Đường dẫn truy cập

Philippines ‘quay lưng’ với Mỹ, Việt Nam nên làm gì?


Luật sư Vũ Đức Khanh, giáo sư luật tại Đại học Ottawa và là nhà quan sát tình hình Biển Đông.
Luật sư Vũ Đức Khanh, giáo sư luật tại Đại học Ottawa và là nhà quan sát tình hình Biển Đông.

Truyền thông Trung Quốc hôm 17/10 dẫn lời Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố Manila sẵn sàng tổ chức tập trận chung với Bắc Kinh, chứ không phải với nước đồng minh lâu năm là Mỹ.

Chuyến thăm Bắc Kinh 4 ngày của Tổng thống Philippines bắt đầu từ 18/10 dường như để củng cố chính sách ngoại giao xoay trục của Manila đột ngột ‘quay lưng’ với Mỹ, nước mà ông Duterte đả kích vì chỉ trích cuộc chiến chống ma túy của ông.

"Chỉ có Trung Quốc mới có thể giúp chúng tôi," Tân Hoa Xã dẫn lời ông Duterte nói trong một cuộc phỏng vấn trước chuyến thăm Bắc Kinh.

Ông Duterte cũng nói với đài truyền hình Phượng Hoàng ở Hong Kong rằng ông sẵn sàng tổ chức tập trận chung với Trung Quốc và Nga.

"Đúng, tôi sẽ làm như vậy. Tôi đã dành đủ thời gian cho người Mỹ chơi với binh sĩ Philippines rồi," ông Duterte nói khi được hỏi liệu ông có sẵn lòng tổ chức tập trận với hai nước này hay không, trong khi ông tái khẳng định ông sẽ không tổ chức thêm bất kỳ cuộc tập trận nào nữa với Mỹ.

Ông Duterte đã tìm cách tái định hình những mối quan hệ ngoại giao của Philippines kể từ khi nhậm chức vào ngày 30 tháng 6 bằng cách ngả về Trung Quốc và Nga, rời xa Mỹ, đồng minh quốc phòng hỗ tương từng cai trị Philippines như thuộc địa.

‘Đúng hướng về chiến lược’

Dù sự dịch chuyển chính sách đối ngoại đột ngột của Philippines khiến nhiều người kinh ngạc, song đây lại là một bước đi có tính toán và “đúng hướng” về mặt chiến lược, theo lời luật sư Vũ Đức Khanh, giáo sư luật tại Đại học Ottawa và là nhà quan sát tình hình Biển Đông.

Ông nhận định với VOA Việt ngữ:

“Ông Duterte muốn đẩy Hoa Kỳ vào thế khẳng định Hiệp ước Hỗ tương Quốc phòng năm 1951 có giá trị tới mức độ như thế nào. Vì dưới thời Tổng thống [Benigno] Aquino Hoa Kỳ lúc nào cũng nói rằng sẽ không can thiệp trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông mà chỉ bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực. Điều đó dẫn tới một điểm là các quốc gia đồng minh của Mỹ trong khu vực rất nóng lòng muốn biết Hoa Kỳ sẽ làm gì nếu Trung Quốc có những động thái mạnh.”

Năm 2012, Trung Quốc chiếm Bãi cạn Scarborough cách bờ biển của Philippines 210 kilômét. Hành động này khiến Philippines tức giận đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài Quốc tế ở La Haye vào năm 2013 và nhận được phán quyết có lợi vào tháng 7 vừa qua.

Luật sư Khanh cho rằng một cuộc tập trận chung giữa Philippines và Trung Quốc trong tương lai gần là “điều không tưởng,” nhưng ông nhấn mạnh điều quan trọng là “ông Duterte sẽ nhận được cái gì và Bắc Kinh sẽ nhận được cái gì” từ chuyến đi này.

“Ông [Duterte] sẽ đạt được rất nhiều về cơ hội kinh tế,” luật sư Khanh nói, lưu ý số lượng các doanh nghiệp tháp tùng ông Duterte trong chuyến đi này.

Việt Nam nên làm gì?

Dù mối quan hệ giữa Philippines và Mỹ có những rạn nứt, tuy nhiên, đó không phải là động lực để Việt Nam tìm cách trở thành đồng minh của Mỹ, theo phân tích của luật sư Khanh.

“Thực sự mối quan hệ với Hoa Kỳ không phải là dễ cho những đồng minh,” ông nói.

Luật sư Khanh dẫn ra mối quan hệ đồng minh đầy sóng gió giữa Mỹ và Việt Nam Cộng hòa trước đây như một ví dụ cho thách thức này.

Trước một nước láng giềng Trung Quốc ngày càng quyết đoán, luật sư Khanh nói, Việt Nam cần biến mình thành một “điểm chiến lược” để có thể hợp tác được với tất cả các nước, kể cả Ấn Độ và Nhật Bản.

Dù đây là chính sách Việt Nam muốn theo đuổi, nhưng luật sư Khanh chỉ ra rằng thể chế chính trị hiện tại của Hà Nội chưa đáp ứng được niềm tin của các nước đối tác.

Ông nhận định:

“[Hà Nội] nên cải tổ vấn đề chính trị nội bộ thì lúc đó sẽ có cơ hội thoát ra khỏi vòng kiểm tỏa của Trung Quốc. Còn nếu nhảy vào vòng tay của Hoa Kỳ thì cũng chỉ là một con cờ của một giai đoạn chiến lược nào đó mà thôi.”

Nguồn: AFP, Reuters, VOA Interview

VOA Express

XS
SM
MD
LG