Đường dẫn truy cập

VN bênh vực cam kết tự do ngôn luận sau vụ bắt giữ LS Lê Công Ðịnh


Chính quyền cộng sản Việt Nam đã tiếng bênh vực cho việc thực hiện cam kết về tự do ngôn luận trong lúc gặp phải sự chỉ trích ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế đối với vụ bắt giữ luật sư Lê Công Ðịnh.

Theo tin hôm thứ Năm của hãng thông tấn Pháp, trong một thông cáo đăng trên website của Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 17/6, người phát ngôn Lê Dũng nói rằng: ‘Theo thông tin do Bộ Công an cung cấp, Lê Công Định đã có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam, câu kết với một số đối tượng ở nước ngoài hoạt động nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’.

Nhưng trong một lời kêu gọi trả tự do cho luật sư 41 tuổi này, một tổ chức nhân quyền nổi tiếng thế giới là Hội Ân Xá Quốc Tế đã gọi ông Định là ‘một tù nhân lương tâm, bị bắt chỉ vì thể hiện quyền tự do ngôn luận một cách hòa bình’.

Thông cáo báo chí của Hội Ân Xá Quốc Tế nói rằng vụ bắt giữ ông Định là ‘một chỉ dấu nữa cho thấy mưu toan của nhà cầm quyền Việt Nam nhằm trấn áp tự do ngôn luận và làm im tiếng những ai chỉ trích chính phủ hoặc có quan điểm bất đồng'.

Trong khi đó thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh rằng Việt Nam ‘bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do chính kiến của công dân và khuyến khích người dân đóng góp ý kiến và tham gia tích cực vào mọi mặt đời sống của đất nước’.

Người phát ngôn Lê Dũng nói thêm trong thông cáo: ‘Như mọi quốc gia, các hành vi vi phạm pháp luật của công dân đều được xử lý theo đúng quy định của pháp luật’.

Hãng AFP đưa tin, ông Định đã viết các bài bình luận về các vấn đề luật pháp trên các tờ báo nổi tiếng ở Việt Nam. Ông cũng tham gia các nhóm luật sư đã bào chữa cho hai luật sư nhân quyền khác là Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân hồi năm 2007.

Tuy nhiên, tòa án phúc thẩm đã giữ nguyên phán quyết đối với hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân với cáo trạng là họ ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’, nhưng đã giảm cho mỗi người 1 năm tù giam, xuống còn 4 năm tù giam đối với ông Đài, và 3 năm tù giam đối với bà Nhân.

Cũng giống như hai luật sư đồng nghiệp mà ông bào chữa, ông Định bị buộc tội theo Điều 88 – Bộ Luật Hình sự vốn nghiêm cấm những hành vi mà họ gọi là ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’.

Theo hãng tin DPA, ông Định cũng từng bào chữa cho blogger ủng hộ dân chủ là Điếu Cày hồi năm 2008. Blogger này, còn được biết tới là nhà báo tự do Nguyễn Hoàng Hải, sau đó đã bị kết án ba năm tù giam vì tội trốn thuế.

Theo AFP, mới đây, Hiệp hội Báo chí Đông Nam Á có trụ sở ở Bangkok (viết tắt là SEAPA) đã lên tiếng kêu gọi trả tự do cho ông Định. Tổ chức này nói rằng vụ bắt giữ đã phát đi ‘một thông điệp ớn lạnh” đối với các luật sư, nhà báo và những người ủng hộ thay đổi hòa bình. Được biết, SEAPA là một liên minh các tổ chức cổ xúy cho tự do ngôn luận và báo chí ở Đông Nam Á.

Trước đó, tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch có trụ sở ở Mỹ và tổ chức thúc đẩy tự do báo chí Hội Nhà Báo Không Biên Giới từ Paris đã chỉ trích vụ bắt giữ mà chính quyền Hoa Kỳ cho là ‘mâu thuẫn với chính cam kết của chính phủ (Việt Nam) đối với các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận về nhân quyền và pháp trị’. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã kêu gọi ‘trả tự do vô điều kiện’ cho luật sư Định.

Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng nói rằng vụ bắt giữ ông Định ‘được tiến hành theo đúng trình tự của pháp luật Việt Nam’.

Trong khi đó, hãng tin DPA trích lời kinh tế gia Nguyễn Quang A từ trong nước nói rằng vụ bắt giữ là một sự ‘bóp nghẹt dân chủ một cách tàn bạo’.

Theo thông cáo của Hội Ân Xá Quốc Tế, kể từ năm 2006, đã có ít nhất 30 nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam đã bị bỏ tù, và phần đông trong số đó bị bắt theo Điều 88 – Bộ luật Hình sự vì đã thảo luận các vấn đề chính trị và nhân quyền.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG