Đường dẫn truy cập

Hồng Kông không cấp thị thực nhập cảnh cho người phản kháng Olympic


Người đứng đầu ngành an ninh Hồng Kông cho biết đặc khu hành chánh của Trung Quốc này sẽ không cấp thị thực nhập cảnh cho những người mà họ tin là sẽ gây phiền phức trong thời gian diễn ra Thế vận hội Bắc Kinh. Loan báo này đã gặp sự chỉ trích của các nhà lập pháp Hồng Kông, những người nói rằng phần đất này lâu nay vẫn tự hào về thái độ cởi mở và tôn trọng các quyền tự do dân sự. Từ Hồng Kông, thông tín viên Naomi Martiq của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Những người chỉ trích nói rằng kế hoạch không cho một số những người phản kháng nhập cảnh Hồng Kông trong thời gian diễn ra Olympic là có tính chất độc đoán và không cần thiết.

Bà Emily Lau, một nhà lập pháp thuộc phe dân chủ ở Viện Lập pháp Hồng Kông, phát biểu như sau.

Bà Lau nói: "Tôi không biết họ sẽ làm thế nào để biết được ai là người cần phải ngăn cấm và ai là người không cần."

Hồng Kông sẽ tổ chức các cuộc tranh tài của môn kỵ mã cho Thế Vận Hội Mùa Hè diễn ra ở Bắc Kinh vào tháng 8. Những người tổ chức e rằng những con ngựa đắt tiền có thể bị phô nhiễm với các bệnh hay lây lan ở Hoa Lục.

Tuần này, người đứng đầu công tác an ninh của Hồng Kông, ông Ambrose Lee nói với các nghị viên rằng giới hữu trách ở đây có kế hoạch xua đuổi những người muốn phá hoại Olympics. Ông Lee nói rằng những người biểu tình phản kháng sẽ được phép vào Hồng Kông nếu họ không có kế hoạch gây gián đoạn cho các cuộc tranh tài.

Ông nói thêm rằng: Hồng Kông tôn trọng quyền tự do ngôn luận và những cuộc biểu tình phản kháng sẽ được phép diễn ra nhưng giới hữu trách phải bảo đảm trật tự công cộng và chấp hành luật pháp.

Nghị viên Emily Lau nói rằng các giới chức chính phủ cần phải giải thích rõ ràng về việc ai là người sẽ bị cấm. Bà nói thêm rằng việc ngăn cấm những người biểu tình phản kháng sẽ làm tổn hại cho danh tiếng của Hồng Kông như một thành phố quốc tế tôn trọng quyền tự do di chuyển của mọi người.

Bà Lau nói: "Nói chung thì mọi người được tự do ra vào Hồng Kông. Vì vậy cho nên, tôi nghĩ rằng một làn sóng bất bình sẽ dấy lên nếu giới hữu trách Hồng Kông sử dụng những phương tiện có tính chất độc đoán để ngăn không cho người ở nơi khác vào đây."

Bà Lau nêu lên sự kiện là đã có những vụ biểu tình rầm rộ được tổ chức ở Hồng Kông trong thời gian diễn ra hộïi nghị của Ngân hàng Thế giới năm 2005.

Bà Lau nói: "Lúc đó có rất đông người đến từ Nam Triều Tiên, kể cả các nông dân. Những người đó đã thực hiện hàng loạt những cuộc biểu tình và những vụ phản kháng dẫn tới bạo động. Và lệnh giới nghiêm đã được áp dụng sau đó. Nhưng Hồng Kông đã trải qua tất cả những thứ đó mà không sao cả. Vì vậy tôi không hiểu là chính quyền này lo sợ chuyện gì."

Hồng Kông trước đây là một thuộc địa của Anh và hiện nay dân chúng ở đây có những quyền tự do dân sự mà những phần đất khác của Trung Quốc không hề có. Tuy nhiên, người đứng đầu đặc khu hành chánh này được bầu lên bởi khoảng 800 người được Trung Quốc chấp thuận và chỉ có phân nửa các nghị viên của viện lập pháp là do dân chúng trực tiếp bầu ra.

Trong quá khứ, chính quyền Hồng Kông đã cấm không cho các thành viên nước ngoài của phong trào tâm linh Pháp luân công được nhập cảnh. Phong trào này bị ngăn cấm ở Hoa Lục nhưng được phép hoạt động ở Hồng Kông.

Giới hữu trách Trung Quốc đang phải ứng phó với những thách thức có tính chất tế nhị trước ngày khai mạc Olympic, trong đó có những lời chỉ trích của cộng đồng quốc tế đối với thành tích nhân quyền của Trung Quốc.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG