Đường dẫn truy cập

Châu Á đối mặt với vụ khủng hoảng lúa gạo


Trong những ngày vừa qua, nhiều nông dân 'bỏ tôm ôm lúa' ở vùng Đồng bằng sông Cửu long đã được 'ăn tết hai lần' vì vụ mùa năm nay chẳng những thu hoạch rất tốt mà giá lúa bán ra cũng cao hơn nhiều. Tuy nhiên, nguyên do mang lại niềm vui cho một số nhà nông ở miền nam Việt Nam cũng chính là một trong các nguyên nhân đang gây khốn đốn cho sinh hoạt của hàng trăm triệu người nghèo ở khắp Á Châu. Mời quí thính giả nghe Duy Ái trình bày thêm một số chi tiết về tình hình mà một số người gọi là 'vụ khủng hoảng lúa gạo' trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây.

Tin tức từ Việt Nam trong tuần qua cho thấy nhiều nông dân trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang vui mừng vì 'lúa đầy bồ, tiền đầy túi'. Một bài phóng sự đăng trên báo Tuổi Trẻ hôm thứ ba cho biết: một số người đã 'được ăn Tết hai lần' vì vụ thu hoạch lúa với năng suất từ 7 đến 8 tấn một hécta, lại được thương lái đến thu mua ngay tận ruộng với giá cao kỷ lục.

Diễn tiến đáng mừng này của nông dân Việt Nam xảy ra trong lúc nguồn cung ứng lúa gạo ở Á Châu đang lâm vào tình trạng mà một số người cho là một vụ khủng hoảng - với lượng tiêu thụ gia tăng trong lúc mùa màng bị thiệt hại vì bão tố lụt lội xảy ra thường xuyên hơn và diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp thêm bởi những dự án phát triển công nghiệp và du lịch.

Các chuyên gia cho rằng giá lúa gạo nói riêng, và giá thực phẩm nói chung, sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới đây và đe dọa tới cuộc sống của hàng trăm triệu người nghèo trên khắp Á Châu. Một số chuyên gia phát triển - như ông Jonathan Pincus, Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc ở Việt Nam, cảnh báo rằng giá thực phẩm leo thang có nguy cơ làm cho nhiều người ở Á Châu rơi lại vào tình trạng nghèo túng mà họ vừa thoát ra được.

Tiến sĩ Robert Zeigler, một chuyên gia về bệnh thực vật của Viện Nghiên Cứu Lúa Gạo Quốc Tế (IRRI) ở Philipin cho biết như sau về tình hình hiện nay.

Ông Zeigler nói: "Nếu quí vị xem xét về các vấn đề như giá cả, số lượng tồn kho trên thế giới, và về vấn đề xu thế của năng suất, cùng với những động thái của các nước sản xuất và tiêu thụ quan trọng trên thế giới - như Ấn Độ, là nước trên cơ bản đã quyết định ngưng xuất khẩu gạo, thì quí vị sẽ nhận ra rằng tất cả các chỉ dấu đều cho thấy là chúng ta đang tiến vào một thời kỳ mà nguồn cung ứng lúa gạo bị hạn chế rất nhiều. Đây là một điều không còn gì để nghi ngờ nữa. Và giá cả chắc chắn sẽ gia tăng khi lượng cung ứng bị sút giảm."

Ông Devinder Sharma, một chuyên gia về chính sách nông nghiệp ở thủ đô New Dehli của Ấn Độ, tán đồng nhận định vừa kể và nói thêm rằng nhu cầu ngày càng tăng của những nước như Ấn Độ đang làm cho giá cả leo thang trên thị trường quốc tế.

Ông Sharma nói: "Khi những nước như Ấn Độ bắt đầu nhập khẩu thực phẩm thì giá cả trên thế giới sẽ tăng. Nếu cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc đều trở thành những nước nhập khẩu nhiều thực phẩm -- chuyển ngược từ tình trạng tự túc lương thực như trường hợp Ấn Độ hồi gần đây, thì chắc chắn là giá cả trên toàn cầu sẽ tiếp tục gia tăng thêm nữa. Và điều này có nghĩa là thời kỳ của lương thực giá rẻ giờ đây đã không còn nữa."

Các nhà kinh tế học cho biết: giá cả của các loại ngũ cốc khác như lúa mì, bắp, và đậu nành bắt đầu gia tăng trên thị trường quốc tế từ vài năm qua cũng khiến cho vụ khủng hoảng lúa gạo hiện nay trở nên nghiêm trọng hơn.

Tường thuật hôm thứ ba của tờ Asia Times cho biết các nước xuất khẩu gạo ở Á Châu đã có những phản ứng khác nhau trước tình hình hiện nay. Trong quí ba năm ngoái, giới hữu trách Việt Nam đã quyết định hạn chế lượng gạo bán ra nước ngoài để bảo đảm nguồn cung ứng trong nước.

Hai nước đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ cũng có những quyết định tương tự. Trong khi đó, Thái Lan - nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, lại đề ra kế hoạch bán thêm 500 ngàn tấn gạo từ kho dự trữ để thỏa mãn nhu cầu quốc tế, đặc biệt là của các nước Bangladesh và Pakistan. Trong tháng giêng vừa qua, Thái Lan đã xuất khẩu 800 ngàn tấn gạo, tăng 25% tính theo năm.

Về phương hướng giải quyết vấn đề về lâu về dài, Tiến sĩ Robert Zeigler của Viện Nghiên Cứu Lúa Gạo Quốc Tế cho biết mọi người cần phải ra sức để tiến hành thêm một cuộc cách mạng xanh - tương tự như cuộc cách mạng diễn ra trong các thập niên 60 và 70 về sản xuất nông nghiệp. Ông Zeigler nói rằng thế giới hiện nay đã có những giải pháp khoa học để đối phó với những thách thức như tác động của nạn biến đổi khí hậu đối với công cuộc sản xuất lúa gạo.

Ông Zeigler nói: "Chúng ta đã trải qua những cuộc cách mạng về sinh học phân tử, về di truyền học, về năng lực của máy tính và về khả năng truyền đạt thông tin. Những tiến bộ này cho phép chúng ta có được những bước tiến lớn trong việc cải thiện về cây trồng và số thu hoạch -những sự cải thiện mà chỉ mười năm trước đây chúng ta không thể nào tưởng tượng được. Vì vậy cho nên tôi tin rằng: nếu chúng ta đầu tư các nguồn lực của mình một cách khôn khéo, nếu chúng ta có những chính sách thích đáng về môi trường, thì chúng ta có thể tạo ra thêm một cuộc cách mạng xanh."

Tường thuật của tờ Asia Times trích lời Giám đốc Viện Nghiên Cứu Lúa Gạo Quốc Tế, ông Duncan Macintosh nói rằng nông dân trên thế giới có thể gia tăng năng suất lúa gạo đến 50% vào năm 2018, nhưng ông nói thêm rằng 'không có giải pháp ngắn hạn nào' cho tình hình thiếu hụt hiện nay.

Trong khi đó, chuyên gia chính sách nông nghiệp của Ấn Độ, ông Devinder Sharma lên tiếng cổ xướng cho việc quay lại với phương pháp canh tác hữu cơ và kêu gọi chính phủ các nước ra sức giúp đỡ cho các hộ nông dân sản xuất qui mô nhỏ.

Ông Sharma nói: "Cách giải quyết là thiết lập những hệ thống canh tác tự nhiên, những hệ thống canh tác hữu cơ. Đây là hệ thống giảm bớt giá thành sản xuất cho nông dân, giúp cho đất nông nghiệp được tốt hơn và cũng giúp cho nông dân được lợi nhiều hơn về mặt kinh tế để họ tiếp tục trồng trọt. Chúng ta có đủ khôn ngoan để đảo ngược xu thế hiện nay ngõ hầu sản xuất nông nghiệp cũng giúp cho những nông dân sản xuất qui mô nhỏ kiếm được tiền."

Một số các nhà từ thiện hàng đầu thế giới đã bắt đầu ra tay giúp đỡ để chống lại nạn thiếu hụt ngũ cốc, tương tự như sự hỗ trợ mà họ đã dành cho cuộc chiến chống bệnh ung thư và bệnh Aids. Dẫn đầu cho nỗ lực này là tỉ phú Bill Gates của công ty Microsoft. Tháng giêng vừa qua, Quĩ Bill và Melinda Gates do ông lập ra đã quyết định tài trợ 20 triệu đô la cho Viện Nghiên Cứu Lúa Gạo Quốc Tế để giúp cho khoảng 400,000 nông dân ở Nam Á và Phi Châu có được những giống lúa tốt hơn và học hỏi những kỹ thuật canh tác mới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG