Đường dẫn truy cập

Thỏa thuận tự do mậu dịch mới của ASEAN được xem là bước 'tích cực'


Thỏa ước mậu dịch tự do mới được ký kết giữa 10 nước thành viên Hiệp Hội các quốc gia Đông Nam Á, gọi tắt là ASEAN, với Úc và New Zealand, được xem là một bước tích cực, trong lúc khu vực này vật lộn với cuộc suy thoái toàn cầu. Như thông tín viên Ron Corben của đài VOA tường trình từ Bangkok, các cấp điều hành doanh nghiệp tại Châu Á cũng coi thỏa ước được ký với Úc và New Zealand là đã củng cố vị thế của Đông Nam Á trước tình hình ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc đang gia tăng trong khu vực.

Thỏa ước mậu dịch mới được ký kết tại Hội nghị thượng đỉnh giữa các cấp lãnh đạo ASEAN và các giới chức từ Úc và New Zealand đã tạo thêm một tia sáng lạc quan hiếm có trong bầu khí kinh tế u ám trong vùng.

Với quá trình 2 năm thương thảo, và sau một thập niên với những cuộc vận động ngoại giao, thỏa ước mậu dịch tự do ASEAN cùng Úc và New Zealand dự trù sẽ đi vào hoạt động toàn bộ vào năm 2020.

Với sự kết hợp các nền kinh tế Úc và New Zealand, thỏa ước đã gia tăng thêm 640 tỉ vào sản lượng gồm 2 ngàn tỉ của Đông nam Á. Đối với Úc và New Zealand, thỏa ước này có ý nghĩa một bước tham gia lớn hơn vào một thị trường gồm 10 nước với 600 triệu người.

Ông Simon Crean, Bộ trưởng thương mại Úc tỏ ra lạc quan về viễn tượng mà thỏa ước đem lại cho nền doanh nghiệp.

Ông Crean nói: “Các nguyên tắc rất là đơn giản. Việc gia nhập thị trường sẽ được cải thiện và, với kết cục của các điểm đã thỏa thuận, khoảng 96% mức thuế quan sẽ được bãi bỏ.”

Ông Rod Morehouse, Ủy viên thương mại cao cấp của Úc gọi đây là một thỏa ước 'đồ sộ', căn cứ trên mức độ toàn vẹn và đa dạng của nó.

Ông Morehouse nói: “ Nếu có một lúc mà mọi người không muốn mở cửa biên giới, thì có lẽ đấy chính trong thời điểm của cuộc khủng hoảng tài chánh mà chúng ta đang trải qua vào lúc này. Vậy một lần nữa, đây quả là là một thỏa ước hết sức tích cực.”

Thỏa ước vừa nói ra đời vào lúc sự tăng trưởng về xuất khẩu trong vùng bị tuột dốc, do ảnh hưởng của cơn suy thoái toàn cầu.

Tại Thái Lan, nơi xuất khẩu chiếm 65% sản lượng toàn quốc, mức bán ra nước ngoài đã hạ giảm gần 30% vào tháng 1, với dự báo mức sụt giảm còn cao hơn trong giai đoạn sắp tới. Một triển vọng tương tự cũng được tiên đoán cho những nước thành viên ASEAN khác, với việc các kinh tế gia tiên liệu rằng sự tăng trưởng trong khu vực sẽ co cụm trong suốt năm 2009.

Trong toàn khu vực, nhiều việc làm bị cắt, giờ làm cùng với lương bổng bị giảm, trong khi các ngành công nghiệp xuất khẩu và chế tạo chủ chốt tìm cách vượt qua cơn bão tố kinh tế. Tình hình suy thoái đã khơi ra những lời đề nghị bảo hộ mậu dịch, một biện pháp mà các nhà lãnh đạo ASEAN chống lại.

Ông John Presatio, chủ tịch bộ phận quốc tế của Phòng thương mại và Công nghiệp Indonesia cho biết người ta đã nghe thấy tiếng vang của chủ nghĩa kinh tế quốc gia.

Ông Presatio nói: “Với cơn khủng hoảng đe dọa trước mặt, muốn hay không, bạn cũng phải nhìn thấy một tình cảm thiên quốc gia đang dâng lên. Nhưng đồng thời, những chuyên gia cũng có khả năng thuyết phục, đại khái họ nói ‘Này, nếu anh muốn theo chủ nghĩa kinh tế quốc gia thì tùy anh thôi, nhưng việc tạo dựng một nền thịnh vượng lâu dài đòi hỏi chúng ta phải có nhiều những hoạt động mậu dịch quốc tế hơn'.”

Ông Zain Yusuf, chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Úc và Malaysia nói thời điểm của thỏa ước vừa nói rất quan trọng.

Ông Yusuf nói: “Thời điểm hành động là vô cùng quan trọng trước toàn cảnh tài chánh và kinh tế u ám hiện thời. Người ta cần phải nhìn kỹ cái gì có lợi cho khu vực. Sẽ rất vô nghĩa nếu đem đặt những rào cản gây trở ngại cho mậu dịch tự do. Qua cách này, tất cả mọi người đều có lợi.”

Theo quan điểm của ông Zain Yusuf, việc mở ra những dịch vụ tài chánh đem lợi ích đến cho cả Malaysia và Australia, cùng với các ngành quặng mỏ, viễn thông và xây dựng.

Một kết quả quan trọng cho ASEAN là họ sẽ tiếp cận được nhiều hơn với kỹ thuật của Úc và New Zealand, cùng với việc phát triển nhiều cơ sở, cũng như sẽ được hỗ trợ về các ngành nghề và dịch vụ.

Ông Presatio thuộc Phòng Thương mại và Công nghệ Indonesia nói những tiếp cận như vừa nói là điều quan trọng trong tác dụng làm đối trọng để tăng sức mạnh cho khu vực trong khi thương lượng với Trung Quốc.

Ông Presatio nói: “Nước Indonesia chúng tôi hy vọng có thể hiện đại hóa nền kinh tế với sự trợ lực của đồng minh mới thành thạo hơn là Australia. Chúng ta càng chăm lo cải thiện nền kinh tế của chúng ta, thì chúng ta càng có nhiều lợi thế khi cần phải ngồi vào bàn thương nghị với các nước bạn vùng Bắc Châu Á, nếu chúng ta muốn nhận được một sự thỏa thuận công bằng.”

Ông Zain Yusuf của Malaysia cho rằng tình hình gia tăng tính cân bằng của khu vực đem lại một thị trường mở rộng hơn.

Ông Yusuf nói: “Không phải là vấn đề tạo ra một thế lực chống trả nhưng là tạo ra một thị trường lớn hơn, thị trường đó sẽ giúp các nước ở trong vị thế bình đẳng hơn trong lúc thương thảo với nhau. Ý tưởng chính là cùng có ích, cùng có lợi, chứ không phải là lợi cho nước này mà thiệt cho nước kia.”

Thêm vào việc hạ giảm giá cả, những đại diện cao cấp của 10 nước ASEAN, cùng với giới chức Úc và New Zealand sẽ gặp nhau mỗi năm để thương thảo những vấn đề hàng rào giá cả, cũng được xem là những trở ngại ngăn cản việc phát triển mậu dịch.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG