Đường dẫn truy cập

Jody Williams: Ðại sứ vận động cấm sử dụng mìn


Trong khuôn khổ loạt bài nói về các nhân vật đã tạo được sự biến chuyển trong lối sống, suy nghĩ và hành động của người Mỹ, biên tập viên Roseanne Skibble của đài VOA kỳ này viết về bà Jody Williams, người đã biến lòng say mê các lý tưởng dân quyền và nhân đạo thành một cuộc vận động cấm sử dụng mìn.

Cuộc đời của bà Jody Williams, một nhà hoạt động đã đi khắp hoàn cầu, bắt đầu tại một thị trấn nhỏ trong vùng nông thôn tiểu bang Vermont vào năm 1950.

Bà William kể về thị trấn của bà như sau: “Chúng tôi có nhiều bò hơn người, và chúng tôi thích như vậy! Chúng tôi có nghĩa là cả tiểu bang Vermont.”

Bà Williams là người thứ nhì trong gia đình có 5 người con.Vào những kỳ hè, bà phụ làm bánh mì để bỏ vào những cái máy bán tự động của cha. Bà nói đó là một cuộc sống lý tưởng, rất ít lo nghĩ.

Bà nói: “Tôi lớn lên và tin vào tất cả những huyền thoại được dậy dỗ về Hoa Kỳ, về cuộc tranh đấu cho dân chủ, tự quyết và tất cả những điều tốt đẹp. Và tôi không biết là những điều đó có phần đúng mà cũng có phần không đúng.”

Khi là sinh viên tại trường đại học Vermont vào cuối thập kỷ 1960, bà Williams tham gia tích cực vào phong trào tranh đấu cho dân quyền và dự các cuộc biểu tình trong khuôn viên đại học chống lại cuộc chiến tranh mà Hoa Kỳ tiến hành tại Việt Nam. Bà nói rằng sự tham gia đó dậy cho bà đứng lên tranh đấu cho những điều mà bà tin tưởng.

Bà kể lại như sau: “Tôi dự cuộc biểu tình đầu tiên trong đời khi chúng tôi động viên và đi xuống thủ phủ của tiểu bang ở Montpelier và đến viện lập pháp để vận động đòi thông qua một nghị quyết để chuyển đến thủ đô yêu cầu Hoa Kỳ chấm dứt cuộc chiến tranh tại Việt Nam.”

Sau khi tốt nghiệp đại học, bà Williams dậy Anh ngữ tại một trường trung học ở Mexico. Nơi đây, bà đâm ra say mê văn hóa châu Mỹ Latinh, chứ không phải nghề dậy học. Vào đầu thập niên 1980, một thời kỳ xáo động ở Trung Mỹ, bà Williams đã lãnh đạo các nhóm dân sự thực hiện các chuyến đi tìm hiểu sự thực tại vùng này.

Bà cũng góp phần tổ chức các phái đoàn cứu trợ y tế trong thời gian xảy ra cuộc nội chiến ở El Salvador. Bà đã trở nên mạnh dạn trong cuộc phản kháng chính sách của Hoa Kỳ ở Trung Mỹ. Điều đó, theo bà, không phải là dễ dàng, xét theo khung cảnh chính trị lúc đó.

Bà Williams nói: “Nếu quý vị còn nhớ tổng thống Reagan và ngoại trưởng Alexander Haig đã vạch rõ ranh giới chống lại chế độ cộng sản ở Trung Mỹ. Do đó mà nếu quý vị làm bất cứ công tác cứu trợ hay nhân đạo nào, hay bất cứ điều gì không hỗ trợ cho chính sách của Hoa Kỳ trong khu vực thì quý vị sẽ bị chụp mũ là cộng sản ngay. Đó không phải là một khu vực có vấn đề mà nhiều người hiểu rõ hay quan tâm đến.”

Chính tại châu Mỹ Latinh mà bà Williams hiểu biết được trực tiếp về mìn bẫy và nguy cơ thương tật hay tử vong đề ra một thời gian lâu dài sau khi không còn chiến tranh trên chiến trường nữa. Năm 1992, bà bắt đầu một cuộc vận động toàn cầu đề nghị cấm sử dụng mìn.

Năm năm sau, vào tháng chạp 1997, 121 quốc gia họp tại thủ đô Ottawa của canada để ký Hiệp ước cấm mìn với tên gọi chính thức là Công Ước về việc cấm sử dụng, dự trữ, sản xuất và chuyển nhượng mìn chống cá nhân, và về việc phá hủy mìn.

Cùng năm đó, bà Jody Williams được trao tặng giải Nobel hòa bình. Nhưng các nỗ lực của bà không dừng ở đó. Cuộc Vận động Quốc tế Cấm Mìn đã mở rộng và bao gồm 1200 tổ chức trên khắp thế giới, mà bà Williams cho là góp công giúp cho công tác được hoàn thành.

Bà nói: “Đã không có việc mua bán mìn quan trọng nào từ giữa thập kỷ 1990. Trước kia có 54 quốc gia sản xuất mìn, mà ngày nay chỉ còn khoảng 1 chục nước và ngay trong số những nước này, cũng có nước không thực sự sản xuất. Mỗi năm, có thêm mìn được đào lên khỏi đất. 42 triệu quả mìn dự trữ đã bị phá hủy. Chúng tôi gọi đó là hành động ngăn ngừa mìn bởi vì chúng được phá hủy trước khi được chôn xuống, và như thế là chúng tôi sẽ bớt phải lo lắng về 42 triệu sinh mạng hay tay chân bị què cụt.”

Bà Williams cho biết trong khi làm việc, bà đã học hỏi được rằng hòa bình không phải là một ảo vọng mà là một trách nhiệm đòi hỏi nhiều công khó để hoàn thành.

Bà nói: “Phải có một sách lược, một kế hoạch. Áp dụng sách lược hay kế hoạch đó. Theo dõi rồi thực hiện. Thực hiện và phải dốc công để xây dựng một thế giới khác. Đó là điều phải làm để có được hòa bình. Đó là phải làm việc, phải làm việc khó nhọc mỗi ngày. Như chị tôi, sáng lập viên Phong trào Hòa bình Ireland và khôi nguyên giải Nobel vẫn nói: 'Đừng đến than van với tôi về những điều lo nghĩ nếu chưa kể cho tôi nghe đang làm những gì để xoay chuyển tình thế đó.”

Bà Williams không còn đứng đầu cuộc vận động chống mìn nữa, nhưng vẫn còn giữ chức đại sứ cho cuộc vận động. Bà ủng hộ nỗ lực cấm bom chùm. Các loại vũ khí này, tuy thả từ trên không xuống, nhưng cũng đề ra mối nguy hại giống như mìn chôn khi mà những quả đạn chưa nổ còn nằm dưới đất. Bà Williams nói rằng điều đó đã xảy ra trong cuộc xung đột giữa Israel và Hezbollah tại Lebanon vào năm 2006.

Bà Williams nói: “Trong 72 tiếng đồng hồ chót trước cuộc ngưng bắn đã được thỏa thuận, Israel đã thả 4 triệu quả bom chùm xuống các làng mạc ở nam bộ Lebanon, trong đó có 1 triệu quả không nổ.”

Bà Williams nói mối nguy đó đã thúc đẩy thế giới hành động. Một hiệp ước toàn cầu cấm bom chùm sẽ được thương nghị tại Dublin vào tháng 5 năm nay. Bà Jody Williams tin rằng nỗ lực này sẽ đưa thế giới tiến thêm một bước đến chỗ hòa bình.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG