Đường dẫn truy cập

Viễn ảnh kinh tế thế giới u ám


Các nhà dự báo nói rằng nền kinh tế thế giới đang ở giữa cuộc suy thoái trầm trọng nhất từ 60 năm nay, và tỷ lệ tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ ở con số âm trong năm nay. Thông tín viên Barry Wood của đài VOA ghi nhận thêm chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Cách đây 2 tháng, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF nói rằng nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng ở mức thảm hại là 1,5% trong năm nay.

Nhưng cựu kinh tế gia trưởng của IMF, ông Michael Mussa nói rằng tình hình trên toàn cầu đã xấu đi kể từ lúc đó, và tỷ lệ tăng trưởng dự kiến vừa rồi sẽ là âm 0,8% trong năm 2009.

Là một chuyên gia tại Viện Tính toán Kinh tế Peterson ở Washington, ông Mussa nói rằng nền kinh tế thế giới đang ở giữa một cuộc suy thoái đáng kể nhất từ Thế chiến thứ hai. Ông tiên đoán rằng mức sụt giảm sản lượng sẽ là 2% ở Hoa Kỳ, 5% ở Nhật Bản và 2,5% trong khu vực các nước dùng đồng euro.

Nhưng ông Mussa nói rằng các ngân khoản kích thích tiền tệ và tài chính chưa từng có ở Hoa Kỳ sẽ làm xoay chuyển tình thế nền kinh tế Mỹ trong vòng vài tháng sắp tới. Ông nhìn thấy các dấu hiệu tích cực trong sự sụt giảm 30% về giá nhà cửa trong 2 năm vừa qua, khiến cho các gia đình Mỹ có nhiều khả năng mua nhà hơn.

Ông Musa nói: “Ngược lại, Nhật Bản đã phải mất 12 năm mới kéo được giá nhà đất xuống các mức hợp lý. Sự điều chỉnh ở Hoa Kỳ diễn ra rất nhanh chóng. Nó làm nhiều người đau khổ, nhưng đó là điều cần thiết. ”

Theo ông Mussa, những cuộc suy thoái trước đây đã chứng kiến sự xuống dốc mạnh tiếp theo bằng một sự lên dốc mạnh, một sự phục hồi theo hình chữ V. Và ông dự báo tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ sẽ ở mức 3,6% vào năm tới.

Ông Musa nói: “Ta thấy có một khối lượng kích thích lớn về chính sách. Chắc chắn rằng về mặt tiền bạc ở Hoa Kỳ, thì điều này vượt xa bất cứ những gì đã được thực hiện trước đây.”

Quỹ Dự trữ Liên bang đã đưa lãi suất ngắn hạn xuống gần 0% và đổ tiền vào hệ thống tài chính để kích hoạt nền kinh tế.

Nhưng người đồng môn của ông Mussa ở Viện Peterson, ông Simon Johnson, cũng là một kinh tế gia trưởng của IMF, vẫn không tin như thế. Ông Johnson nói rằng thiệt hại gây ra cho nền kinh tế ở mức nghiêm trọng đến độ, với tình trạng người tiêu thụ và các cơ sở kinh doanh phải chật vật để trả nợ, thì sự phục hồi sẽ chậm chạp và yếu ớt – một sự phục hồi được gọi là hình chữ L. Ông tiên đoán tỷ lệ tăng trưởng năm tới nếu có thì cũng rất thấp.

Ông Johnson nói: “Chúng ta đã làm rất nhiều. Các chính phủ đã có nhiều biện pháp. Các chính sách đã thay đổi trong nhiều lãnh vực. Nhưng câu hỏi là 'Như thế có phải là nhiều tính theo tỷ lệ của vấn đề hay không. Đối với tôi, thì như thế là chưa đủ'.”

Ông Johnson nói rằng cần phải có thềm kích thích tài chính, nhất là ở Châu Âu.

Nhưng một số các nền kinh tế đang phát triển chính đang cầm cự tương đối khá. Trung Quốc dự trù sẽ ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế là 7,5% trong năm nay và Ấn Độ có thể chứng kiến mức tăng trưởng là 5%.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG