Đường dẫn truy cập

Kampuchea sẵn sàng đưa các cựu thủ lĩnh Khmer đỏ ra xét xử


Sau hơn 30 năm trốn tránh vòng công lý, Kampuchea cuối cùng cũng đã sẵn sàng đưa các thủ lĩnh Khmer đỏ ra xét xử về những tội ác mà họ đã phạm trong thời gian cai trị tàn bạo. Tuy nhiên, theo tường trình của Thông tín viên Daniel Schearf từ văn phòng đài VOA ở Đông Nam Á thì có một số vấn đề đặt ra là liệu tòa án này có thể đứng độc lập về mặt chính trị hay giúp hòa giải dân tộc được hay không.

Ngày mai, Tòa án tội phạm chiến tranh của Kampuchea với sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên sẽ mở phiên toà xét xử một cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ.

Kaing Guek Eav, còn được biết đến với tên Duch, đang đối mặt với các cáo trạng về tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người, tội tra tấn và giết người trong vai trò là người đứng đầu trại giam S-21.

Hơn 12,000 người Kampuchea bị cáo buộc phản bội chế độ Khmer Đỏ đã bị giam cầm, tra tấn và hành quyết ngay tại trung tâm ở Phnom Penh.

Ông William Smith, phó đồng công tố viên vụ án này đã phát biểu như vậy trước các thông tín viên ở Bangkok hồi tuần trước. Ông nói phiên toà ngày mai sẽ quyết định các vấn đề thủ tục và nghe các cáo trạng.

Ông Smith nói: “Chủ yếu phiên tòa tới sẽ quyết định phiên xử sẽ tiến hành như thế nào và các loại bằng chứng mà công chúng sẽ được biết. Vì vậy dĩ nhiên đây là một ngày quan trọng. Đây là lần đầu tiên có người được đưa ra để giải thích cho những hành động tàn ác của Khmer Đỏ”.

Thông tín viên Nic Dunlop đã tìm thấy Duch và phỏng vấn ông ta vào năm 1999 ở khu vực biên giới Thái Lan và Kampuchea.

Ngay sau đó, ông ta bị câu lưu và giam giữ trong 8 năm trước khi được trao cho toà án tội phạm chiến tranh.

Ông Richard Rogers làm việc cho ban hỗ trợ bào chữa của toà án và cũng đã phát biểu trong hội thảo. Ông nói mặc dù Duch đã phạm tội, nhưng ông ta có thể vẫn được đáng được sự khoan hồng vì ông ta là cựu thủ lĩnh cao cấp duy nhất của Khmer Đỏ đã thú tội.

Ông Rogers nói: “Những bản án mà toà đưa ra không chỉ là hình phạt hay sự trả thù, mà còn là vấn đề hàn gắn và khép lại quá khứ, vậy thì bản án nào, nếu có, sẽ là một bản án phù hợp cho một người như Duch – một người đã thú nhận tội lỗi của mình, người đã hỗ trợ công tác điều tra, và người đã tỏ ra ăn năn hối lỗi và xin được tha thứ?”

Có 4 cựu thủ lĩnh cấp cao hơn của Khmer Đỏ đang bị câu lưu và sẽ ra toà vào năm tới.

Một đồng công tố viên nước ngoài tại toà án đã đề nghị truy tố thêm 6 cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ, tuy nhiên người đồng nhiệm Kampuchea đã bác bỏ đề nghị này. Sự phản đối này đã khơi ra những mối quan ngại là chính phủ Kampuchea đang gây áp lực đối với toà án nhằm hạn chế các vụ khởi tố.

Chính phủ Kampuchea có nhiều cựu cán bộ Khmer Đỏ, trong đó có Thủ tướng Hun Sen. Ông cho biết ông chỉ muốn các phiên toà giới hạn 5 vụ truy tố.

Bà Heather Ryan đã phát biểu trong cuộc hội thảo của tổ chức Open Society Justice Initiative, một tổ chức theo dõi sự công bằng của toà án.

Bà Ryan nói: "Việc truy tố hơn 5 người là điều quan trọng đối với uy tín của toà án này, một phần là để đưa ra một bức tranh rộng hơn cho người dân Kampuchea và thế giới thấy được những gì đã xảy ra dưới thời Khmer Đỏ, và cũng để chứng minh tính liêm chính của toà án cũng như sự độc lập về mặt chính trị của phiên toà."

Bà Ryan nói thêm một vấn đề nữa là việc nâng cao nhận thức cho người dân Kampuchea. Hơn một nửa dân số Kampuchea được sinh ra sau thời Khmer Đỏ và bà nói rằng nhiều người trẻ tuổi đã đặt câu hỏi về mức độ tàn ác của chế độ này.

Bà Ryan nói: "Tòa án này sẽ không thành công, cho dù phiên xử có tốt thế nào đi chăng nữa, nếu người dân Kampuchea không hiểu và không biết điều gì đang diễn ra.”

Chế độ Cộng sản Khmer Đỏ chỉ nắm quyền ở Kampuchea trong vài năm, nhưng sự cai trị tàn ác của họ đã dẫn đến cái chết của khoảng 1,7 triệu người Kampuchea.

Dưới sự cai trị của thủ lĩnh cuồng tín Pol Pot, Khmer Đỏ đã tìm cách thiết lập một chế độ cộng sản không tưởng.

Những người dân thành phố bị cưỡng bức phải về các vùng nông thôn và bất cứ ai trông giống một người trí thức hoặc bị cáo buộc phản bội lại chế độ sẽ bị tra tấn và thường bị hành quyết.

Khmer Đỏ bị đánh bại khi Việt Nam không chịu nổi sự thái quá của Pol Pot đã xâm chiếm Kampuchea vào năm 1979.

Khmer Đỏ đã bị đẩy lùi tới biên giới Thái Lan, nơi họ đã mở cuộc nội chiến kiểu du kích trong hơn một thập niên trước khi các thành viên của họ dần bị bắt hoặc đầu hàng. Pol Pot đã chết trước khi bị đưa ra xét xử.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG