Đường dẫn truy cập

Mỹ vẫn muốn Pakistan chấm dứt ngay tình trạng khẩn cấp


Tổng Thống Bush cho biết chính quyền của ông đang tiếp tục gia tăng áp lực đòi chính phủ Pakistan phải sớm chấm dứt tình trạng khẩn cấp, mặc dù Tổng Thống Pervez Musharraf đã từ chối làm theo đề nghị này của Hoa Kỳ khi tiếp Phó Bộ Trưởng Ngoại Giao John Negroponte hôm thứ bảy vừa qua. Sáng hôm qua, thứ hai, ông Negroponte đã báo cáo với Tổng Thống Bush về chuyến công tác của ông đến Pakistan. Từ trụ sở Bộ Ngoại Giao, thông tín viên David Gollust của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ có bài tường trình sau đây.

Các quan chức Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói rằng Pakistan sẽ rất khó có thể tổ chức được các cuộc bầu cử khả tín vào tháng giêng tới đây trong tình trạng sắc lệnh tình trạng khẩn cấp vẫn được áp dụng như hiện nay. Tuy nhiên các quan chức Hoa Kỳ cho biết họ chưa từ bỏ hy vọng là Pakistan sẽgiải tỏa tình trạng khẩn cấp mặc dù Tổng Thống Musharraf đã thẳng thừng bác bỏ đề nghị này của Phó Ngoại Trưởng Negroponte.

Ông Negroponte, cựu giám đốc tình báo quốc gia Hoa Kỳ, đã rời Islamabad để về lại Washington không lâu sau sau cuộc họp kéo dài hai giờ đồng hồ với nhà lãnh đạo Pakistan hôm thứ bảy. Nhà ngoại giao Hoa Kỳ cho biết tại cuộc họp ông đã chuyển đến ông Musharraf một thông điệp rất mạnh mẽ, đó là Pakistan cần phải quay trở lại với nguyên tắc dân chủ.

Phó Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ đã báo cáo tình hình chuyến công tác của ông cho Bộ Trưởng Ngoại Giao Condoleezza Rice và các quan chức cấp cao trong Bộ Ngoại Giao. Sau đó ông đã sang Tòa Bạch Ốc để trình bày với Tổng Thống Bush, và cuộc họp này đã nêu bật tính cách quan trọng của cuộc đối thoại giữa ông và nhà lãnh đạo Pakistan.

Tổng Thống Musharraf đã tái xác nhận dự định sẽ từ bỏ chức tổng tư lệnh quân đội khi ông chính thức bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống mới kéo dài 5 năm, một khi mà Tòa Án Tối Cao công nhận việc thắng cử của ông trong cuộc đầu phiếu bầu hồi tháng mười vừa qua. Đồng thời, người ta cũng tin rằng ông Musharraf đã nói với ông Negroponte rằng cuộc bầu cử quốc hội mà ông cam kết sẽ tổ chức vào tháng giêng tới đây là một cuộc đầu phiếu công bằng, cho dù những hạn chế do tình trạng khẩn cấp đặt ra vẫn tiếp tục được thực hiện.

Các quan chức của cả Tòa Bạch Ốc lẫn Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đều bác bỏ những gợi ý cho rằng chuyến đi Pakistan của ông Negroponte đã thất bại. Ngược lại họ hoan nghênh lời hứa của ông Musharraf sẽ từ bỏ chức Tổng tư lệnh quân đội. Các quan chức Hoa Kỳ giải thích rằng dư luận không nên trông dợi phải phải có ngay kết quả trong những hoạt động ngoại giao như thế.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Sean McCormack, nói rằng Phó Ngoại Trưởng Negroponte đã giúp ý kiến và cố vấn cho Islamabad với tư cách là một người bạn của Pakistan, và Hoa Kỳ Hoa Kỳ tin rằng Pakistan sẽ không có được một cuộc bầu cử đúng nghĩa nếu tình trạng khẩn cấp không được giải tỏa, nếu các chính trị gia đối lập đang bị giam giữ không được trả tự do, và quyền tự do báo chí không được khôi phục.

Phát ngôn viên McCormack nói: "Chúng tôi sẽ thúc hối ông Musharraf sớm hủy bỏ tình trạng khẩn cấp ngay lập tức. Chúng tôi cho rằng điều phục vụ cho lợi ích của ông Musharraf, và của nhân dân Pakistan. Chúng tôi nghĩ rằng sẽ vô cùng khó khăn, rất khó khăn để tổ chức được các cuộc bầu cử tự do, công bằng và minh bạch như nhân dân Pakistan mong muốn, và xứng đáng được hưởng để bầu ra một quốc hội mới, và loại bầu cử mà họ cần phải có để có thể tin tưởng rằng đất nước của họ vẫn tiếp tục đi theo con đường dân chủ, nếu tình trạng khẩn cấp không được rút lại."

Ông McCormack nói rằng Hoa Kỳ cố tránh việc ra lệnh cho chính phủ Pakistan phải cai trị đất nước họ như tế nào. Tuy nhiên ông cũng nói rằng các quan chức chính phủ Hoa Kỳ tin rằng việc tiếp tục công cuộc cải cách dân chủ và kinh tế, trong đó có cả những kế hoạch mà ông Musharraf đề ra trước khi có tình trạng khẩn cấp, sẽ đặt Pakistan vào một vị thế tốt hơn để có thể đối phó với chủ nghĩa quá khích chính trị tại Pakistan và trong khu vực.

Chính quyền của Tổng Thống Bush đang tiếp tục xem xét lại các khoản viện trợ của Hoa Kỳ dành cho Pakistan, phần lớn là các khoản trợ giúp về an ninh trị giá trung bình khoảng một tỉ đôla mỗi năm kế từ năm 2001.

Các quan chức chính phủ Hoa Kỳ nói rằng việc cắt viện trợ cho công tác chống khủng bố sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của Hoa Kỳ, nhưng họ không loại trừ khả năng giảm bớt viện trợ nếu tình trạng khẩn cấp vẫn tiếp tục tại Pakistan.

Phát ngôn viên McCormack nói rằng bất cứ một quyết định nào liên quan đến vấn đề này cũng phải cần nhiều tuần lễ nữa mới có được.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG