Đường dẫn truy cập

Chính phủ dân sự đầu tiên trong hơn 8 năm sẽ lên nắm quyền ở Pakistan


Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf loan báo rằng quốc hội mới sẽ được triệu tập vào ngày 17 tháng này, một tháng sau khi các đảng đối lập giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử quốc hội. Loan báo này được đưa ra sau khi cựu Thủ tướng Nawar Sharif và ông Asif Ali Zardari - phu quân của cựu Thủ tướng Benazir Bhutto bị ám sát, đồng ý thành lập một chính phủ liên hiệp. Sự chuyển đổi quyền lực ở Islamabad sẽ có ảnh hưởng như thế nào đối với các mối quan hệ giữa Pakistan với Ấn Ðộ và Afghanistan? Để tìm giải đáp cho vấn đề này, thông tín viên Ravi Khanna của đài chúng tôi đã tiếp xúc với một nhà phân tích ở Washington và có bài tường thuật sau đây.

Tân chính phủ ở Islamabad là chính phủ dân sự đầu tiên trong hơn 8 năm. Một số các nhà quan sát tình hình Pakistan cho rằng việc này tạo ra một cơ hội để Pakistan cải thiện các mối quan hệ với lân bang Afghanistan, đặc biệt là nhờ vào việc Đảng Quốc gia Awami lên nắm quyền ở tỉnh Biên Giới Tây Bắc của Pakistan. Bà Farhana Ali, một chuyên gia làm việc cho tổ chức nghiên cứu Rand ở Washington, cho biết Đảng Quốc gia Awami là một chính đảng có chủ trương thế tục và theo đuổi đường lối chống lại phe Taliban.

Ông Ali nói: "Tôi nghĩ rằng đảng này sẽ gia tăng quyển kiểm soát ở vành đai của người sắc tộc Pashtun. Ít ra thì đó là sự lạc quan của các thành viên đảng Quốc gia Awami và những người ủng hộ họ mà tôi đã gặp ở thành phố Peshawar. Vì vậy, tôi nghĩ rằng có hy vọng là các mối quan hệ giữa Pakistan và Afghanistan sẽ được cải thiện."

Tuy nhiên, một nhà phân tích của Quĩ Hòa bình Quốc tế Carnegie, ông Frederick Grace, dự đoán rằng tình hình sẽ không có gì thay đổi nếu các phần tử chủ chiến vẫn tiếp tục từ Pakistan xâm nhập vào Afghanistan. Mặc dù vậy, ông Grace cũng cho rằng tiến bộ có thể đạt được nếu Pakistan thực thi một tiến trình hòa bình với Afghanistan, tương tự như tiến trình mà họ đang xúc tiến với Ấn Ðộ.

Ông Grace nói: "Chính sách của Pakistan đối với Afghanistan trên cơ bản là sự nối dài của chính sách đối với Ấn độ. Nếu một tiến trình hòa bình được thực hiện thì chúng ta có thể trông đợi một số lợi ích nào đó về phía Afghanistan hay không? Dựa theo suy luận hợp lý thì câu trả lời là có."

Ông Grace nói thêm rằng ông tin là tân chính phủ dân sự ở Islamabad sẽ tiếp tục theo đuổi tiến trình hòa bình với Ấn Ðộ mà ông Musharraf đã thực hiện trong nhiều năm qua.

Ông Grace giải thích như sau: "Lý do rất đơn giản. Bởi vì không ai muốn gây sự với Ấn Ðộ làm gì, mà ngược lại, họ muốn yên ổn với Ấn Ðộ."

Tuy đôi bên đã thực hiện cuộc đối thoại trong nhiều năm qua, vụ tranh chấp về vấn đề chủ quyền Kashmir vẫn chưa giải quyết xong. Theo nhận xét của bà Farhana Ali, nguyên do đưa tới tình trạng này là có quá nhiều phe nhóm khác nhau đang tranh đấu cho tương lai của vùng Kashmir.

Ông Ali nói: "Vì chẳng chững chỉ có một phong trào của người dân trong vùng Kashmir mà còn có nhiều thế lực chính trị khác nhau và nhiều phe nhóm khác nhau, cho nên cả Pakistan lẫn Ấn Ðộ đều khó có thể đồng ý với nhau về vấn đề ai là người đại diện cho dân chúng ở Kashmir."

Trong số các nhà lãnh đạo đứng ra thành lập chính phủ liên hiệp ở Islamabad có cựu Thủ tướng Nawar Sharif - là người đã chủ động làm hòa với Ấn Ðộ vào năm 1999. Nhà lãnh đạo còn lại là ông Asif Ali Zadari - chồng của bà Benazir Bhutto. Ông cho biết rằng trước khi bị ám sát bà Bhutto có nói rằng bà quyết tâm theo đuổi tiến trình hòa bình với Ấn độ.

Ông William Milam là cựu Đại sứ Hoa kỳ ở Pakistan và đang làm việc cho Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson. Ông dự kiến rằng chính phủ liên hiệp sẽ tiếp tục đi theo con đường này.

Ông Milam nói: "Hiện có ít nhất hai nhà lãnh đạo mà tôi nghĩ rằng có quyết tâm theo đuổi tiến trình hòa bình dựa trên lý trí và tình cảm. Tôi nghĩ rằng tiến trình này chắc chắn sẽ tiếp diễn, tuy hiện giờ chúng ta chưa thể dự đoán là tiến trình diễn ra nhanh hay chậm."

Cựu Đại sứ Milam cho biết tình hình hiện nay ở Pakistan mang lại những mối hy vọng to lớn, nhưng cũng có nhiều rủi ro. Ông nói thêm rằng các đảng chính trị ở quốc gia Nam Á này cần phải nhận thức rõ về bản chất của sự hợp tác mà họ gọi là 'đại liên minh'.

Ông Milam nói: "Mọi việc đều có thể thực hiện và đã được thực hiện bởi những đại liên minh khác để mang đất nước của họ thoát khỏi tình huống hiểm nghèo."

Tuy nhiên, ông Milam cảnh báo rằng Pakistan có thể bị rối loạn nhiều hơn nữa nếu liên minh hiện nay bị đổ vỡ.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG