Đường dẫn truy cập

Vụ ám sát bà Bhutto có thể tăng sức mạnh cho phe Hồi giáo cực đoan


Tang lễ của cựu Thủ Tướng Pakistan bà Benazir Bhutto đã cử hành hôm thứ sáu. Bà được chôn cất trong khu lăng tẩm của gia đình ở tỉnh Sindh thuộc miền Nam Pakistan. Thông Tín Viên Andre de Nesnera tiếp xúc với hai chuyên viên để tìm hiểu một số tác động vào Pakistan sau cái chết của bà Bhutto.

Bà Bhutto bị ám sát hôm thứ Năm trong lúc rời khỏi buổi mít tinh cổ võ bầu cử của đảng Nhân dân Pakistan tại thành phố Rawalpindi. Hôm thứ Sáu, chính quyền nước này nói rằng có dấu hiệu cho thấy bọn khủng bố al-Qaida là thủ phạm của vụ này.

Ông Karl Inderfurth, cựu Trợ lý Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ đặc trách khu vực Nam Á khi ông Clinton còn làm Tổng Thống, nói rằng các lực lượng cực đoan ở Pakistan đang ở hướng đi lên.

Ông Inderfurth nói: "Số vụ đánh bom tự sát đã xảy ra nhiều như vậy là một chuyện lạ trong lịch sử Pakistan. Số vụ đánh bom này xảy ra cùng lúc với những tin tức nói rằng phe al-Qaida trong các khu vực bộ tộc của Pakistan đang trỗi dậy, cùng lúc với phe Taliban. Chính Pakistan cũng đã trở thành một mục tiêu của Osama bin Laden. Hồi tháng 9, Osama bin Laden đã phát đi một băng ghi âm thu sẵn, kêu gọi nhân dân Pakistan nổi lên chống lại Tổng Thống Pervez Musharraf, chống lại chính phủ của ông này và những ai ủng hộ họ."

Bà Christine Fair, chuyên viên về Pakistan tại tổ chức nghiên cứu RAND Corporation, nói rằng vụ ám sát bà Bhutto chỉ làm tăng thêm sức mạnh cho các nhóm Hồi giáo cực đoan.

Bà Fair nói: "Hiện tượng tác yêu tác quái mà các nhóm Hồi giáo cưc đoan đã cho thấy, cả về mặt tấn công một cách nhanh chóng, lẫn cường độ của các vụ tấn công, và ngày càng có nhiều vụ đánh bom tự sát; đã chứng tỏ rằng họ không còn dựa vào các khu vực bộ tộc nữa. Họ đã hành động tung hoành trên khắp Pakistan mà không gặp một sự trừng trị nào. Rõ ràng là họ đã mạnh hơn và họ sẽ tiếp tục tấn công các mục tiêu quan trọng khác của chính quyền hoặc tấn công những người bị họ xem là trở ngại cho những chuyện họ định làm."

Bà Bhutto bị ám sát trong lúc vận động cho cuộc bầu cử ngày 8 tháng giêng. Cái chết của bà, theo lời ông Inderfurth, nhà cựu ngoại giao cao cấp của Mỹ, có tác động nghiêm trọng lên tương lại chính trị của Pakistan trong những ngày trước mắt.

Ông Inderfurth nói: "Các tác động này là Pakistan sẽ gặp tình hình rất khó lường trước, và rất nhiều rủi ro, giữa lúc đang chuyển từ một chính quyền quân sự do tướng Musharraf lãnh đạo sang một chính quyền dân sự; trong khi ông Musharraf vẫn còn lãnh đạo trong tư cách Tổng Thống dân sự, và ngày bầu cử đã được dự trù vào tháng giêng. Dĩ nhiên bây giờ nhiều người sẽ thắc mắc không biết bầu cử có thể tổ chức trong tình huống này được không? Có thể phải dời ngày bầu cử một thời gian để tình hình chính trị được tự điều chỉnh sau biến cố thảm khốc vừa xảy ra."

Trở lại với bà Christine Fair của tổ chức RAND Corporation. Bà này nói rằng Tổng Thống Musharraf đang đứng trước một tình huống rất khó khăn trong những ngày và những tuần lễ sắp tới.

Bà Fair nói: "Nếu ông Musharraf không thể làm chủ được tình hình chính trị, tôi cho rằng rồi đây chúng ta sẽ thấy có những áp lực ngày càng lớn; áp lực chẳng những đến từ các đoàn thể trong xã hội như ta đã từng thấy, mà còn từ chính quân đội. Trong tình huống như vậy, có lẽ là điều tốt hơn cho Pakistan nếu ông Musharraf ra đi. Và dĩ nhiên nếu điều đó xảy ra, tôi cho rằng tất cả những nơi vẫn giao tiếp với Pakistan sẽ rơi vào tình trạng cực kỳ giao động, bởi vì họ không có một kế hoạch tính trước. Họ không có kế hoạch để biết phải làm gì sau khi ông Musharraf ra đi. Họ không có kế hoạch hẳn hòi."

Nhiều chuyên viên tin rằng cái chết của bà Bhutto sẽ buộc nhiều quốc gia phải tái đánh giá chính sách đối với Pakistan và đối với Tổng Thống Musharraf.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG