Đường dẫn truy cập

Ấn Độ: Thị trường lớn của công nghiệp quốc phòng Mỹ


Trong thời Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ đã mua hầu hết các loại vũ khí và trang thiết bị quân sự từ Liên Xô. Nhưng trong những năm gần đây, số vũ khí mà Hoa Kỳ bán cho Ấn Độ đã gia tăng khá nhiều. Khi muốn mua vận tải cơ và trực thăng quân sự hồi tháng giêng vừa qua, Ấn Độ đã đặt mua từ công ty Lockheed Martin ở tiểu bang Maryland. Với việc ký kết hợp đồng trị giá 2 tỉ đô la này, các giới chức Washington hy vọng rằng Ấn Độ sắp sửa trở thành một thị trường lớn của công nghiệp quốc phòng Mỹ. Thông tín viên Subhash Vohra của đài VOA mới đây có bài tường thuật về việc này. Xin mời quí thính giả theo dõi qua tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách sau đây.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy nước Nga đang mất đi vị thế gần như độc quyền trong việc bán vũ khí cho Ấn Độ. Trong vài năm qua, Ấn Độ đã bắt đầu tìm mua các loại vũ khí tiên tiến của Hoa Kỳ và Israel.

Cựu Đề đốc Uday Bhaskar, một phân tích quân sự nổi tiếng ở Ấn Độ, cho biết: trong thời Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ mua hầu hết các loại vũ khí tiên tiến từ Liên Xô cũ, nhưng giờ đây Ấn Độ muốn mua vũ khí từ Hoa Kỳ trong lúc quan hệ giữa hai nước đã được cải thiện đáng kể.

Ông Bashkar nói: "Tôi nghĩ rằng trong thời gian gần đây đã có sự thay đổi trong mối quan hệ có thời được mô tả là một mối quan hệ lạnh nhạt. Ấn Độ và Hoa Kỳ đang tiến gần tới chỗ chủ động giao tiếp với nhau một thận trọng. Và trong bối cảnh này, Ấn Độ đã bắt đầu tìm kiếm nguồn cung ứng khả tín nhất cho các loại trang thiết bị quân sự, và rõ ràng là Hoa Kỳ có một vị thế rất khả tín trên toàn cầu của một nước cung ứng các loại thiết bị quan trọng."

Theo Đề đốc Bashkar, Ấn Độ đã vạch ra một đường lối khôn khéo đối với các vấn đề đa phương và song phương có tính chất tế nhị. Ông nói thêm rằng sự ổn định của chính trị Ấn Độ đóng một vai trò then chốt trong việc Hoa Kỳ sẵn lòng bán cho nước này những hệ thống vũ khí tối tân/

Ông Bashkar nói: "Tính chất sinh động của nền dân chủ của Ấn Độ và cung cách hành xử của Ấn Độ - xét về những vấn đề liên quan tới các loại vũ khí giết người hàng loạt, cũng như việc Ấn Độ đã tuyệt đối tôn trọng những cam kết quốc tế của mình; những điều này, theo tôi, đã được Hoa Kỳ quí trọng, đặc biệt là chính phủ của Tổng thống Bush."

Tháng này, Ấn Độ sẽ gọi thầu để mua 126 chiếc chiến đấu cơ trị giá 12 tỉ đô la. Vài công ty Mỹ, như Lockheed Martin và Boeing, sẽ tham gia đấu thầu với hy vọng đánh bại các đối thủ ở Nga và Âu châu.

Các nhà thầu quốc phòng Mỹ đã được khích lệ nhiều qua chuyến công du mới đây của Bộ trưởng quốc phòng Robert Gates đến New Dehli. Ông Gates đã tái khẳng định quyết tâm của Mỹ trong việc xây dựng một mối quan hệ quốc phòng vững mạnh với Ấn Độ.

Ông Gates nói: "Tôi đã trình bày rõ là chúng tôi muốn tham gia và tin rằng chúng tôi có khả năng cạnh tranh cao trong việc lựa chọn loại chiến đấu cơ mới - loại chiến đấu cơ đa dụng mà Ấn Độ đang muốn mua. Chúng tôi cũng nói rõ là chúng tôi không yêu cầu có được sự đối đãi đặc biệt. Chúng tôi hài lòng với việc có được một chỗ ngồi trong bàn họp và chúng tôi tin tưởng là chúng tôi có vị thế cạnh tranh tốt trong một cuộc cạnh tranh công bằng."

Ông Peter Spiegel, ký giả của tờ Los Angeles Times, đã tháp tùng phái đoàn của Bộ trưởng Gates. Ông nói rằng trong 3 năm qua, Hoa Kỳ nỗ lực để gia tăng các thương vụ về vũ khí với các nước Nam Á. Ông nói thêm rằng nhiều nước Á châu đã hoan nghênh nỗ lực của Mỹ vì họ e ngại trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Ông Spiegel nói: "Tôi nghĩ rằng có hai việc đang diễn ra. Việc thứ nhất có tính chất hoàn toàn thương mại. Ngân sách quốc phòng của Ấn Độ đã gia tăng khá nhanh chóng, và không giống như Trung Quốc, họ đang mua vũ khí từ nước ngoài. Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất, và điều này có lợi cho công nghiệp quốc phòng Hoa Kỳ nếu họ có thể tiến vào thị trường này. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng không nên đánh giá thấp quan điểm của Hoa Kỳ đối với những toan tính của Trung Quốc. Trung Quốc đang ra sức xây dựng một lực lượng viễn dương, đang tìm cách có được hàng không mẫu hạm, và đang chế tạo các loại tàu ngầm. Theo nhận xét của tôi thì Hoa Kỳ nghĩ rằng việc xây dựng quan hệ đồng minh với các lực lượng hải quân trong khu vực này, đặc biệt là hải quân Ấn Độ, là một biện pháp bảo hiểm tốt nhất để chống lại Trung Quốc."

Cựu Đề đốc Bashkar của Ấn Độ cũng tán đồng nhận định này và nói rằng mối quan tâm đối với Trung Quốc khiến cho Washington nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của Ấn Ðộ.

Ông Baskhar nói thêm: "Theo tôi thì Hoa Kỳ đã có một sự xác định về chiến lược là với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh và sự xuất hiện của khung cảnh an ninh sau biến cố 11 tháng 9, Hoa Kỳ cần giao tiếp với Ấn Độ để thăng tiến các quyền lợi chủ yếu của mình trong thế kỷ 21, hay ít ra là trong phần đầu của thế kỷ này."

Trong chuyến viếng thăm Ấn Độ hồi tháng hai, Bộ trưởng quốc phòng Gates cũng thảo luận với các giới chức Ấn Độ về thỏa thuận hạt nhân dân sự, cho phép Hoa Kỳ cung ứng cho Ấn Độ các vật liệu và kỹ thuật hạt nhân dân dụng. Ký giả Spiegel của tờ Los Angeles Times cho biết Bộ trưởng Gates đã tìm cách tách biệt thỏa thuận hạt nhân này với mối quan hệ quốc phòng Ấn-Mỹ.

Ông Spiegel nói: "Tôi đã đi theo Bộ trưởng Gates trong chuyến công du tới New Dehli. Ông ấy đã nhiều lần nhấn mạnh rằng thỏa thuận hạt nhân dân sự không phải là lý do chính của chuyến công du của ông. Thỏa thuận này là thành quả của những cuộc đàm phán giữa hai chính phủ Ấn Độ và Hoa Kỳ, nhưng lại tách biệt với mối quan hệ quốc phòng. Nếu thỏa thuận này bị hỏng thì chắc chắn là nó sẽ gây tổn hại cho mối quan hệ Ấn-Mỹ. Nhưng tôi tin rằng mối quan hệ giữa quân đội Mỹ với quân đội Ấn Độ giờ đây rất quan trọng cho nên sự thất bại của thỏa thuận hạt nhân dân sự sẽ không tác động tới mối quan hệ quốc phòng."

Theo ước tính của các chuyên gia, trị giá các khoản mua sắm vũ khí và trang thiết bị quân sự của Ấn Độ sẽ tăng gấp đôi và lên tới hơn 30 tỉ đô la vào năm 2012, và tiếp tục tăng tới mức 80 tỉ đô la vào năm 2022.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG