Đường dẫn truy cập

Bắc Triều Tiên vẫn là mối đe dọa khủng bố


Tháng trước, Tòa Bạch Ốc loan báo ý định bãi bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Bắc Triều Tiên sau khi các cuộc đàm phán về giải giới hạt nhân Bắc Triều Tiên đạt được bước khai thông. Tuy nhiên một số nhà cổ xúy cho nhân quyền cảnh báo rằng chế độ của ông Kim Jong il vẫn là mối đe dọa khủng bố. Từ thủ đô Hán Thành của Nam Triều Tiên thông tín viên Jason Strother tường thuật về vấn đề này như sau.

Ông Hwang In Cheol, một người Nam Triều Tiên nói rằng ông không có cơ hội biết tin về phụ thân của ông. Vì năm 1969 khi ông mới lên 3 tuổi, chiếc phi cơ của thân phụ ông bị một nhân viên đặc vụ Bắc Triều Tiên cướp và bắt phải đổi hướng bay đến thủ đô Bình Nhưỡng của Bắc Triều Tiên.

Ông Hwang kể lại rằng phần lớn những hành khách bị bắt cùng với chiếc phi cơ bị cướp đã được thả ra nhiều tháng sau đó. Ông cho biết hồi tháng 6 năm 1970, trong số 51 hành khách bị bắt trên chuyến bay, 39 người đã được trả về Nam Triều Tiên. Tuy nhiên thân phụ của ông là 1 trong 11 người không bao giờ còn trở về nhà nữa.

Ông Hwang và nhiều người khác trong nhóm cổ võ cho nhân quyền ở Nam Triều Tiên mới đây đã tổ chức một cuộc biểu tình trước đại sứ quán Mỹ trong thủ đô Nam Triều Tiên. Họ nói rằng họ muốn Hoa Kỳ xét lại việc gạt tên Bắc Triều Tiên ra khỏi danh sách các nhà nước bảo trợ khủng bố cho đến khi nào vấn đề những người bị Bắc Triều Tiên bắt cóc được giải quyết.

Bắc Triều Tiên được đề nghị sẽ được gạch tên ra khỏi danh sách những nước bảo trợ khủng bố và được hưởng các biện pháp khích lệ khác để đổi lại việc nước này bãi bỏ chương trình phát triển hạt nhân.

Việc gạch tên ra khỏi danh sách sẽ mở cửa cho các nhà đầu tư quốc tế vào đầu tư ở Bắc Triều Tiên và cho phép Bắc Triều Tiên vay từ các định chế như Ngân hàng Thế giới.

Chủ tịch của tổ chức có tên là Hiệp hội các Công dân tranh đấu cho Nhân quyền của Những người bị bắt cóc và Người tị nạn Bắc Triều Tiên, ông Do Hee Yoon, cho rằng chưa thể bãi bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Bắc Triều Tiên.

Ông Do Hee Yoon nói rằng Bắc Triều Tiên bắt cóc người từ nhiều quốc gia khác nữa chứ không phải chỉ có người Nam Triều Tiên. Đây là một thí dụ điển hình của hoạt động khủng bố.

Ông Do đặt câu hỏi: “Nếu những người này chưa được trở lại quê nhà thì làm thế nào có thể được gạt tên Bắc Triều Tiên ra khỏi danh sách các nhà nước bảo trợ khủng bố.”

Tình trạng căng thẳng giữa 2 miền Triều Tiên đã gia tăng từ hôm 11 tháng 7 khi một nữ du khách Nam Triều Tiên bị bắn chết trong khu du lịch Núi Kim Cương ở Bắc Triều Tiên.

Bắc Triều Tiên nói rằng du khách này đi lạc vào khu quân sự cấm người lai vãng, và bác bỏ các yêu cầu của Nam Triều Tiên cho mở cuộc điều tra về vụ bắn chết người này.

Ông Do nói rằng đây là một ví dụ khác nữa cho thấy tại sao cộng đồng quốc tế không thể tin tưởng chế độ của ông Kim Jong il. Ông Do nói tiếp.

Ông Do nói rằng Bắc Triều Tiên vẫn là nước nguy hiểm nhất và vụ bắn chết người ở khu du lịch Núi Kim Cương đã chứng minh điều đó. Ông đồng ý với chính quyền của Tổng thống Bush rằng Bắc Triều Tiên cần ra khỏi tình trạng cô lập, nhưng theo ông thì hiện giờ, Bắc Triều Tiên chưa sẵn sàng để trở thành một thành viên của cộng đồng thế giới. Ông nói rằng Washington cần nghĩ lại quyết định gạch tên Bình Nhưỡng ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố.

Hiện chưa rỏ liệu là thời điểm gạch tên này đã gần đến hay chưa. Hiện giờ thì các nước tham gia đàm phán là 2 miền nam bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Hoa Kỳ vẫn chưa đạt được thỏa thuận về cách kiểm chứng các khai báo về chương trình võ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên - một điều kiện tiên quyết để chấm dứt các biện pháp trừng phạt.

Tuy nhiên, ông Daniel Pinkston, một phân tích gia kỳ cựu thuộc Nhóm Tìm Giải Pháp cho Khủng Hoảng Quốc Tế ở Hán Thành, nói rằng dù Bình Nhưỡng được gạt tên ra khỏi danh sách, thì đó không phải là một quyết định không thể thay đổi.

Ông nói rằng nếu Bắc Triều Tiên bị phát hiện gian dối trong những tiết lộ về hoạt động hạt nhân, lúc đó Hoa Kỳ vẫn có quyền thu hồi các biện pháp khích lệ.


Ông Pinkston nói: “Bãi bỏ biện pháp trừng phạt chiếu theo Đạo luật về Giao thương với Kẻ thù và cả việc gạch tên Bắc Triều Tiên ra khỏi danh sách khủng bố là những quyết định có thể đảo ngược. Vì vậy nếu Bắc Triều Tiên không tuân thủ qui định, nếu họ không hợp tác trong tương lai, chúng ta vẫn có thể áp dụng lại các biện pháp trừng phạt đối với chế độ đó, vẫn có thể áp dụng lại với các biện pháp hạn chế.”

Ông Hwang In Cheol, người mà thân phụ bị Bắc Triều Tiên cướp máy bay, hy vọng rằng Tổng thống Bush và Tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung Bak sẽ thảo luận về vấn đề những người bị bắt cóc khi hai nhà lãnh đạo này mở cuộc họp cấp cao.

Tuy nhiên ông biết rằng không có bảo đảm nào để ông sẽ còn có thể sum họp với thân phụ của mình. Ông Hwang nói rằng ông không biết gì về tung tích của cha ông.

Hồi năm 2006, Ủy Ban Chữ Thập Đỏ đã nói họ không thể xác nhận liệu thân phụ của ông còn sống hay đã chết. Nếu như còn sống thì năm nay ông đã được 72 tuổi.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG