Đường dẫn truy cập

Giới trẻ người Mỹ gốc Việt và sinh hoạt chính trị tại Hoa Kỳ


Tháng 11 tới gần, sinh hoạt vận động tranh cử tại Hoa Kỳ ngày càng sôi động hơn theo chu kỳ 4 năm một lần. Theo thông lệ thì loại hình sinh hoạt dân chủ này trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt từ trầm lắng ở những thập niên đầu mới đến định cư, đến nay mỗi năm càng sôi động. Đặc biệt năm nay là sự gia tăng đáng kể của những lớp người trẻ, có thể nói là thế hệ thứ nhì của lớp người tỵ nạn năm xưa. Lê Dân trong ban Việt Ngữ đài VOA trao đổi thêm cùng luật sư Nguyễn Quốc Lân ở bang California về hiện tượng này.

VOA: Vốn là người mạnh dạn dấn thân vào các sinh hoạt chính trị tại quê hương thứ hai là Hoa Kỳ từ rất sớm, hiện đã có thêm những người trẻ tham gia không, thưa luật sư?

LS Nguyễn Quốc Lân: "Có một số người mới, như ở đây tại Westminster, có một sinh viên tên Diệp Minh Trường mới 28 tuổi thôi. Là sinh viên mới ra trường, đang thực tập với dân biểu Trần Thái Văn, nhưng hai năm vừa rồi anh ta đã đắc cử vào chức giám đốc của Học khu. Bây giờ đang tranh cử vào nghị viên thành phố. Nếu đắc cử thì anh sẽ là người dân cử trẻ nhất của thành phố hay của cả tiểu bang California hiện nay. Tại thành phố Garden Grove chúng ta có nghị viên Hồ Linh, cô là chuyên viên phụ tá cho dân biểu Lou Correa. Cùng đó còn có một luật sư khác là luật sư Andrew Hoàng Đỗ cũng ra tranh cử chức nghị viên thành phố."

VOA: Thưa luật sư, được biết ông là một nhân vật từng tham gia vào sinh hoạt chính trị tại Hoa Kỳ từ nhiều năm qua, ông có thể chia sẻ cùng thính giả đài VOA những nhận xét của riêng ông, bắt đầu là do đâu mà ông quyết định tham gia vào đời sống chính trị nơi ông sinh sống và làm việc?

LS Nguyễn Quốc Lân: "Tôi đã đến Hoa Kỳ từ lúc còn bé, tới khi lớn lên ở đây, lúc nào tôi cũng có ý niệm là phải trở lại phục vụ cộng đồng của mình, phục vụ quê hương đất nước của mình. Khi lớn lên, sinh hoạt cùng cộng đồng Việt Nam ở đây, tôi có nhiều cơ hội để giúp cộng đồng liên quan đến pháp lý, đến di dân, đến quyền lợi chính trị của cộng đồng ở đây. Một ngả đường từ đó mở ra, là nếu tôi ra tranh cử để có thể đại diện cộng đồng người Mỹ ở đây nói chung, thì tôi vẫn có tiếng nói để đại diện cộng đồng Việt Nam ở đây. Có nhiều vấn đề có thể ảnh hưởng đến cộng đồng, do đó tôi đã quyết định tình nguyện tranh cử vào các chức vụ."

VOA: Mang một di sản và truyền thống văn hóa, lịch sử, chủng tộc khác biệt với đại đa số cư dân Hoa Kỳ, khi tham gia vào sinh hoạt chính trị dòng chính của Mỹ ông có được đón nhận không? Có những thuận lợi và trở ngại nào, thưa luật sư?

LS Nguyễn Quốc Lân: "Dạ câu trả lời là có và không. Có ở phương diện rằng mình là công dân ở đây, có quyền được bảo vệ một cách đồng đều, công bằng, trước pháp luật của Hoa Kỳ. Cho nên người địa phương ở đây có muốn đón nhận mình hay không, thì cũng phải chấp nhận vai trò của mình ở đây. Thí dụ như chúng tôi là cảnh sát, là biện lý, là chánh án, chúng tôi là dân biểu, là nghị viên…thì chúng tôi phải được đối xử như là bình thường. Về phương diện đó thì chúng tôi cũng được đón chào như tất cả mọi người Mỹ trong các chức vụ chính thức của chính quyền ở đây. Còn không, là ở chỗ mặc dù là luật như vậy, là cách đối xử bề ngoài như vậy, chúng ta phải ghi nhận là trong thâm tâm cư dân, có khi họ cũng nghi ngại người thiểu số, người da màu, họ có thể đối xử khác hơn."

VOA: Nếu đối xử khác thì việc người mình ra tranh cử có được người Mỹ địa phương hỗ trợ bình đẳng như đối với một ứng viên địa phương không?

LS Nguyễn Quốc Lân: "Tôi nghĩ là sự hỗ trợ của người địa phương đương nhiên có sự khác biệt đối với những ứng cử viên đồng sắc dân với họ chẳng hạn. Đó là cái thực tế mà mình phải chấp nhận. Tuy nhiên ở các xã hội tự do bên ngoài, ở Tây phương, như ở Úc, ở Đức, ở Pháp, hay đặc biệt như ở Hoa Kỳ, thì tôi cảm thấy rằng người địa phương cũng có mức độ cởi mở của họ để chấp nhận người sắc dân khác, người thiểu số, vẫn có thể giữ vai trò làm người lãnh đạo của họ. Tôi nghĩ đó là điều làm tất cả chúng ta nên hãnh diện. Ngay cả như đất nước Việt Nam của chúng ta, nếu nói rằng một người ngoại quốc định cư ở Việt Nam, được tranh cử hay được bổ nhiệm chức vụ cao trong chính quyền, như cảnh sát hay chánh án địa phương…những chức vụ có quyền hạn, thì cũng rất là khó. Khó xử cho người địa phương ở quê nhà, chứ không phải là không có. Cho nên trong vai trò là người Hoa Kỳ gốc Việt Nam ở đây mà chúng tôi được sự đón nhận như vậy cũng là một điều khích lệ, mặc dù không hoàn hảo, không tròn vẹn như mình muốn."

VOA: Trong thời gian qua, trên khắp thế giới, đã có rất nhiều viên chức cao cấp hoặc dân cử của các nước Pháp, Bỉ, Đức, Thụy Sĩ, Australia, Canada và Hoa Kỳ là người gốc Việt. Luật sư đánh giá thế nào về những thành quả đó ? Điều đó có ý nghĩa ra sao cho giới trẻ Việt Nam sau này?

LS Nguyễn Quốc Lân: "Phải nói rằng bất cứ người Việt Nam nào ở ngoại quốc, ở Đức, ở Pháp, Canada hay Hoa Kỳ, mà thành công được trong xã hội, thì đó là sự thành công hơn hẳn cả người địa phương. Lấy kinh nghiệm của tôi và tất cả các bạn của tôi, thì nếu muốn thành công là một người luật sư, một người chánh án, một người biện lý ở đây, thì chúng tôi phải cố gắng gấp hai, gấp ba lần những người đồng nghiệp địa phương. Chúng tôi nghĩ rằng bất cứ sự thành công nào của người Việt tại các quốc gia tự do, bên ngoài Việt Nam, vẫn là điều rất đáng trân quý, khi ta biết rằng giá trị của nó lớn hơn của các người địa phương lớn lên ở đây. Điều đó khiến tôi nghĩ rằng trong tương lai, giới trẻ Việt Nam dù thấy có những khó khăn trước mặt, vẫn sẽ cố gắng nhiều hơn để đạt được những gì mình có thể đạt được. Nó không là thành công của cá nhân mình, mà nó còn là thành công, là sức mạnh của cộng đồng người Việt Nam mình."

VOA: Kỳ này tại Hoa Kỳ, tháng 11 đang tới gần, và tin tức cho biết số người trẻ gốc Việt đang tham gia vào sinh hoạt dân chủ này đông hơn những năm trước, và đông hơn cả lớp cha, anh của họ. Luật sư nhận định ra sao về hiện tượng này?

LS Nguyễn Quốc Lân: "Tôi nghĩ trào lưu các bạn trẻ tham gia tranh cử vào các dòng chính trị chính của Hoa Kỳ tại đây sẽ đông hơn, và sẽ phong phú hơn, nhiều hình thức hơn, chức vụ cao hơn."




Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG