Đường dẫn truy cập

Tu sĩ Phật giáo xuống đường biểu tình trở lại ở Miến Ðiện


Hơn 100 tăng ni Phật giáo đã đi biểu tình ở miền bắc Miến Ðiện lần đầu tiên kể từ khi chính phủ quân nhân Miến Ðiện dùng sức mạnh quân đội để đàn áp những cuộc biểu tình đòi dân chủ hồi tháng rồi. Cuộc biểu tình diễn ra vào lúc một tổ chức nhân quyền nói rằng chính phủ quân nhân Miến Ðiện vẫn tiếp tục tuyển mộ trẻ em vào quân đội, có những em chỉ mới 10 tuổi. Từ Văn phòng Tin tức Châu Á, phái viên Heda Bayron ghi nhận thêm chi tiết trong bài tường thuật sau đây:

Những người mục kích nói rằng cuộc biểu tình diễn ra tại Pakokku nằm về phía Tây Bắc của thành phố Rangoon mang tính cách ôn hòa, và các nhà sư đã không đưa ra một phát biểu chính trị nào. Những người chứng kiến cho biết các nhà sư đã đọc kinh nhiều phút rồi trở lại tu viện của họ.

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên các tăng sĩ đã xuất hiện đông đảo trên các đường phố ở Miến Điện kể từ khi các cuộc biểu tình đòi dân chủ hồi tháng trước bị đàn áp một cách tàn bạo khiến ít nhất 10 người thiệt mạng. Tin cho hay hàng trăm tăng sĩ đã bị bắt trong cuộc đàn áp đó, nhiều người bị đánh đập, và theo các nhân chứng, một số người đã bị giết. Đó là cuộc biểu tình chống lại việc tăng giá xăng dầu của các tăng sĩ cũng tại thành phố Pakkoku hồi đầu tháng 9, và đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình trên khắp nước.

Các cuộc biểu tình này mau chóng mang mầu sắc chính trị, với những người biểu tình kêu gọi đòi dân chủ, và các tăng sĩ dẫn đầu các cuộc tuần hành đó.Kể từ khi xảy ra vụ đàn áp, quốc tế đã gia tăng áp lực đòi chính phủ quân nhân Miến Điện từ bỏ việc đàn áp và thực thị các cải cách chính trị dưới mọi hình thức.

Hôm qua, tổ chức Human Rights Watch có trụ sở ở New York kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc áp đặc các biện pháp chế tài Miến Điện vì đã dùng sức mạnh ép buộc trẻ em vào lính.Bà Jo Becker, một người ủng hộ quyền lợi của thiếu nhi thuộc tổ chức Human Rights Watch cho biết quân đội đã tuyển mộ lính trẻ em, có em chỉ mới có 10 tuổi.

Bà Becker nói: “Dựa vào những thành tích ghê tởm mà chúng tôi thấy ở Miến Ðiện, chúng tôi tin rằng những biện pháp trừng phạt rõ ràng là cần thiết trong trường hợp này.”

Đặc sứ của Liên Hiệp Quốc, ông Ibrahim Gambari dự trù trở lại thăm Miến Điện vào thứ bẩy tới đây.Ông Gambari đang tìm cách thuyết phục chính quyền quân nhân đạt được một thỏa thuận với phe đối lập tranh đấu cho dân chủ.Tuần trước, ông Gambari đã đến các nước láng giềng của Miến Điện, trong đó có Ấn Độ và Trung Quốc, và kêu gọi các nước này vận dụng ảnh hưởng của mình để giúp đem lại thay đổi.

Hôm nay, ngoại trưởng Pháp, ông Bernard Koucher cũng nêu lên vấn đề này với các giới chức của Trung Quốc, một liên minh chính của Miến Điện.Quân đội đã cai trị Miến Điện từ năm 1962.

Phúc trình của tổ chức Human Rights Watch gợi ý rằng quân đội đã mất đi sức thu hút, nhiều quân nhân đã đào ngũ vì lương thấp. Tổ chức này nói rằng sự mất mát quân số đã khiến quân đội phải mộ trẻ em làm lính, các em thường bị đánh đập và không được huấn luyện bao nhiêu trước khi bị gửi đi để chiến đấu với các nhóm sắc tộc nổi dậy tại Miến Điện.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG