Đường dẫn truy cập

TQ đàn áp người biểu tình ở Tân Cương


Thủ phủ Urumqi của tỉnh Tân Cương ở Trung Quốc đã bị rúng động vì xảy ra thêm các cuộc biểu tình, sau vụ xô xát hôm chủ nhật vừa qua khiến hơn 150 người thiệt mạng. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stephanie Ho của đài VOA ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Đã xảy ra ít nhất 2 vụ biểu tình ở Urumqi hôm nay. Một vụ có sự tham dự của hàng trăm người đa số là phụ nữ sắc tộc Uighur đội khăn theo truyền thống Hồi giáo, đã xô xát với công an có vũ trang.

Nhiều người la hét đòi nhà cầm quyền Trung Quốc phóng thích chồng con họ. Những người thân của họ nằm trong số hơn 1,400 người, phần lớn là người Uighur đã bị bắt sau khi xảy ra cuộc biểu tình bạo động hôm chủ nhật.

Một phụ nữ tham dự biểu tình cho biết tình hình của bà đã trở nên bi thảm.

Người phụ nữ này nói bà thà chết còn hơn là sống mà thiếu vắng người chồng.

Xế hôm nay, công an ở Urumqi đã bắn hơi cay mắt để giải tán hàng trăm người Hán biểu tình giơ gậy gỗ và ống kim loại lên trời.

Những người Hán này là nhóm sắc tộc thống trị trong nước. Các vụ xung đột phần lớn diễn ra giữa người Hán và người Uighur, một nhóm thiểu số phần đông theo Hồi giáo có chung các mối liên hệ về ngôn ngữ và văn hóa với vùng Trung Á.

Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Tần Cương của Bộ Ngoại giao Trung Quốc lập lại lời cáo buộc của nhà nước cho rằng 'các lực lượng ly khai nước ngoài' muốn lập một khu Tân Cương độc lập hậu thuẫn cho các cuộc bạo động này.

Ông Tần Cương nói rằng các lực lượng nước ngoài đã 'hoạch định' và 'chủ mưu' vụ bạo động hôm chủ nhật. Ông đặc biệt đổ lỗi cho nữ doanh gia Rebiya Kadeer người Uighur đang sống lưu vong.

Bà Kadeer đã bị bỏ tù ở Trung Quốc và hiện đang sống ở Hoa Kỳ. Bà đứng đầu Đại Hội Uighur Thế giới.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng thừa nhận rằng trong mấy ngày vừa qua, chính quyền ở Urumqi đã cắt đứt hai nguồn thông tin liên lạc chính.

Ông Tần Cương nói rằng các cuộc điều tra sơ khởi về sự cố cho thấy lực lượng nước ngoài đã sử dụng Internet và điện thoại di động để 'kích động và khuyến khích bạo lực', theo nguyên văn lời ông. Vì thế ông nói rằng nhà chức trách địa phương đã có các biện pháp, theo đúng luật hiện hành, để bảo vệ ổn định xã hội.

Tin ghi là vụ bạo động đã lan tràn qua các thành phố ở những vùng khác thuộc Tân Cương, thuộc miền viễn tây Trung Quốc, kể cả thành phố Kashgar, gần biên giới giáp với Pakistan.

Cũng như Tây Tạng, Tân Cương là một trong những khu vực nhậy cảm nhất về mặt chính trị ở Trung Quốc. Gần một nửa trong số 20 triệu người ở vùng này là người Uighur.

Nhiều người ta thán rằng người Hán tộc Trung Quốc kỳ thị họ và lợi dụng các chính sách của nhà nước Trung Quốc gây thiệt hại cho họ. Họ cũng nói rằng chính phủ tìm cách đàn áp tôn giáo của họ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG