Đường dẫn truy cập

Thế giới kêu gọi hủy kế hoạch xây nhà máy thủy điện dọc sông Mekong


Do quan ngại về tình hình sông Mekong, người dân ở 6 nước trong khu vực Đông Nam Á và trên toàn thế giới đã kêu gọi các chính phủ hủy bỏ các kế hoạch phát triển nhà máy thủy điện dọc dòng chính của con sông này.

Bản tin hôm chủ nhật của Asia News Network cho hay trước việc các chính phủ ủng hộ việc xây đập trên dòng sông đang nuôi sống 60 triệu người dân này, hơn 11,000 người dân trong khu vực đã ký một bản kiến nghị mang tên 'Cứu lấy Sông Mekong' gửi đến Thủ tướng các nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan để yêu cầu họ giữ cho dòng chảy của sông không bị gián đoạn và thực hiện các dự án điện ít gây tổn hại hơn đối với dòng sông này.

Bản kiến nghị này được các ngư dân, nông dân sống dọc các nhánh sông và dòng chính ký tên cùng với các tu sĩ, sinh viên người dân thành thị và một số nhân vật nổi tiếng. Khoảng 5,000 người khác trên thế giới cũng đã ký bưu thiếp và đơn kiến nghị trên mạng.

Bản kiến nghị được viết bằng nhiều thứ tiếng và được trao cho Thủ tướng Thái Lan ở Bangkok và cũng được gửi cho các nhà lãnh đạo chính phủ các nước trong khu vực.

Bà Premrudee Daoroung, đại diện Quĩ phi lợi nhuận mang tên Phục hồi Sinh thái có trụ sở ở Bangkok phát biểu tại một cuộc họp báo rằng nhờ việc thu thập chữ ký cho bản kiến nghị này mà người dân hiện nay đã nhận thức được về mối đe dọa đối với sông Mekong và phong trào kêu gọi bảo vệ dòng sông và đời sống của người dân sống dọc theo con sông.

Việc xây dựng các con đập là một trong những vấn đề gây tranh cãi và làm dấy lên mối quan ngại trong cộng đồng người dân sống ở bên bờ con sông này về những hậu quả nghiêm trọng mà những con đập này có thể sẽ gây ra cho dòng sông.

Kể từ năm 2006, 11 đập thủy điện lớn đã được đề xuất xây dựng ở dòng chính của con sông này. Những đề xuất này đã bị chỉ trích về vấn đề chi phí cũng như tác hại đối với môi trường và đời sống của người dân nơi đây.

Việt Nam sẽ phải chịu tác động nhiều nhất do đoạn cuối của dòng sông này chảy qua đồng bằng sông Cửu Long và có khoảng 17 triệu người Việt Nam hiện đang sống ở dọc dòng sông này, con số này chiếm gần 1/3 dân số sống dọc bờ sông Mekong.

Theo ông Ngô Xuân Quảng, quyền Trưởng phòng Công nghệ & Quản lý môi trường thuộc Viện Sinh học nhiệt đới Việt Nam thì các tác động tiềm ẩn của việc chặn dòng sông Mekong có thể kể đến như việc làm biến đổi dòng chảy, phá vỡ hệ sinh thái và làm sụt lún, xói lở ven bờ, đáy sông bị tụt xuống cũng khiến các mạch nước ngầm bị đẩy xuống sâu hơn. Nguồn nước cung cấp cho cư dân khi đó sẽ thiếu.

Cũng theo ông Quảng thì An Giang và Đồng Tháp sẽ là hai tỉnh chịu tác động nghiêm trong nhất của tình trạng xói lở đất trong khi Tiền Giang phải hứng chịu tìnht trạng ruộng đồng khô hạn.

Sông Mekong cung cấp một lượng thủy sản nước ngọt thuộc loại lớn, đem lại nguồn lương thực và thu nhập cho hàng triệu người dân sống dọc dòng sông. Sản lượng thủy sản ở khu vực này đem lại khoảng 3 tỉ đô la/năm. Sông Mekong còn sở hữu sự đa dạng thủy sinh học lớn thứ 2 trên thế giới, sau sông Amazon ở Nam Mỹ.

Nếu sông Mekong bị chặn, nó sẽ ảnh hưởng đến sự di cư của các loài thủy sinh vật, chiếm tới 70% sản lượng cá của dòng sông, và đặt hàng triệu người sống phụ thuộc vào sông Mekong vào tình thế nguy cấp về lương thực và thu nhập.

Kể từ khi Trung Quốc xây dựng con đập đầu tiên thì nhiều loại sinh vật đã đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, trong đó có loài heo biển và cá heo Mekong, mực nước sông cũng cạn dần và tàu bè bị mắc cạn, số lượng cá đánh bắt được đã giảm đi hơn một nửa so với trước khi xây đập.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG