Đường dẫn truy cập

Những biện pháp trừng phạt: Quá trình thực hiện


Trong nhiều thập niên qua, các biện pháp trừng phạt đã được sử dụng như một công cụ ngoại giao để tạo áp lực nhằm buộc chính phủ các nước thay đổi những hành vi bị cho là bất hảo của họ. Trong tường trình sau đây, Thông tín viên Margaret Besheer của đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA để cập đến những phương cách áp dụng và thực thi những biện pháp này.

Khi một quốc gia thấy cần thiết phải áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với chính phủ của một quốc gia khác, thì nguyên thủ quốc gia hay cơ quan lập pháp của quốc gia muốn chế tài có thẩm quyền áp dụng những biện pháp trừng phạt.

Nhưng Giáo sư Tom Weiss thuộc Trường Đại học City University ở New York nói rằng những biện pháp trừng phạt có tính chất đơn phương rất khó được thực hiện.

Giáo sư Weiss nói: "Ít có quốc gia nào tự mình có đủ thế lực để bảo đảm sự thành công của các biện pháp trừng phạt vì luôn luôn có những nguồn cung cấp thay thế. Và cũng có rất nhiều phương cách mà một nước bị trừng phạt có thể sử dụng để vô hiệu hóa những biện pháp trừng phạt."

Vì rất ít quốc gia có đủ thế lực cần thiết để tự mình thực thi các biện pháp trừng phạt một cách có hiệu quả, thường thường họ phải làm việc này thông qua Hội đồng Bảo an LHQ, với hy vọng có thể áp dụng những biện pháp trừng phạt có tính chất toàn diện được nhiều nước thành viên ủng hộ một cách rộng rãi.

Hội đồng Bảo an đã dùng quyền hạn của mình để áp dụng các biện pháp trừng phạt khi nền hòa bình quốc tế bị đe dọa và những nỗ lực ngoại giao đã thất bại. Trong mấy năm qua, có khuynh hướng sử dụng những biện pháp có mục tiêu cụ thể được gọi là những 'biện pháp trừng pháp khôn khéo'. Những biện pháp này bao gồm sự trừng phạt kinh tế và thương mại, cấm vận vũ khí, cấm du hành ra nước ngoài và những biện pháp tài chính, chẳng hạn như phong tỏa tài sản.

Ông Gary Hufbauer, một chuyên gia làm việc tại Viện Kinh tế học Quốc tế Peterson, nói rằng những biện pháp trừng phạt khôn khéo nhắm vào các chế độ và có khuynh hướng tránh gây đau khổ cho quảng đại quần chúng.

Ông Hufbauer nói: "Nếu bằng cách nào đó quý vị có thể làm cho giới ăn trên ngồi trước không sử dụng được những tài khoản ngân hàng của họ, không đưa con cái đi học được tại các trường học ở Thụy Sĩ, không du hành được ra nước ngoài..., thì ít ra quý vị cũng tránh được chuyện trừng phạt những người dân bình thường. Như thế, cái lợi của những biện pháp trừng phạt có mục tiêu là ở chỗ quý vị không phải gánh chịu hậu quả của mặt trái của việc trừng phạt, thí dụ như tình trạng sức khỏe suy yếu tràn lan hoặc suy dinh dưỡng, đặc biệt trong giới người cao tuổi và trẻ em. Chính mặt trái này gây ra rất nhiều phản ứng bất lợi đối với quốc gia áp dụng biện pháp trừng phạt."

Ngay trong tháng 3 này, Hội đồng Bảo an LHQ đã sử dụng quyền hạn được ủy nhiệm của mình để cho áp dụng những biện pháp trừng phạt có mục tiêu cụ thể chống chính phủ Iran vì nước này đã có những hoạt động hạt nhân gây nhiều tranh cãi. Đây là những hoạt động mà một số nước tin là một bình phong nhằm che dấu một chương trình vũ khí hạt nhân bí mật. Giáo sư Tom Weiss thuộc Đại học City University ở New York nói rằng loạt biện pháp trừng phạt mới nhất chống Iran này có phần chắc sẽ chỉ có một tác động có tính chất tượng trưng.

Ông Weiss nói: "Rõ ràng chế độ ở Iran không mong muốn bị trừng phạt như thế này. Rõ ràng là họ muốn làm một thành viên trong cộng đồng quốc tế của các quốc gia và họ đã thực hiện rất nhiều nỗ lực ngoại giao để bảo đảm rằng những biện pháp trừng phạt sẽ không được đưa ra. Như thế không phải là vì những biện pháp này sẽ có một tác động thật sự đối với đời sống kinh tế thường ngày, mà là vì nó sẽ có một tác động tượng trưng rất lớn."

Một khi Hội đồng Bảo an đã cho áp dụng các biện pháp trừng phạt - giống như những biện pháp được thực hiện chống Iran - thì có nhiều cơ quan chuyên môn của LHQ và các tổ chức liên chính phủ khác đảm nhiệm vai trò theo dõi, thực hiện, và bảo đảm việc tuân thủ những biện pháp này.

Một trong số những cơ quan quan trọng nhất là Interpol--tức tổ chức Cảnh sát quốc tế lớn nhất thế giới. Trên 180 quốc gia là thành viên của Interpol, và số nhân viên được huấn luyện rất thuần thục của tổ chức này đã góp phần thực thi các biện pháp cấm vận, cấm du hành, và trừng phạt tài chính. Các cơ quan hải quan và quản trị hàng không quốc tế cũng có nhiệm vụ then chốt trong việc thực thi các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an.

Các tổ chức khu vực như Liên hiệp châu Âu, Liên đoàn A rập, và Tổ chức các Nước Châu Mỹ cũng đã đóng những vai trò quan trọng trong việc thực thi những biện pháp trừng phạt.

Nhưng, mặc dù có những nỗ lực quốc tế nhằm thực thi các biện pháp trừng phạt, các biện pháp này không thể được sử dụng đơn độc mà cần phải được lồng trong một giải pháp rộng lớn hơn thì mới có hiệu quả.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG