Đường dẫn truy cập

Một số luật về thuế và lao động cho người làm nghề nail


Các tiệm nail của người Việt khắp nơi tại Hoa Kỳ thường được xem là những cơ sở tiểu thương hoặc những doanh nghiệp loại nhỏ. Nhiều người chủ tiệm Nail này vẫn chưa nắm vững các luật lệ phức tạp về thuế vụ và lao động, quy định mối liên hệ giữa họ và những người làm việc trong tiệm. Một luật gia người Việt ở California cảnh báo rằng nếu các chủ tiệm Nail lơ là trong các luật lệ này, họ có thể lãnh hậu quả tai hại. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết với Huy Phương.

Hoa Kỳ có những luật về thuế vụ và lao động mà tất cả các doanh nghiệp lớn nhỏ đều phải theo. Những luật này đã có từ lâu, nhưng các chủ doanh nghiệp nhỏ di dân đến Mỹ một phần do không biết, một phần do hiểu lầm luật này chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp loại lớn, còn mình thì không; cho nên thường hay lơ là trong việc thi hành.

Đối với các doanh nghiệp loại nhỏ, ví dụ như tiệm nail, nhà hàng, chợ bán tạp hóa, cơ quan thuế vụ Hoa Kỳ chia những người làm trong đó thành hai loại; hoặc là nhân viên (employee), hoặc là người làm theo hợp đồng (independent contractor).

Một số chủ tiệm nail đã xem người làm là làm theo hợp đồng, để khỏi phải mất công làm giấy tờ trừ thuế, hoặc khỏi phải đóng phụ tiền thuế cho người làm với mình.

Khi xếp vào loại làm theo hợp đồng thì người chủ cũng khỏi phải mua những bảo hiểm lao động cho người làm, ví dụ như bảo hiểm khi thất nghiệp hoặc bảo hiểm khi gặp tai nạn.

Ngược lại, khi xếp người làm cho mình vào loại nhân viên (employee), thì chủ nhân, ngoài chuyện trừ tiền thuế, còn phải mua bảo hiểm. Đó là chuyện mà tất cả các tiểu bang của Hoa Kỳ đều bắt buộc, ngoại trừ hai tiểu bang là Texas và South Dakota. Một số tiểu bang chỉ buộc chủ nhân phải mua bảo hiểm lao động cho nhân viên nếu doanh nghiệp có từ 5 người trở lên.

Luật lệ bắt buộc chủ nhân phải khấu trừ các khoản thuế lợi tức và an sinh xã hội của người nhân viên 'employee' ngay trong mỗi kỳ lương, đồng thời cũng đòi hỏi chủ nhân phải cung cấp cho người 'employee' nhiều thứ phúc lợi, ví dụ như phải trả lương tối thiểu hoặc giờ phụ trội; phải cho giờ ăn và giải lao; phải bồi hoàn các chi phí mà 'employee' tốn hao trong lúc làm việc cho thương vụ của người chủ. Thêm vào đó, người chủ cũng phải đóng thuế lương bổng, đóng tiền bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tàn phế và an sinh xã hội; và tại hầu hết các tiểu bang, người chủ còn bắt buộc phải mua bảo hiểm lao động cho người 'employee'. Mục đích của bảo hiểm lao động là để trả các chi phí y tế và tiền trợ cấp cho người 'employee' khi rủi ro bị thương tật hay tàn phế vì những tai nạn xảy ra trong lúc làm việc.

"Trong thời gian gần đây tại California và nhiều nơi khác, cơ quan lao động và thuế vụ đã liên tục mở nhiều đợt kiểm tra các cơ sở tiểu thương, đặc biệt là những nhà hàng, tiệm Nail, tiệm làm tóc, xưởng may….nhằm bảo đảm việc thi hành các quy định về thuế vụ và vấn đề cung cấp phúc lợi cho người làm được xem là employee. Kết quả những đợt kiểm tra này là nhiều cơ sở tiểu thương đã bị phạt khá nặng vì không mua bảo hiểm lao động và không theo các quy định về thuế vụ áp dụng cho những người làm mà tiêu chuẩn hiện hành xác định người đó là employee."

Đó là phát biểu của ông Tom Huỳnh, tốt nghiệp tiến sĩ Luật khoa tại Hoa Kỳ, chuyên về luật thương mại và lao động, hiện đã nghỉ hưu và định cư tại California.

Trước sự phân biệt giữa nhân viên (employee) và người làm theo hợp đồng (independent contractor) với những luật lệ phức tạp như thế thì chủ nhân các doanh nghiệp nhỏ, như chủ tiệm nail chẳng hạn, phải làm gì.

Tiến sĩ Tom Huỳnh cho biết: “Rất là giản dị! Có những ngành nghề khi thủ người vào thì bắt buộc người đó chỉ có thể là nhân viên thôi. Vì dụ như nghề chạy bàn trong nhà hàng thì người đó 100% là employee. Anh phải bắt buộc ap dụng luật lệ dành cho employee. Ngược lại có những ngành nghề, như đại lý bán nhà, người đó có thể xếp vào loại emplyee hoặc independent contractor, tùy theo hoàn cảnh của người đó như thế nào với người chủ. Còn nghề Nail cũng có thể là employee, làm cho người chủ nếu người chủ kiểm soát người đó, buộc phải đi làm đúng giờ hay gì đó thì sẽ được coi là employee. Trái lại có những người thuê một station, một bàn trong tiệm để làm thì độc lập với người chủ, thì họ là independent contractor. Tóm lại, nếu mình phân định rõ ràng người làm với mình là employee hay independent contractor theì mình phải theo đúng mỗi hoàn cảnh; để khi mình bị Sở Lao Động đến kiểm tra, mình có đủ những chứng từ, dữ kiện để chứng minh”.

VOA: Còn đứng về phía người làm trong các tiệm Nail, thì nên làm gì để sau này tránh những vấn đề về thuế?

Tiến sĩ Tom Huỳnh: “Tùy theo khi anh bắt đầu làm anh có thu xếp với người chủ như thế nào. Nếu anh bị người chủ kiểm soát thì bắt buộc người chủ phải coi anh là employee. Về phần anh, anh phải chịu đóng những khoản thuế liên bang và tiểu bang; người chủ sẽ trừ trong mỗi kỳ lương của anh. Đồng thời, người chủ cũng phải mua những bảo hiểm lao động cho anh. Ngược lại khi làm, anh đã thỏa thuận là independent contractor thì anh phải lo đóng các khoản thuế, chứ người chủ họ không trừ khỏi phiếu lương của anh.”

Tiến Sĩ Tom Huỳnh cho biết: trong tình hình kinh tế suy thoái hiện nay và trước những đợt kiểm tra thường xuyên của cơ quan lao động và thuế vụ, chủ nhân các cơ sở tiểu thương, đặc biệt là những tiệm Nail của người Việt khắp nơi, cần tìm hiểu rõ ràng những luật lệ và quy định liên hệ trước khi xác định người làm là theo hợp đồng 'independent contractor' hoặc là nhân viên 'employee', để tránh những khoản tiền phạt đáng tiếc.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG