Đường dẫn truy cập

Các chuyên gia cảnh báo nạn lạm phát ở TQ có thể gây rối loạn xã hội


Với chỉ số giá tiêu dùng ở Trung Quốc trong tháng giêng tăng lên tới mức cao nhất trong vòng 11 năm, các nhà phân tích cảnh báo rằng rối loạn xã hội có thể xảy ra nếu giá thực phẩm gia tăng thêm nữa. Họ cũng nói rằng nếu Trung Quốc quyết định giảm thiểu số lượng thực phẩm xuất khẩu, điều đó có thể khiến cho lạm phát và rối loạn lan sang những phần đất khác ở Á Châu Thái Bình Dương. Từ trung tâm tin tức Á Châu của đài VOA tại Hồng Kông, thông tín viên Naomi Martiq gởi về bài tường thuật sau đây.

Hầu hết các nhà kinh tế học dự báo rằng tỉ lệ lạm phát của Trung Quốc - vốn đã lên tới 7,1% trong tháng giêng, sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai. Đây là một vấn đề đặc biệt nhạy cảm đối với các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh, vì một bộ phận quan trọng của tình hình lạm phát tổng thể là giá thực phẩm trong năm vừa qua đã tăng hơn 18%. Giá thịt heo, một loại thịt phổ thông ở Trung Quốc, đã tăng hơn 58% so với năm ngoái.

Thời tiết khắc nghiệt ở miền Hoa Nam trong thời gian trước Tết Nguyên Đán, khiến cho giao thông bị tê liệt và gây hư hại cho mùa màng ở nhiều khu vực, cũng đã góp phần làm cho giá lương thực tăng vọt.

Các nhà kinh tế học cho rằng lạm phát của Trung Quốc chưa vượt khỏi tầm kiểm soát. Nhưng họ e rằng rối loạn xã hội có thể xảy ra nếu như giá cả tiếp tục leo thang.

Ông Mark Thirlwell là Giám đốc Chương trình Kinh tế Quốc tế của Viện Chính sách Quốc tế Lowy ở Sydney. Ông nói rằng giá thực phẩm là một vấn đề nhạy cảm ở các quốc gia đang phát triển vì thức ăn chiếm một phần rất lớn trong chi tiêu của người nghèo. Ông cho biết thêm rằng: tại Trung Quốc, số chi tiêu cho thực phẩm chiếm khoảng 1/3 tổng số chi tiêu của dân chúng nói chung; nhưng trong giới những người thu nhập thấp, tỉ lệ này lên tới 50%.

Ông Thirlwell nói: "Các nhà phân tích và các nhà quan sát nước ngoài thường nhắc tới những trường hợp đã xảy ra trước đây, khi giá thực phẩm tăng mạnh. Tôi nghĩ rằng trường hợp điển hình mà mọi người nói tới là năm 1988, và một số người cũng đề cập tới trường hợp của những năm giữa thập niên 1990. Đó là lúc mà nạn vật giá leo thang đã mang lại những hậu quả xã hội như biểu tình phản kháng và gây rối."

Tỉ lệ lạm phát ở Trung Quốc trong năm 1988 lên tới 19% và con số này trong năm 1994 là 24%.

Một số các nhà phân tích e rằng nạn lạm phát ở Trung Quốc có thể lan sang các nước láng giềng. Họ cho rằng nếu tình trạng này kéo dài, các nhà xuất khẩu thực phẩm Trung Quốc có thể tăng giá và khiến cho giá cả ở các nước khác trong khu vực tăng theo.

Giáo sư Thirlwell nói rằng còn có một mối rủi ro là Trung Quốc có thể giảm thiểu số lượng lương thực xuất khẩu và điều đó cũng mang lại những ảnh hưởng tương tự.

Ông Thirlwell nói tiếp: "Nếu quí vị ngăn không cho hàng hóa được bán ra nước ngoài thì điều đó hiển nhiên sẽ có tác động tiêu cực đối với các thị trường trên toàn cầu. Nếu quí vị bắt đầu giảm thiểu lượng cung ứng lương thực trên thị trường thì điều đó sẽ làm tăng áp lực lạm phát đối với các loại thực phẩm ở tất cả các nước khác."

Ông Thirlwell nói rằng giá lương thực leo thang cũng có thể đưa tới bất ổn xã hội ở các nước khác.

Trong những năm gần đây Trung Quốc đã trở thành một trong những nước xuất khẩu lương thực nhiều nhất thế giới. Trong năm 2006, lượng rau quả xuất khẩu của Trung Quốc chiếm đến 12% tổng số rau quả được mang ra mua bán trên thị trường thế giới.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG