Đường dẫn truy cập

Ðiều trần về chất da cam


Hôm thứ Năm 15/5/2008 tại Washington, tiểu ban Á châu-Thái Bình Dương và Môi trường Toàn cầu, thuộc Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, đã tổ chức phiên điều trần với đề tài - Trách nhiệm chúng ta lãng quên: Chúng ta có thể làm những gì để giúp nạn nhân chất Da cam? Phóng viên Lê Dân của đài VOA tham dự và lược thuật những nét chính của phiên họp như sau.

Phiên điều trần do đại biểu Quốc hội Mỹ Eni Faleomavaega bảo trợ được sự chú ý của công luận do có đủ cả hai phía của vấn đề. Đại diện Chính phủ Mỹ là phó trợ lý Ngoại trưởng Scot Marciel, đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương.

Thay mặt cho các nạn nhân chất da cam là bác sĩ Nguyễn thị Ngọc Phượng, cựu giám đốc bệnh viện Từ Dũ và thành viên trong Nhóm đối thoại Việt-Mỹ về chất Da cam. Cùng đi với bác sĩ Phượng là giáo sư Catharin Dalpino của viện Nghiên cứu Á châu, giáo sư Edmund Walsh của trường đại học Georgetown, tiến sĩ Vaughan Turekian của Hiệp hội cho sự Thăng tiến Khoa học Hoa Kỳ, đồng thời cũng là thành viên trong Nhóm Đối thoại Việt-Mỹ về chất Da cam, và một số thân hữu khác.

Mở đầu phiên điều trần, đại biểu quốc hội Eni Faleomavaega, Chủ tịch tiểu ban Á châu, Thái Bình Dương và Môi trường Toàn cầu, khẳng định mục đích là chỉ nhằm đánh động dư luận và tìm phương cách để trợ giúp cho các nạn nhân chất Da Cam, không những tại Việt Nam, mà còn ở Kampuchea, Lào và một số quốc gia khác.

Ông Faleomavaega nói: “Đã đến lúc mà chúng ta có thể nói đến vấn đề này một cách cởi mở và thẳng thắn về những nghĩa vụ của chúng ta đã bị lãng quên đối với tất cả những nạn nhân của chất Da Cam. Đã có nhiều tranh cãi mà chúng ta thấy điển hình trên báo chí, ở đây tôi không muốn chúng ta sa vào các tranh luận đó. Tôi chỉ nghĩ đến lương tâm, đến đạo đức, mà từ đó tôi đã hỗ trợ các nỗ lực của Quỹ Ford, về việc thiết lập Nhóm Đối thoại Việt-Mỹ về chất Da Cam.”

Trong phần trình bày quan điểm và những thành quả của Chính phủ Hoa Kỳ về vấn đề này, phó trợ lý Ngoại trưởng Scot Marciel, đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết Washington đã gia tăng cộng tác và trợ giúp Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là trong lãnh vực nhân đạo, bao gồm các chương trình phòng chống HIV/AIDS và phục hồi chức năng cho người tàn tật bất kể là vì lý do gì.

Phó trợ lý Ngoại trưởng Scot Marciel đã bị đại biểu Eni Faleomavaega và dân biểu Donald Manzullo chất vấn gay gắt. Trong phần trả lời, ông Scot Marciel nhấn mạnh là Chính phủ Hoa Kỳ nhìn nhận và thông hiểu là Chính phủ và nhân dân Việt Nam quan tâm về tác hại của dư chất của chất Da cam. Tuy nhiên Hoa Kỳ không chấp nhận bất cứ trách nhiệm nào về pháp lý phải bồi thường cho những hệ quả do chất Da cam gây ra. Hoa Kỳ tiếp tục yêu cầu là những thảo luận về tác hại của chất Da cam cần phải đặt cơ sở trên các cuộc nghiên cứu khoa học khả tín, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Marciel nói: “Thưa ông chủ tịch, tôi không muốn bênh vực hay thảo luận về chính sách vào lúc này, nhưng tôi nghĩ là chúng ta có thể làm việc với Việt Nam về lĩnh vực y tế một cách có ý nghĩa. Tháng 11 năm ngoái, trong bản thông cáo chung với Chủ tịch nước của Việt Nam đang viếng thăm Hoa Kỳ, Tổng thống Bush đã xác nhận là hai nước cần có thêm nỗ lực chung để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi sinh gần những nơi tồn trữ chất dioxin khi trước, sẽ là một sự đóng góp đáng kể cho sự phát triển của mối quan hệ song phương. Trong ngân sách phụ trội 2007 Tổng thống Bush đã dành ra 3 triệu đôla cho việc này.”

Nhân chứng được chú ý nhất trong buổi điều trần có lẽ là đại diện của các nạn nhân chất Da Cam Việt Nam là Bác sĩ phụ sản Nguyễn thị Ngọc Phượng, cựu Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ. Bà cho biết đã đối diện với nhiều ca trẻ sơ sinh dị tật mà không hiểu nguyên do.

Bà Phượng nói: “Sau năm 1975, nhiều cựu chiến binh Hoa Kỳ ghé bệnh viện Từ Dũ và hỏi thăm về số trẻ sinh với dị tật và về số bệnh ung thư liên quan đến chất độc hóa học tại miền Nam trong thời chiến. Tôi bắt đầu tìm đọc những tài liệu khoa học và tình cờ thấy được một bản phúc trình về đề tài này, ấn hành bởi Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ năm 1974. Đến lúc đó, tôi mới chợt nghĩ ra là các ca quái thai trước đây có thể có sự liên hệ.”


Một đại diện cho giới trí thức Mỹ, giáo sư Catharin Dalpino của viện Nghiên cứu Á châu, lên tiếng xác nhận rằng Hoa Kỳ dù sao cũng có phần trách nhiệm.

Giáo sự Dalpino nói: “Hoa Kỳ có nghĩa vụ đạo đức để giải quyết vấn đề này ở Việt Nam. Tôi cũng tin rằng nếu làm được việc đó một cách dễ thấy sẽ giúp củng cố mối quan hệ Mỹ-Việt. Cả hai nước đều đã khám phá ra những tác hại của chất Da Cam, nhưng khi tái lập quan hệ song phương, vấn đề này không được nêu lên, lý do là cả hai phía đều không muốn vướng vào một đề tài có thể làm nỗ lực ngoại giao chệch hướng. Chúng ta đều biết kế hoạch đó theo một lộ trình, mà từng mục tiêu giai đoạn phải hoàn tất trước khi bước tới giai đoạn kế tiếp. Giờ dây quan hệ Mỹ-Việt không còn là lộ trình nữa, mà nó đã là một xa lộ cao tốc.”

Buổi điều trần tại Hạ viện Hoa Kỳ trước sau cũng nằm trong mục tiêu mà đại biểu Quốc hội Hoa Kỳ Eni Faleomavaega xác định.

Ông Faleomavaega nói: “Đừng nói đây sẽ là hợp pháp hóa một dự luật. Việc này không liên quan đến luật như tôi biết. Tôi biết người trong ngành ngoại giao sẽ có chữ khác, nhưng tôi muốn dùng chữ "nhân đạo". Tôi cũng thích thể thức chia sẻ gánh nặng. Tôi không nghĩ là Chính phủ Việt Nam muốn lãnh hết, mà tôi nghĩ là chúng ta có thể cùng làm cho gánh nặng nhẹ đi. Có thể với một phần nhờ Chính phủ chúng ta, một phần nhờ các doanh nghiệp hóa chất thân hữu và nhà cầm quyền Việt Nam. Tôi nghĩ là chúng ta có thể làm việc chung với nhau trên căn bản nhân đạo. Ba triệu đôla, các bạn có thể làm gì với ba triệu đôla ?”

Lê Dân tường trình từ Quốc Hội Hoa Kỳ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG