Đường dẫn truy cập

Ðặc sứ nhân quyền LHQ thăm nhà tù và tu viện Miến Ðiện


Đặc sứ nhân quyền Liên Hiệp Quốc Paulo Sergio Pinheiro đã bắt đầu chuyến công tác 5 ngày ở Miến Điện với các chuyến viếng thăm một tu viện Phật giáo và một nhà tù ở Rangoon. Các nhà phân tích cho rằng vị đặc sứ Liên Hiệp Quốc khó lòng biết được một cách đích xác là có bao nhiêu người đã bị sát hại hoặc bị giam cầm trong vụ đàn áp hồi gần đây. Mời quí vị theo dõi thêm các chi tiết dựa theo tường thuật do thông tín viên Ron Corben của đài VOA gởi về từ Bangkok.

Hôm nay, Đặc sứ Pinheiro đã đến thăm nhà tù Insein gần thành phố Rangoon trong hơn 2 giờ đồng hồ. Đây là nhà tù khét tiếng ở Miến Điện chuyên giam giữ các tù nhân chính trị và theo các tổ chức nhân quyền thì những tù nhân ở đây thường xuyên bị giới hữu trách ngược đãi.

Trước đó, ông Pinheiro đã đến thăm các tu viện Phật giáo từng nắm vai trò lãnh đạo trong các cuộc biểu tình hồi tháng 8 và tháng 9 để đòi chính quyền quân nhân thực thi cải cách kinh tế và chính trị.

Quân đội Miến Điện nói rằng ít nhất 10 người thiệt mạng trong vụ trấn áp các cuộc biểu tình, nhưng các tổ chức nhân quyền và những nhà ngoại giao nước ngoài ở Miến Điện nói rằng số người chết cao hơn rất nhiều.

Ông Gary Rodan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á của Đại học Murdoch ở Australia, cho rằng không có nhiều hy vọng là ông Pinheiro sẽ có thể xác nhận những sự kiện đã xảy ra ở Miến Điện.

Ông Rodan nói: "Đây sẽ là một việc hết sức khó khăn. Chỉ riêng việc thu thập thông tin cũng đã khó vì hầu hết các nguồn tin đều bị kiểm soát chặt chẽ và dân chúng thì lại sợ hãi. Tuy nhiên, rõ ràng là có nhiều hy vọng về việc sẽ có được một số kết quả để cho thấy một cách khái quát về tầm mức và tính chất của những sự việc đã xảy ra."

Tuần trước, Hội Ân xá Quốc tế bày tỏ quan tâm về điều mà họ gọi là những vụ vi phạm nhân quyền trầm trọng đang tiếp diễn sau vụ trấn áp hồi đầu tháng 10. Những vụ này gồm có giam giữ trái phép, đánh đập và tra tấn, và bắt người đưa đi biệt tích.

Chuyến đi Miến Điện của ông Pinheiro là chuyến viếng thăm đầu tiên mà ông thực hiện kể từ tháng 11 năm 2003. Trước đó trong năm 2003 ông đã hủy bỏ chuyến công tác ở Miến Điện sau khi khám phá rằng căn phòng mà ông gặp gỡ các tù nhân chính trị có cài đặt những thiết bị nghe lén.

Tuần trước, đặc sứ Liên Hiệp Quốc về vấn đề Miến Điện, ông Ibrahim Gambari, cho biết chuyến viếng thăm của ông tới Miến Điện đã có tiến bộ. Lãnh tụ đối lập đang bị giam là bà Aung San Suu Kyi đã được phép gặp gỡ các đảng viên trong đảng của bà lần đầu tiên trong hơn 3 năm. Sau đó, bà Suu Kyi cho biết là bà sẵn sàng hợp tác với chính quyền quân nhân trong cuộc đối thoại về vấn đề cải cách.

Một số các nhà phân tích tỏ ý hoài nghi về ý định của tập đoàn tướng lãnh Miến Điện trong lúc áp lực quốc tế ngày càng tăng đòi họ tiến hành cuộc đối thoại với phe đối lập.

Tuy nhiên, giáo sư Rodan tin rằng các tướng lãnh phải thương thuyết để có thể sống còn. Ông giải thích như sau:

"Chế độ này mất lòng dân và bạo ngược đến độ họ phải chật vật để tranh thủ tính chất hợp pháp mặc dù họ vẫn nắm giữ quyền hành trong tay. Họ đã làm tiêu tan mọi sự ủng hộ của người dân - đến độ dân chúng sẵn sàng gánh chịu những mối nguy to lớn để đứng lên chống đối trong lúc biết rõ là họ có thể bị đánh đập, bị tra tấn, hoặc bị hành hình. Tuy có rủi ro như vậy nhưng những cuộc phản kháng vẫn tiếp diễn.

Chính quyền quân nhân Miến Điện có nói rằng họ đang chuẩn bị để tổ chức tổng tuyển cử dựa theo một kế hoạch cải tổ hiến pháp và cải cách bầu cử. Tuy nhiên, thời biểu tổ chức bầu cử vẫn chưa được ấn định.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG