Đường dẫn truy cập

Thông tư 38 cũng 'phi lý không kém Điều 258 hay Điều 88'


Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành thông tư 38, yêu cầu chủ các trang mạng như Facebook, Youtube... phải chặn thông tin xấu độc.
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành thông tư 38, yêu cầu chủ các trang mạng như Facebook, Youtube... phải chặn thông tin xấu độc.

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa ban hành thông tư 38 về Quản lý thông tin xuyên biên giới, yêu cầu chủ các trang web, mạng xã hội nước ngoài như Facebook, Youtube… phải có nghĩa vụ hợp tác với bộ TT&TT để chặn thông tin xấu độc. Nếu không hợp tác, Bộ TT & TT sẽ “chủ động áp dụng các biện pháp kỹ thuật cần thiết”.

Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử được VietnamNet dẫn lời nói rằng các hoạt động cung cấp thông tin qua môi trường internet sẽ bị quản lý “chặt chẽ hơn,” áp dụng cho cả cá nhân và doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.

Ông Quang, thạc sỹ ngành báo chí ở Mỹ và từng là Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn, nhấn mạng rằng chủ các trang web, mạng xã hội nước ngoài như Facebook, Youtube… phải có nghĩa vụ hợp tác với bộ TT&TT để chặn thông tin xấu độc. Bộ TT & TT sẽ phối hợp cùng các chủ các trang này để xác định các nội dung cần gỡ bỏ hoặc chặn không cho người sử dụng tại Việt Nam truy cập.

Việt Nam cho rằng các thông tin xấu độc sẽ bị ngăn chặn là “các thông tin gây nhiễu loạn, sai, xuyên tạc, bịa đặt gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, thậm chí đe doạ đến lợi ích quốc gia.”

Tuy nhiên, ông Quang cũng nhận định rằng trên thực tế việc phối hợp này “khó” thực hiện vì “môi trường internet phức tạp” trong khi các “tất cả các điều khoản pháp luật quy định cũng chỉ là trên giấy tờ.” Điều quan trọng theo ông Quang, là “sự hợp tác, phối hợp giữa các tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài nước.”

Bà Đào Thùy Linh, công ty T&A Ogilvy tại thành phố Hồ Chí Minh, đại diện truyền thông cho Facebook tại Việt Nam trả lời qua email cho VOA ngày 17/1 rằng vào thời điểm này, Facebook Việt Nam không có bất kỳ ý kiến hoặc thông tin gì để chia sẻ về thông tư 38 của Bộ TT&TT.

Trao đổi với VOA- Việt ngữ, anh Nguyễn Tiến Trung, thạc sỹ công nghệ thông tin tại Pháp, đồng thời là cựu tù nhân chính trị hiện vẫn đang bị quản chế tại Sài Gòn, nói rằng thông tư 38 chẳng những vi hiến mà còn cho thấy Đảng Cộng sản luôn lo lắng và sợ hãi về việc bị mất quyền lực. Theo thạc sĩ Trung, nhà cầm quyền Việt Nam không ngừng bắt bớ, đàn áp và tạo sự sợ hãi trong người dân và luôn tìm cách trấn áp phản kháng xã hội.

“Bản thân thông tư 38 này rõ ràng đã vi phạm điều 25 của hiến pháp trong đó công nhận quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân.”

Theo ông Nguyễn Tiến Trung, từ trước đến nay Việt Nam đã ban hành nhiều luật lệ để trấn áp quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của người dân, chẳng hạn như Nghị định 75 và các điều 88, 258 mà ông cho là phi lý. Thế nhưng, ban hành thêm một thông tư tương tự khác “sẽ không làm chùn bước người dân”:

“Nhưng rõ ràng theo tôi quan sát thì ngày càng nhiều người dân đã không còn sợ hãi và họ lên tiếng mạnh mẽ trên mạng xã hội. Có thêm thông tư 38 cũng không làm người dân sợ hãi hay im lặng trước bất công xã hội. Đây là điều không thể trên thế giới mạng Internet hiện nay. Rõ ràng là nhà cầm quyền đang loay hoay đạp xe đạp chạy theo nền văn minh Internet mà chạy theo tốc độ ánh sáng.”

Theo ông Trung, chính phủ Việt Nam quản lý mạng Internet ở trong nước, và nếu họ muốn, họ có thể chặn các trang mạng xã hội bằng cách chặn băng thông như Trung Quốc đang thực hiện. Khi đó người dân sẽ chuyển sang dùng các trang mạng xã hội khác mà ban quản trị của mạng đó không hợp tác với chính quyền. Do đó thông tư 38 sẽ không hạn chế được việc tiếp cận thông tin của người dân trong tương lai.

Ông Trung không nghĩ rằng các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội như Facebook sẽ hợp tác với chính quyền Việt Nam theo yêu cầu của thông tư 38 bởi vì thị trường quảng cáo trên mạng xã hội ở Việt Nam không mấy đáng kể, và nếu Facebook hợp tác thì rất nhiều trong số 30 triệu người dùng Facebook Việt Nam sẽ lên án và tẩy chay họ.

“Các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trên thế giới như Facebook hay YouTube họ biết rõ về luật quốc tế. Tôi không nghĩ họ sẽ hợp tác cái yêu cầu vô lý và vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền Việt Nam. Kể cả Trung Quốc có tiềm lực kinh tế và công nghệ vượt trội cũng phải chọn cách ngăn chặn các trang mạng nước ngoài.”

Các chuyên gia về mạng truyền xã hội cũng đồng tình với ý kiến này, họ cho rằng Thông tư 38 chỉ mang tính quản lý hành chính trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, chứ khó có hiệu lực với các hãng có trụ sở ở nước ngoài. Trên thực tế Facebook, Google, hay YouTube không đặt máy chủ trong lãnh thổ Việt nam và cũng chưa mở văn phòng chính thức tại Việt Nam.

Nguồn: VietnamNet, VOA Interview, CafeF.vn

Thông tư 38 cũng 'phi lý không kém Điều 258 hay Điều 88'
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:41 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG