Đường dẫn truy cập

Khuynh hướng gia tăng dân số thế giới


Một phúc trình thường niên về khuynh hướng gia tăng dân số thế giới ghi nhận rằng gần như toàn thể số dân gia tăng trên toàn cầu là trong những nước nghèo nhất thế giới. Thông tín viên Art Chimes sẽ có thêm chi tiết về phúc trình này như sau.

Theo Văn Phòng Thông Tin Dân Số ở thủ đô Washington thì các nước nghèo nhất thế giới nằm trong nhóm nước có sinh suất cao hơn và một dân số trẻ hơn, so với các nước công nghiệp hóa thịnh vượng hơn.

Ông Carl Haub, đồng tác giả của bản thống kê thường niên về dân số thế giới giải thích rằng đà gia tăng dân số đang ngày càng chuyển sang các nước nghèo hơn trên thế giới. Và ở các nước giàu khuynh hướng này ngày lại càng giảm đi. Vì vậy chưa bao giờ khoảng cách dân số giữa 2 nhóm này cao như hiện nay.

Chẳng hạn như, ông Haub so sánh giữa 2 nước Italia và Cộng Hòa Dân Chủ Congo; 2 nước này hiện nay có số dân gần bằng nhau, tuy nhiên theo số liệu dự phóng thì đến năm 2050 dân số của Italia chỉ sẽ tăng từ 60 lên 62 triệu, trong khi dân số Congo sẽ tăng gần gấp 3 lần từ 67 triệu lên đến 189 triệu. Đó là vì sinh suất của Congo cao hơn gấp 5 lần so với Italia.

Ông đưa ra số liệu thực tế để so sánh: "Chúng tôi nhận thấy là trong năm 2007, có 568,000 trẻ sinh ra ở Italia. Còn ở Congo con số này là gần 3 triệu. Sự khác biệt là ở đó."

Theo phúc trình thống kê dân số thế giới được phổ biến trong tuần này, thì vào khoảng năm 2050 dân số thế giới sẽ tăng lên đến 9,3 tỉ so với con số hiện nay là 6,7 tỉ.

Trong nhiều thập kỷ tới đây, dân số ở nhiều nước giàu nhất thế giới sẽ thực sự giảm xuống. Các nước không bị tình trạng này, như Hoa Kỳ chẳng hạn, là do số di dân gia tăng, hơn là do sinh suất cao.

Bà Lida Jacobsen, một viên chức thuộc Văn Phòng Thông Tin Dân Số, nói rằng dân số Ấn Độ sẽ tăng khoảng 50 %, tuy nhiên Trung Quốc, nước đông dân nhất thế giới hiện nay, dân số sẽ tăng chậm hơn.

Bà Jacobsen nói: "Điều này có nghĩa là theo bản Thống Kê Dân Số Thế Giới thì đến năm 2050, Ấn Độ sẽ là nước đông dân nhất thế giới. Trung Quốc đứng hàng thứ nhì và Hoa Kỳ đứng thứ ba."

Vào khoảng giữa thế kỷ 21, dân số Châu Phi sẽ tăng gấp đôi lên đến 2 tỉ người.

Về tình hình các thai phụ chết sau khi sinh con, ông Carl Haub nói rằng vấn đề này thay đổi tùy theo khu vực địa lý:

Ông Haub nói: "Tại các nước phát triển, có một trong số 7,300 phụ nữ có thể qua đời do các biến chứng sau khi sinh con. Tỷ lệ của các nước này là 1 trên 7,300. Còn tại Đông Á, tỷ lệ này là 1 trên 1,200. Tại Bắc Phi, 1 trên 210. Nam Á, 1 trên 61. Và cuối cùng, các nước miền Nam châu Phi, 1 trên 22."

Dĩ nhiên nếu có một hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt thì số bà mẹ chết sau khi sinh con sẽ bớt đi.

Ngoài ra, ông Richard Sholkin, chuyên viên của Văn Phòng Thông Tin Dân Số cho biết là vấn đề ăn uống bổ dưỡng trong những năm đầu tiên của đứa trẻ rất quan trọng và có ảnh hưởng đến suốt cuộc đời của chúng:

Ông Sholkin nói: "Nhiều người trên thế giới không có đủ miếng ăn, hoặc đủ ăn nhưng không đủ chất bổ. Đối với trẻ em thuộc diện này, chúng có thể còi, có nghĩa là ốm yếu, có chiều cao thấp hơn bình thường, có nhận thức kém, và khi lớn lên, có năng suất lao động thấp."

Phúc trình của Văn Phòng Thông Tin Dân Số nói rằng tại các nước nghèo, cứ 5 người thì có 1 người ăn uống không đủ chất bổ; và tại một số nước, có hơn phân nửa dân số không đủ ăn.




Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG