại gần nhau, theo nhận định của ông Bertil Lintner, một ký giả tại Bangkok từng nghiên cứu vấn đề Miến Điện từ hơn 20 năm nay.

Ông Lintner nói: “Lãnh đạo 2 nước Miến điện và Bắc Triều tiên nhận ra họ có tâm lý tương đồng với nhau. Họ cùng nghi ngại về thế giới bên ngoài, về tình trạng là những nước nghèo nàn, về việc bị Liên Hiệp Quốc lên án. Họ cảm thấy ít nhiều họ đều đơn độc giữa một thế giới thù địch. Như vậy không lạ gì ngay trong những năm cuối thập niên 1990, họ có vẻ đã xích lại gần nhau hơn trong một số lãnh vực, trong đó có các vấn đề quân sự.”

Theo ông Lintner hai nước đã trở thành đồng minh thân cận. Ông nói các lãnh đạo quân phiệt Miến Điện đặc biệt thán phục đường lối ngoại giao về hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Ông Lintner nói tiếp: “Miến Điện thán phục Bắc Triều Tiên vì Bắc Triều Tiên có bom, và cậy có bom nên đã đứng lên chống lại Mỹ. Và Miến Điện cũng muốn có thể làm như vậy.”

Nhưng ông Lintner cho rằng còn phải nhiều năm nữa Miến Điện mới có thể triển khai mối đe dọa về hạt nhân của chính họ, cho dù Bắc Triều tiên chịu giúp họ và chống lại sự trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.

Tuy vậy, có vẻ như Bắc Triều tiên đã giúp đỡ Chính quyền quân phiệt Miến Điện chuẩn bị cho sự sống còn.

Những hình ảnh do các nhà bất đồng chính kiến tiết lộ cho thấy các chuyên gia Bắc Triều Tiên đang cố vấn việc xây cất những đường hầm lớn tại thủ đô Naypyidaw của Miến Điện.

Thêm vào phòng họp và phòng kho, những hình ảnh chụp cách đây vài năm cho thấy những bãi đậu xe dưới mặt đất dành cho xe tăng và những tàu bọc thép.

Theo ông Lintner, tất cả hệ thống địa đạo vừa kể có vẻ như được thiết kế để giúp Chính quyền quân phiệt Miến Điện tự bảo vệ chống lại một cuộc tấn công có thể xảy ra.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG