Đường dẫn truy cập

Bắc Triều Tiên: Một trong những thách thức đang chờ đón ông Obama


Bên cạnh những vấn đề gay go về an ninh như các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, cùng với tham vọng hạt nhân của Iran, vấn đề làm thế nào để hồi sinh cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên sẽ là một trong những thách thức hàng đầu mà tân chính phủ của ông Barack Obama phải ứng phó. Thông tín viên Andre de Nesnera của đài VOA đã tiếp xúc với các cựu giới chức cao cấp của chính phủ Mỹ để tìm hiểu về vấn đề quan trọng này ở Châu Á. Mời quí thính giả theo dõi thêm các chi tiết sau đây với Duy Ái.

Từ tháng 8 năm 2003, chính quyền của Tổng thống Bush đã tìm cách thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ tất cả các chương trình vũ khí hạt nhân. Nỗ lực này được thực hiện trong khuôn khổ của cuộc đàm phán 6 bên - bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Nhật bản và hai miền Nam, Bắc Triều Tiên.

Các nhà quan sát cho biết cuộc thương thuyết bị gián đoạn nhiều lần này đã mang lại một số thành quả, trong đó có hiệp định ký kết hồi tháng hai năm 2007. Theo thỏa thuận này, Bắc Triều Tiên đồng ý trên nguyên tắc về việc tháo dỡ toàn bộ các chương trình hạt nhân, kể cả các chương trình vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, từ đó tới nay, các nhà phân tích nói rằng các phe đã không đạt được tiến bộ nào đáng kể. Và tháng 12 vừa qua, vòng đàm phán mới nhất đã bị đổ vỡ vì Bắc Triều Tiên không chịu chấp nhận những thủ tục nghiêm khắc hơn trong việc kiểm chứng các hoạt động phi hạt nhân hóa.

Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, ông Stephen Hadley cho biết việc mở lại cuộc đàm phán với Bắc Triều Tiên sẽ là một thách thức mà ông Barak Obama sẽ phải nhanh chóng ứng phó sau khi nhậm chức vào ngày 20 tháng giêng năm nay. Ông Hadley phát biểu như sau trong một cuộc hội thảo hôm thứ tư vừa qua tại Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề Chiến lược và Quốc tế ở Washington.

Ông Hadley nói: "Bắc Triều Tiên sẽ trắc nghiệm chính quyền mới qua việc tìm cách gây chia rẽ cho 6 bên trong cuộc đàm phán một lần nữa và tìm cách điều đình lại thỏa thuận đã đạt được. Đây là điều mà trước đây chúng tôi đã từng chứng kiến. Và khi mà những mưu toan của họ không đạt được mục đích, Bắc Triều Tiên sẽ phải chấp nhận một thỏa thuận về vấn đề kiểm chứng – ngõ hầu chúng ta có thể kiểm chứng việc tháo dỡ và việc vô hiệu hóa khả năng hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Nếu không có thỏa thuận kiểm chứng này thì sẽ không có tiến bộ nào cả."

Cựu Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ, ông James Schlesinger cho rằng con đường để có được thỏa hiệp với Bắc Triều Tiên là con đường chạy ngang Trung Quốc.

Ông Schlesinger nói thêm: "Chỉ có Bắc kinh mới có đủ khả năng để tạo áp lực và trong quá khứ họ đã cho thấy một sự bực giọc đáng kể đối với cung cách hành xử của Bắc Triều Tiên để họ phải sử dụng tới khả năng đó. Nếu không như vậy thì không ai biết rõ là Bắc Triều Tiên muốn gì. Có thể là Bình Nhưỡng đã quyết định rằng đã tới lúc họ nên ngưng điều đình với chính quyền của Tổng thống Bush và chờ cho ông Obama lên nắm quyền với hy vọng sẽ đạt được một thỏa hiệp có lợi hơn từ ông Obama. Tôi nghĩ rằng vấn đề có thể là như vậy và chúng ta sẽ có giải đáp rõ ràng cho vấn đề này trong vài tháng sắp tới."

Tướng không quân hồi hưu Brent Scowcroft là người từng hai lần giữ chức Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ. Ông đã lên tiếng kêu gọi chính phủ của ông Barak Obama hãy có thái độ kiên nhẫn.

Ông Scowcroft nói: "Hãy kiên nhẫn và tiếp tục đi theo con đường hiện nay. Bắc Triều Tiên là một đối thủ rất khó khăn trong các cuộc điều đình, nhưng tôi nghĩ rằng ông Christopher Hill, người cầm đầu đoàn thương thuyết của chúng ta, đã làm việc rất tốt. Và tôi nghĩ rằng nếu chúng ta kiên trì, tiếp tục theo đuổi đường lối hiện nay – tiếp tục theo đuổi chứ không nên gia tăng căng thẳng, chúng ta sẽõ có được nhiều tiến bộ. Tôi cảm thấy lạc quan, nhưng vấn đề này đòi hỏi phải có kiên nhẫn."

Trong lúc ông Scowcroft cổ xướng cho việc nhẫn nại, ông Lawrence Eagleburger – một nhà ngoại giao kỳ cựu từng giữ chức ngoại trưởng dưới thời Tổng thống George H. Bush, lại đề nghị áp dụng những biện pháp kịch liệt để chống lại Bắc Triều Tiên nếu các nỗ lực ngoại giao bị thất bại.

Ông Eagleburger nói: "Họ cần phải bị cô lập bởi tất cả mọi người để họ hoàn toàn không còn chỗ để cựa quậy; và có lẽ sau này họ sẽ được thuyết phục để từ bỏ các loại vũ khí hạt nhân và cam kết không chế tạo thêm nữa. Tôi nghĩ rằng chuyện đó rất khó xảy ra và tôi sẽ không ngạc nhiên nếu vào một thời điểm nào đó, sau khi vụ giằng co này đã kéo dài trong một thời gian, chúng ta tiến vào Bắc Triều Tiên để phá hủy mọi cơ sở hạt nhân mà chúng ta biết được. Có thể có những cơ sở khác mà chúng ta không biết. Cá nhân tôi, tôi sẽ không phản đối việc oanh kích Bắc Triều Tiên – vào thời điểm này tôi không muốn nói việc tiến công trên bộ. Nhưng cứ tiến vào để xem chúng ta có thể phá hủy tất cả các cơ sở hạt nhân của họ hay không."

Ông James Schlesinger và tướng Brent Scowcroft không tán đồng việc thực hiện hành động quân sự chống lại Bắc Triều Tiên. Họ nói rằng làm như vậy sẽ tạo ra những mối căng thẳng không cần thiết với Trung Quốc – là nước đang đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc đàm phán 6 bên.

Về phần mình, Tổng thống đắc cử Barak Obama đã đề ra chủ trương là thực hiện những hoạt động ngoại giao mà ông gọi là lâu bền, trực tiếp và hăng hái với Bắc Triều Tiên. Ông nói rằng vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên là một trong những thách thức lớn nhất mà cộng đồng quốc tế phải đối phó trong nỗ lực ngăn chận nạn khuyếch tán vũ khí hạt nhân.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG