Đường dẫn truy cập

10 năm sau vụ đánh bom 2 đại sứ quán Hoa Kỳ tại Kenya, Tanzania


Ngày 7 tháng 8 đánh dấu 10 năm hai vụ nổ bom gần như cùng một lúc tại hai tòa đại sứ Hoa Kỳ tại thủ đô Kenya và Tanzania. Hai vụ nổ bom này đã giết chết trên 200 người. Các nhà phân tích cho rằng những vụ tấn công này cũng đánh dấu lần đầu tiên chính phủ Hoa Kỳ thừa nhận al- Qaida là một mối đe dọa nghiêm trọng. Các cuộc tấn công cũng cho thấy rằng dân chúng Phi Châu dễ dàng là nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Một số các nạn nhân trong các vụ đánh bom tin rằng Hoa Kỳ cần phải làm nhiều hơn để đền bù những sự mất mát của họ. Phóng viên đài VOA Lita Hong Fincher có bài tường trình sau đây.

Những chiếc xe chở bom đã phát nổ phía ngoài các đại sứ quán Hoa Kỳ tại Nairobi và Dar es Salaam sáng ngày 7 tháng 8 năm 1998. Những vụ tấn công này đã giết chết hơn 200 người và làm bị thương khoảng hơn 5000 người, phần lớn là thường dân Phi Châu.

Trong số những nạn nhân tử thương tại tòa đại sứ tại Nairobi là một quan chức phục vụ trong ngành ngoại giao là bà Prabhi Kavaler. Ông Howard, chồng bà, người thoát chết trong vụ tấn công này, đã thuật lại như sau về việc ông ra sức tìm kiếm vợ ông trong đống đổ nát.

Ông Howard kể lại: “Tôi chạy thẳng ra khu vực đó của tòa đại sứ, và tôi không thấy bà ấy đâu cả. Thật là khủng khiếp. Tôi tới nơi và thấy một số các xác chết, những người bị giết. Tôi nghe thấy tiếng kêu của những người bị thương nặng, và tôi vẫn không tìm thấy, tội không thể tìm thấy xác vợ tôi. Rồi tôi trở lại nữa, bà ấy vẫn không ở đó. Và tôi đã hiểu là chuyện gì đã xảy ra."

Chuyện đã xảy ra là cuộc tấn công của al-Qaida vào các mục tiêu của Hoa Kỳ và cũng là các cuộc tấn công khủng bố tệ hại nhất trên đất Phi Châu. Ngay sau đó, cơ quan điều tra liên bang Hoa Ky FBI đã để tên trùm khủng bố Osama Bin Laden trong danh sách những người nguy hiểm nhất cần phải truy lùng.

Ông William Rosenau làm việc với công ty RAND, một tổ chức nghiên cứu tại Washington cho biết.

Ông Rosenau nói: "Có thể nói rằng đây là bữa tiệc ra mắt của al-Qaida. Tại đây, chúng có thể thực hiện sự tàn phá hầu như cùng một lúc tại hai tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Châu Phi. Và điều này cho thấy khả năng của chúng đã được cải thiện rất nhiều.”

Ông Mark Bellamy, vị đại sứ Mỹ tại Kenya từ 2003 tới 2006, cho biết các tòa đại sứ tại Kenya và Tanzania bị tấn công bới vì đây là hai mục tiêu dễ dàng nhất. Nhưng ông cho biết thêm rằng đa số dân chúng Kenya lại nghĩ rằng nước họ bị tấn công vì mối liên hệ quá mật thiết với Hoa Kỳ. Và một số người cũng nói rằng rằng sự đền bù không thỏa đáng.

Ông Bellamy nói: "Nhiều người trong số các nạn nhân cảm thấy rằng người Mỹ cần phải làm nhiều hơn nữa. Tôi muốn nói tới trường hợp ở Kenya, chúng ta đã chi ra 42 triệu đô la trong nhiều năm để cung cấp về chăm sóc y tế và phục hồi cho các nạn nhân, cho những người sống sót, và cho gia đình của họ, để cho họ xây dựng lại cơ sở kinh doanh và giúp đỡ cho việc xây dựng lại cuộc sống."

Nhiều nạn nhân người Mỹ trong vụ nổ bom 1998 tin rằng chính phủ Hoa Kỳ đã bỏ quên họ và chỉ tập trung chú ý vào vụ tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại New York mà thôi.

Ông Howard Kavaler, quan chức trong ngành ngoại giao đã nói: “Lần nào mà tổng thống Bush hay ngoại trưởng Rice đề cập tới al-Qaida và chủ nghĩa khủng bố, họ đều không đả động gì tới sự việc xảy ra ngày 7 tháng 8 năm 1998, mà họ chỉ nói tới ngày 11 tháng 9 năm 2001 và tôi nghĩ rằng hành động của họ đã thiếu trung thực về mặt lịch sử.”

Sau cái chết của vợ ông, ông Kavaler đã nuôi dưỡng hai con gái trong vùng ngoại ô Virginia. Ông cho biết việc đền bù cho vợ ông chỉ là một năm lương và tiền trả cho những giờ nghỉ hè mà bà chưa dùng tới. Bộ Ngoại giao đã từ chối lời bình luận về việc đền bù cho các nạn nhân người Mỹ.

Ông William Rosenau của tổ chức RAND Corporation nói rằng Hoa Kỳ cũng cần xét lại việc bồi thường cho các nạn nhân người Phi Châu.

Ông Rosenau nói: “Tôi nghĩ là chúng ta có thể nói rằng chính phủ Mỹ cần phải làm nhiều hơn nữa để đền bù và giúp đỡ cho các nạn nhân người Kenya và Tanzania trong hai vụ tấn công này.”

Mười năm sau hai vụ tấn công bằng bom đó, nhiều người tham dự trong cuộc tấn công đã bị bắt giữ. Nhưng còn một số khác vẫn còn tại đào.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG