Đường dẫn truy cập

Những diễn biến đáng nhớ vào tháng 10 trong lịch sử nước Mỹ


Câu chuyện Nước Mỹ hôm nay sẽ nhắc lại một số diễn biến đáng ghi nhớ vào tháng 10 trong lịch sử Hoa Kỳ. Mời quí vị theo dõi với Lan Phương.

1940: Cấm vận sắt thép đối với Nhật

Vào ngày 16 tháng 10 năm 1940, Hoa Kỳ loan báo lệnh cấm vận sắt và thép vụn đối với Nhật Bản. Lệnh cấm này là hệ quả của mối lo ngại ngày càng lên cao về sự bành trướng quân sự của Nhật tại Á Châu, và nhất là có những tin về cung cách hành sử man rợ của binh sỹ Nhật tại Trung Quốc.

Lệnh cấm vận nghiêm ngặt của Hoa Kỳ và những biện pháp kinh tế chung khác với Anh và Hà Lan, gồm cả chuyện ngưng chở dầu đến cho Nhật, đã bắt đầu đe dọa cho nền công nghệ chiến tranh và sự bành trướng kinh tế của Nhật.

Nội các Nhật tại Tokyo xét đến hai biện pháp đối phó, hoặc là từ bỏ tham vọng thành lập đế quốc, hoặc phải chinh phục các quốc gia Á Châu, nơi mà Nhật có thể khai thác các tài nguyên thiên nhiên cần thiết. Nhật đã chọn giải pháp thứ nhì tiếp tục tham vọng đế quốc của họ, và vụ tấn công của Nhật vào căn cứ hải quân Trân Châu Cảng của Hoa Kỳ tại Hawaii năm 1941 đã buộc Hoa Kỳ phải tham gia cuộc thế chiến thứ hai.

1933: Einstein đến Princeton

75 năm trước, vào ngày 17 tháng 10 năm 1933, nhà bác học Albert Einstein, một trong những nhà vật lý siêu đẳng nhất của lịch sử nhân loại, đã tham gia ban giảng huấn của Học Viện Nghiên Cứu của Đại Học Princeton tại bang New Jersey. Giáo sư Einstein, một người Do Thái sinh trưởng ở nước Đức, đã sang Hoa Kỳ sinh sống để giảng dạy sau khi lãnh tụ của Đức quốc xã là Adolf Hitler lên nắm quyền tại Đức. Lực lượng Đức Quốc Xã điên cuồng bài Do Thái đã tước bỏ các chức vụ đại học của nhà bác học Einstein, tịch thu tài sản của ông và tước bỏ quyền công dân của ông.

Trong lúc tại Princeton, giáo sư Einstein đã giảng dạy cho không biết bao nhiêu sinh viên của ông, những người mà sau này đã trở thành các nhà vật lý hàng đầu của Hoa Kỳ. Ông cũng đã viết một trong những lá thư phải được coi là có giá trị quan trọng nhất của thế kỷ thứ 20. Đó là lá thư mà nhà bác học này cảnh báo Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt rằng Đức Quốc Xã đang tìm cách chế tạo bom nguyên tử, một loại vũ khí có sức công phá khủng khiếp.

Lá thư của nhà bác học này đã khiến tổng thống Roosevelt lập tức cho thiết lập Dự Án Manhattan, một nỗ lực bí mật của nước Mỹ và cuối cùng đã giúp Hoa Kỳ triển khai được một vũ khí hạt nhân trước nước Đức.

1867: Alaska trở thành tiểu bang thứ 49 của Mỹ


Vào ngày 18 tháng 10 năm 1867 tại một thành lũy ở miền đông bang Alaska, lá cờ của đế quốc Nga đã được hạ xuống và quốc kỳ của nước Mỹ được trương lên. Nghi lễ này đánh dấu sự chuyển nhượng quyền sở hữu vùng đất Alaska từ tay nước Nga sang cho Hoa Kỳ.

Trong điều được gọi là vụ mua bán đất khôn ngoan nhất trong lịch sử nước Mỹ, Hoa Kỳ đã mua lại một khu vực hoang vu rộng hơn một triệu rưỡi kilomét vuông với giá khoảng 4 cents một kilomét vuông (thời giá lúc bấy giờ).

Vụ mua bán này được bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ William Seward thương lượng. Vào thời ấy, nhiều người dân Mỹ cho rằng mua một vùng đất toàn băng tuyết như thế là chuyện điên rồ và vụ mua bán này được gọi là ‘chuyện điên rồ của Seward’. Tuy nhiên, theo thời gian người ta mới hiểu được sự khôn ngoan của vụ mua lại vùng đất này khi khám phá ra những tài nguyên thiên nhiên nằm trong lãnh thổ này. Năm 1959 thì Alaska trở thành tiểu bang thứ 49 của Hoa Kỳ.

1960: Hoa Kỳ cấm vận Cuba


Vào ngày 20 tháng 10 năm 1960, Hoa Kỳ loan báo bắt đầu lệnh cấm vận đối với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu sang Cuba. Bộ giao ngoại Hoa Kỳ nói rằng chính phủ Cuba cố ý làm cho các mặt hàng nhập khẩu của Mỹ vào Cuba quá đắt bằng cách định mức giá hàng hóa của Hoa Kỳ thật cao và áp đặt các sắc thuế đến 100%. Bộ ngoại giao Hoa Kỳ cũng tố cáo chính phủ cộng sản tại Havana đã làm áp lực với các doanh nghiệp Cuba từng nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ để họ phải mua hàng của các nước khác thay vì từ Mỹ.

Theo lệnh này, Hoa Kỳ cấm cung cấp cho Cuba các thông tin kỹ thuật và cấm bán tất cả mọi mặt hàng ngoại trừ thuốc men, tiếp liệu y tế và một số mặt hàng lương thực, thực phẩm nào đó. Lệnh này còn cấm bán, sang nhượng hay cho thuê các tàu bè do Hoa Kỳ sở hữu cho chính phủ hay các công dân Cuba, trừ phi được Ủy Ban Hàng Hải Hoa Kỳ chấp thuận trước. 5 ngày sau khi lệnh cấm vận được ban hành, chính phủ của Fidel Castro đã trả đũa bằng cách tịch thu 166 doanh nghiệp do Hoa Kỳ làm chủ tại Cuba; tổng cộng những doanh nghiệp này trị giá 250 triệu đô la thời giá lúc bấy giờ.

1879: Bóng đèn của Edison

Vào ngày 21 tháng 10 năm 1879 nhà phát minh Thomas Edison bắt đầu thí nghiệm một loại điện trở khác cho bóng đèn. Bóng đèn này đã cháy sáng liên tiếp đến 40 giờ đồng hồ, trở thành chiếc bóng đèn đầu tiên mà nhà phát minh đã thành công sau hàng ngàn lần thử nghiệm tại phòng thí nghiệm Menlo Park của ông ở New Jersey bị thất bại. Yếu tố giúp ông thành công lần này là nhờ ông đã chọn một sợi điện trở carbon mỏng như sợi tóc cháy sáng nhưng lại không bị tan chảy vì sức nóng của điện. Ông tuyên bố với các cộng sự viên rằng nếu ông có thể chế được một bóng đèn cháy sáng đến 40 tiếng đồng hồ thì ông có thể chế ra được bóng đèn sáng lâu đến cả 100 giờ.

Với chiếc bóng đèn này, nhà phát minh tài ba Edison đã thiết kế hệ thống đèn điện thành công lần đầu tiên; lúc đầu hệ thống này chỉ cung cấp điện cho 85 căn nhà trong thành phố New York trước đó đã được công ty của ông trang bị với dòng điện và bóng đèn.

1929: Những ngày đen tối của cuộc Ðại Khủng Hoảng

Và thưa quí vị, tình hình kinh tế tài chính trong tháng 10 năm nay khiến người ta nhớ lại ngày 25 tháng 10 năm 1929 khi thị trường chứng khoán Hoa Kỳ bị rúng động và cuộc Đại Khủng Hoảng đang bắt đầu. Ngày hôm trước, được gọi là ngày ‘Thứ Năm Đen’, giá chứng khoán tuột dốc, sự kiện chưa từng thấy trước đó.

Giá cổ phiếu của những công ty vững mạnh nhất cũng bị sụt đến 50%. Theo một phúc trình cho biết thì 11 nhà đầu cơ chứng khoán đã tự vẫn vì bị mất quá nhiều tiền. Vào thứ sáu tiếp theo sau ngày Thứ Năm Đen’, giá chứng khoán lại tuột dốc không phanh lần nữa.

Tổng thống Herbert Hoover đã cố gắng nhưng thất bại, để củng cố niềm tin trong thị trường chứng khoán khi từ Tòa Bạch Ốc ông lên tiếng với quốc dân rằng ‘Nền tảng của doanh nghiệp trong nước, đó là sản xuất và phân phối hàng hóa, vẫn vững mạnh và thịnh vượng’.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG