Đường dẫn truy cập

LHQ quan ngại về tình hình nhân quyền ở Miến Ðiện, Bắc Triều Tiên


Chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền Miến Điện hối thúc chính quyền quân nhân cải thiện các quyền làm người cơ bản trước cuộc bầu cử quốc hội dự trù tổ chức vào năm 2010. Ông Tomas Ojea Quintana cũng yêu cầu tập đoàn tướng lãnh Miến Điện trả tự do cho hơn 2,000 tù nhân lương tâm. Từ trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, thông tín viên Margaret Besheer của đài VOA gởi về bài tường thuật do sau đây.

Sau khi thực hiện chuyến công tác đầu tiên ở Miến Điện hồi tháng 8 trong tư cách Báo cáo viên Đặc biệt về nhân quyền, ông Tomas Ojea Quintana đã đề nghị 4 yếu tố chính về nhân quyền mà chính quyền quân nhân cần phải thực hiện trước cuộc bầu cử năm 2010.

Ông Quintana nói: "Sửa đổi các luật lệ trong nước để phù hợp với luật lệ nhân quyền quốc tế, trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm, cải cách quân đội và huấn luyện về nhân quyền cho quân đội, và tôn trọng sự độc lập của ngành tư pháp để bảo vệ chế độ pháp trị."

Ông Quintana hoan nghênh việc chính phủ Miến Điện phóng thích khoảng 9,000 tù nhân hồi tháng 9 vừa qua. Nhưng ông nói thêm rằng ông tin là trong số những người được thả chỉ có 7 người là tù nhân lương tâm. Ông cho biết vẫn còn hơn 2,000 tù nhân lương tâm ở các trại giam của Miến Điện và những người này cần được trả tự do một cách tuần tự.

Người nổi tiếng nhất trong các tù nhân lương tâm này là lãnh tụ Liên minh Dân chủ Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi, đang bị quản thúc tại gia. Trong chuyến viếng thăm 4 ngày ở Miến Điện, ông Quintana không gặp được bà Suu Kyu, nhưng ông nói rằng ông tin là bà sẽ được trả tự do trong nay mai.

Ông Quintana nói: "Tôi muốn nói là tôi không có nhiều kỳ vọng là bà Suu Kyi được trả tự do vào lúc này. Tôi đang tìm kiếm những phương cách để làm cho chính quyền quân nhân hiểu rằng bà ấy đang bị bắt bớ một cách tùy tiện."

Trong khi đó, Báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền Bắc Triều Tiên, ông Vitit Muntarbhorn, đã bày tỏ sự quan tâm về tình hình nhân quyền ở quốc gia theo chủ nghĩa Stalin này. Ông nói rằng có nhiều báo cáo về những vụ hành quyết trước công chúng, về sự thiếu độc lập của ngành tư pháp, về nạn tra tấn và những hành vi chà đạp nhân quyền khác.

Ông Muntarbhorn nói: "Chúng ta đang phải ứng phó với một hệ thống phi công khai, phi dân chủ, một hệ thống cực kỳ khép kín và áp bức. Từ hệ thống đó phát sinh mọi thứ hậu quả như bóp nghẹt quyền tự do diễn đạt, bóp nghẹt quyền tự do tôn giáo, trấn áp quyền tự do lập hội, trấn áp quyền tự do thông tin, dân chúng ở đó không được có điện thoại di động hoặc TV mà không có phép của chính quyền."

Mặc dù vậy, ông Muntarbhorn cũng ghi nhận rằng giới hữu trách ở Bình Nhưỡng đã bắt đầu hợp tác với Chương trình Thực phẩm Liên Hiệp Quốc, là cơ quan hiện đang giúp đỡ trong việc cung cấp lương thực cho hơn 6 triệu người ở Bắc Triều Tiên.

Ông Muntarbhorn đã được bổ nhiệm làm Báo cáo viên Đặc biệt về nhân quyền Bắc Triều Tiên từ hơn 4 năm nay. Tuy nhiên, giới hữu trách Bắc Triều Tiên chỉ cho phép ông tới thăm nước họ một lần duy nhất, mặc dù ông đã nhiều lần yêu cầu được phép trở lại.

Báo cáo viên Đặc biệt, do Ủy hội Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bổ nhiệm, là những người không lệ thuộc vào bất kỳ chính phủ nào và chỉ phục vụ trong tư cách cá nhân mà thôi.







Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG