Đường dẫn truy cập

Triển vọng của phong trào dân chủ ở Việt Nam trong năm 2008


Nhiều nhân vật tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền Việt Nam tin rằng phong trào dân chủ trong nước sẽ phát triển mạnh trong năm 2008, vì trong năm vừa qua có những dấu hiệu cho thấy dân chúng đã hăng hái hơn trong việc tham gia các hoạt động tranh đấu để đòi hỏi chính quyền Hà Nội tôn trọng các quyền lợi chính đáng của mình. Một số chi tiết về việc này sẽ do Duy Ái trình bày trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây, dựa theo các cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang ở Hà Nội, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế ở Sài Gòn, và Giáo sư Đoàn Viết Hoạt ở Virginia. Xin mời quí vị cùng theo dõi:

Năm 2007 có thể nói là một năm mà phong trào dân chủ Việt Nam bị thiệt hại khá nhiều về nhân lực vì những vụ trấn áp của chính quyền Cộng Sản ở Hà Nội. Ngoài những vụ bắt bớ, giam cầm ngắn hạn, và sách nhiễu những nhân vật tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền, bắt đầu từ những tuần lễ trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Apec ở Hà Nội hồi tháng 11 năm 2006, ba nhà hoạt động nổi tiếng, linh mục Nguyễn Văn Lý, luật sư Nguyễn Văn Đài và luật sư Lê Thị Công Nhân, đã bị tuyên án tù hồi đầu năm nay.

Sau đó, một số nhà hoạt động khác đã phải bỏ nước ra đi, phần lớn là tạm cư ở Kăm Pu Chia trong điều kiện sinh hoạt khá ngặt nghèo. Và hồi đầu tháng này, nhiều nhà hoạt động công đoàn thuộc Liên Minh Đoàn Kết Công Nông cũng bị tòa án ở tỉnh Đồng Nai tuyên án tù.

Mặc dù vậy, một số nhà hoạt động cho dân chủ ở quốc nội và ở hải ngoại đã tỏ ý lạc quan về triển vọng của phong trào dân chủ Việt Nam trong năm 2008. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang ở Hà Nội cho biết mặc dù bề nổi của tảng băng dân chủ có bị sứt mẻ, nhưng phần chìm của khối này đã trở nên mạnh mẽ hơn trước.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang nói thêm như sau: "Cái bề chìm đang phát triển rất mạnh mẽ. Những tiếng nói nói theo những tiền đề mà những chiến sĩ dân chủ đã nói trước thì bây giờ họ phát triển - họ nói tuy có thể có giọng điệu mềm mại hơn nhưng sâu sắc hơn, như tiến sĩ Nguyễn Quang A, giáo sư Hoàng Tụy, giáo sư Tương Lai, và kể cả những đại biểu quốc hội như là ông Dương Trung Quốc. Ảnh hưởng của những nhà đối kháng đã lan vào họ và họ dang trở thành những "á dân chủ". Chỉ có điều là trong hoàn cảnh, điều kiện của họ bị hạn chế cho nên họ chỉ ở trong một chừng mực nhất định. Nhưng tất cả những cái đó đang lớn lên và trở thành cái tinh thần dân chủ xã hội."

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang còn cho rằng tinh thần dân chủ này cũng đã lan tỏa và theo nguyên văn lời ông "nhuộm xanh được những cái đầu đỏ", kể cả những người trong Bộ Chính trị của đảng đương quyền ở Hà Nội. Nhà hoạt động dân chủ này cũng đánh giá cao sự liên đới giữa các nhà tranh đấu dân chủ với những nông dân khiếu kiện vì bị tịch thu đất đai.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang nói: "Bà con dân oan, từ việc nhỏ nhoi, tức là đòi cho riêng cho mảnh đất, khu vườn, thửa ruộng của mình, đã tiến tới để đấu tranh chống tham nhũng, tố cáo mất dân chủ, chính quyền vi phạm nhân quyền. Và họ sẵn sàng tham gia vào đội ngũ các nhà dân chủ, đứng lên bảo vệ các nhà đấu tranh dân chủ. Một hiện tượng rất đáng mừng là phiên tòa phúc thẩm hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, dân oan đã kéo đến rất đông."

Theo ông Nguyễn Thanh Giang, nếu giới lãnh đạo Hà Nội không nhanh chóng thực hiện những biện pháp cải cách dân chủ thật sự, thì hoạt động khiếu kiện của dân oan sẽ tiếp tục gia tăng và sẽ hội nhập với phong trào dân chủ để trở thành một cao trào đấu tranh trong năm 2008.

Trong khi đó, từ nơi đang bị giam lỏng ở Sài Gòn, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế cũng tỏ vẻ lạc quan về triển vọng dân chủ hóa Việt Nam trong năm mới. Ông cho biết rằng có một yếu tố rất thuận lợi là thần tượng Hồ Chí Minh của đảng Cộng Sản Việt Nam đã bắt đầu bị sụp đổ trong giới thanh niên vì họ nhận ra rằng chính phủ do ông Hồ lãnh đạo đã 'đem Hoàng Sa và Trường Sa dâng cho Trung Quốc'.

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế nói: "Bộ Chính trị Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn trương lên cái hình tượng Hồ Chí Minh để đoàn kết mọi người dân đi theo họ, mặc dù chủ nghĩa Cộng Sản đã lỗi thời và cáo chung trên toàn thế giới. Sự công bố công hàm, do Thủ tướng Phạm Văn Đồng của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam gởi cho Thủ tướng Chu Ân Lai của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Quốc, ngày 14 tháng 9 năm 1958 cho thấy Hồ Chí Minh là một người bán nước, không phải là một người anh hùng hoạt động để giải phóng dân tộc. Khi thần tượng đã sụp đổ thì người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ sẽ đi tìm hiểu và họ sẽ gặp ngay những giá trị phổ quát của nhân quyền và dân chủ, và họ sẽ nhanh chóng đến với phong trào dân chủ hóa Việt Nam."

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế cũng nhắc đến công cuộc giao thương ngày càng tăng của Việt Nam với thế giới Tây phương và cho rằng đây là một yếu tố tích cực cho việc đưa đất nước hội nhập vào đời sống dân chủ văn minh của thế giới ngày nay. Ông nói thêm rằng 'năm 2008 sẽ là một năm được mùa của dân chủ Việt Nam'.

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, cựu Phó Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, là một nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng và từng bị giam cầm nhiều năm ở Việt Nam sau năm 1975. Từ nơi tạm cư ở tiểu bang Virginia của Mỹ, giáo sư Đoàn Viết Hoạt cho biết ông tán đồng chủ trương nối kết nỗ lực chống ngoại xâm, tức đối phó với hiểm họa đến từ phương bắc, với những hoạt động 'chống nội xâm', nghĩa là dành lại quyền làm chủ đất nước. Ông cũng tỏ ý hy vọng rằng năm kỷ niệm thành Thăng Long được một nghìn tuổi sẽ là năm mà toàn dân Việt Nam đoàn kết để đưa đất nước tiến vào một giai đoạn phát triển tốt đẹp.

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt nói: "Tôi kêu gọi các phía, cả ở trong nước lẫn hải ngoại, nên tiếp tục tiến trình để mà đưa tới năm 2010 trở thành một năm quan trọng, một cái điểm nút, đưa dân tộc đất nước sang một giai đoạn mới. Đó là giai đoạn đoàn kết dân tộc thực sự, không phải dưới trướng của một đảng Cộng Sản hay dưới trướng bất cứ một đoàn thể chính trị hay một nhóm cá nhân nào mà là dưới quyền lợi chung của cả đất nước và dân tộc. Năm 2007 này, với những sự kiện từ đầu năm tới nay - đặc biệt là sự kiện Trường Sa Hoàng Sa vừa qua, và trước đó là sự kiện là ý đồ san bằng cái nhà cũ để xây tòa nhà quốc hội mới trên nền của thành Thăng Long cổ đã bị những người có ý thức phản đối mãnh liệt; tôi nghĩ rằng đấy là những sự kiện đang nung nấu, đẩy tới đỉnh cao là năm 2010. Và tôi kêu gọi chúng ta hãy lấy cái đích đó để nhắm tới và tạo một sự đoàn kết mới cho dân tộc trong thế kỷ 21 này."

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG