Đường dẫn truy cập

Có nên tiếp tục để Việt Nam nằm ngoài danh sách CPC hay không?


Tại một cuộc điều trần ở quốc hội Mỹ hôm thứ năm, các nhân chứng đã phản bác lập luận mà một giới chức chính phủ đã dùng để bênh vực cho việc đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo. Thông tín viên Dan Robinson của đài VOA từ Điện Capitol có thêm các chi tiết.

Hồi cuối năm 2006, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã có một hành động gây bất mãn cho một số các thành viên quốc hội và những tổ chức tranh đấu cho nhân quyền. Ðó là đưa tên Việt Nam ra khỏi danh sách CPC, tức danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo.

Vấn đề có nên tiếp tục để cho Việt Nam nằm ngoài CPC hay không là một vấn đề mà các giới chức hành pháp Mỹ sẽ phải quyết định và cũng là trọng tâm của cuộc điều trần ngày hôm qua ở quốc hội.

Đại sứ lưu động đặc trách tự do tôn giáo, ông John Hanford, đã đề cập tới tiến bộ đáng kể mà chính phủ Việt Nam đã đạt được trong việc giải tỏa những mối quan tâm về tự do tôn giáo. Ông nhắc tới sự kiện là một chính phủ chỉ bị ghi tên trong CPC khi nào họ thực hiện hoặc dung dưỡng những vụ vi phạm nghiêm trọng, có hệ thống, và đang tiếp diễn. Ông cho biết thêm rằng chính phủ ở Hà Nội đã có những sửa đổi về luật pháp để ngăn cấm những vụ vi phạm như cưỡng bách bỏ đạo và dành cho dân chúng những quyền hạn pháp lý rõ ràng về tự do tín ngưỡng và tự do hành đạo.

Đại sứ Hanford nói: "Những gì chúng tôi nhìn thấy đã xảy ra ở Việt Nam là một sự chuyển hướng lớn nhất mà chúng tôi từng chứng kiến về một chính phủ đương nhiệm đã thực hiện về tự do tôn giáo trong khoảng thời gian hai năm."

Ông Hanford cũng cho rằng tiến bộ mà Hà Nội đạt được một phần là phát xuất từ sự chủ động giao tiếp của chính phủ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nhận định của ông đã gặp sự phản bác của các nhân chứng khác.

Ông Leonard Leo, thuộc Ủy ban Tự do Tôn giáo Hoa Kỳ, nói rằng: những vấn đề nghiêm trọng và có hệ thống vẫn tiếp tục gây u ám cho bức tranh tự do tôn giáo ở Việt Nam. Theo ông Leo, vấn đề cốt lõi là những tổ chức của Phật giáo, như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và những giáo hội khác, vẫn bị chính quyền xem là một mối đe dọa cho quyền bính của mình.

Ông Leo nói: "Không có tự do tôn giáo nếu có khống chế. Điều mà Việt Nam đã làm là miễn cưỡng cho phép tự do thờ phượng nhưng lại xây một hàng rào lớn ở xung quanh để ngăn không tôn giáo phát triển và tìm cách làm thế nào để các tôn giáo hiện diện ở Việt Nam chỉ làm những việc mà chính phủ muốn họ làm."

Đại diện của Hội Ân xá Quốc tế, ông T. Kumar, cho biết rằng chính phủ Việt Nam tiếp tục lợi dụng luật hình sự để sách nhiễu những tín đồ của các tôn giáo, đặc biệt là những người thuộc các sắc dân thiểu số.

Ông Kumar nói: "Tuy họ đã có những luật lệ như thế nhưng chúng tôi vẫn nhận được những báo cáo cho thấy rằng nạn cưỡng bách bỏ đạo vẫn tiếp diễn. Tại các khu vực của người Thượng, dân chúng vẫn còn gặp cảnh bị bắt bớ, bị câu lưu ngắn hạn, bị sách nhiễu và những vấn đề khác, và người dân vẫn tiếp tục bỏ trốn sang Kăm Pu Chia."

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển, cũng cho biết rằng thái độ của chính phủ Việt Nam về vấn đề tự do tôn giáo không có thay đổi gì nhiều.

Tiến sĩ Thắng nói: "Trước khi được đưa ra khỏi CPC, Việt Nam đã đóng cửa hơn 4,000 nhà thờ Tin Lành, phần lớn là ở vùng cao nguyên trung phần và cao nguyên bắc phần. Từ khi pháp lệnh tôn giáo được ban hành cho đến nay chỉ có khoảng hai mươi mấy tổ chức tôn giáo hoặc giáo hội được hưởng lợi từ pháp lệnh đó. Trước khi Việt Nam được đưa ra khỏi CPC, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã bị cấm hoạt động và bây giờ họ vẫn tiếp tục bị cấm hoạt động. Toàn bộ hàng giáo phẩm của giáo hội này đã bị giam lỏng tại tu viện và bây giờ họ vẫn tiếp tục bị giam lỏng tại tu viện. Không có gì thay đổi cả. Và về giáo hội Công giáo thì trước đó Linh mục Nguyễn Văn Lý đã ở tù và bây giờ vị linh mục này cũng đang ở tù."

Người chủ tọa cuộc điều trần này là Dân biểu Loretta Sanchez, thuộc đảng Dân chủ. Bà đã nêu lên trường hợp của Linh mục Nguyễn Văn Lý và việc hai người Mỹ gốc Việt tranh đấu cho dân chủ bị giới hữu trách Việt Nam bắt giữ hồi gần đây.

Bà Sanchez nói thêm: "Tôi muốn chính phủ Việt Nam biết rằng chúng tôi sẽ tiếp tục tranh đấu để mưu tìm tự do cho các công dân của chúng tôi cũng như cho những nhân vật bất đồng chính kiến khác đang bị giam cầm ở Việt Nam."

Dân biểu Sanchez bày tỏ hy vọng là Thượng viện Mỹ sẽ nhanh chóng cứu xét Dự luật Nhân quyền Việt Nam mà Hạ viện đã thông qua hồi tháng 9. Dự luật này có một điều khoản cấm chính phủ Mỹ không được gia tăng các khoản viện trợ không thuộc diện nhân đạo cho Việt Nam trên mức của năm 2007 nếu chính quyền Hà Nội không có tiến bộ đáng kể trong việc phóng thích các tù nhân chính trị và tôn giáo và củng cố quyền tự do tôn giáo của người dân.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG