Đường dẫn truy cập

Sự mất cân bằng giới tính ở Việt Nam


Khách đến thăm các trường tiểu học ở Việt Nam thường cảm thấy không dễ chịu mấy khi nhìn những căn phòng chật cứng những cậu bé. Tại một trường tiểu học tiêu biểu của Hà Nội, cô giáo Nguyễn Thị Thủy nhắc đến một sự thay đổi đáng kể trong vòng 5 năm vừa qua.

“Năm nay lớp của tôi có 25 cháu,” cô Thủy cho biết, “17 là con trai và 8 là con gái. Khi những cậu bé này lớn lên, nhiều em sẽ không thể tìm được một người vợ cho mình.”

Mong muốn có con trai đã làm lệch tỉ lệ trẻ sơ sinh ở Châu Á, đặc biệt ở Trung Quốc và Ấn Độ, tuy nhiên, sự xuất hiện đột ngột điều này ở Việt Nam và mức độ mất cân bằng của nó đã làm các chuyên gia sửng sốt.

Cách đây 10 năm, tỉ lệ giới tính ở Việt Nam ngang bằng với mức độ trung bình chấp nhận được của thế giới là cứ 100 bé gái thì có 104 bé trai. Nhưng trong vài năm trở lại đây, nhờ thu nhập tăng lên, cùng với việc đến bệnh viện để siêu âm giới tính thai nhi và bỏ thai dễ dàng hơn, số lượng các bé trai đã tăng lên đáng kể so với bé gái. Số lượng bé trai ở nhiều vùng tại Việt Nam đã vượt số lượng bé gái đến 20%.

Liên Hiệp Quốc đã cho ra một bản thông cáo khen ngợi những nỗ lực điều chỉnh dân số ở Việt Nam, tuy nhiên bản thông cáo này cũng thừa nhận những ảnh hưởng to lớn của chương trình đang được áp dụng tại Việt Nam. Chương trình kế hoạch hóa gia đình đã dẫn đến kết qủa một số lượng lớn thai bị phá bỏ và tạo ra tình trạng mất cân bằng và đưa đến vô số những vấn đề khác.

Bản thông cáo mới của Quỹ dân số LHQ (UNFPA) đã khen ngợi Việt Nam trong việc giảm tỉ lệ trẻ sơ sinh xuống còn 2.09 bé/ một bà mẹ. Tuy nhiên, văn phòng ủng hộ phá thai đã cảnh báo tỉ lệ giới tính đang bị lệch ở Việt Nam giống như ở Ấn Độ và Trung Quốc.

Những bản điều tra gần đây của Viện Khoa học Trẻ em, Gia đình và Dân số cho thấy tỉ lệ gái – trai đã mất cân xứng đến mức có nơi cứ 100 bé gái có 135 bé trai. Tháng trước, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Bá Thủy cho biết, trong qúy đầu năm nay, có 337,600 bé ra đời thì có 183,600 là bé trai và 154,000 là bé gái. Tỉ lệ giới tính của cả nước là cứ 100 bé gái có 118 bé trai.

Sự mất cân đối này có thể tệ hơn nữa vì năm nay là năm lợn vàng khiến mọi người mong có con trai để đem lại điều tốt lành cho gia đình. Việt Nam có chính sách một gia đình có 2 con. Nhiều cặp vợ chồng cố gắng có con trai đầu lòng, và sau đó không quan tâm bé thứ 2 là trai hay gái.

Chị Nga, giảng viên trường Đại học KHTN TPHCM, chuẩn bị sinh em bé, cũng bộc bạch mong muốn này.Chị Nga nói: “Thực sự là mình cũng mong muốn có bé trai trước, rồi bé gái sau. Mình cũng nghĩ là bé gái giống như chị hai sẽ cực một chút, vậy cũng tội bé. Thế nên mình cũng muốn là có bé trai trước, bé gái sau. Còn nếu không thì cũng không sao.”

Rất dễ thấy ở Việt Nam các cặp vợ chồng có 2 con trai, hoặc 1 trai 1 gái, trong khi rất hiếm thấy những cặp vợ chồng có 2 con gái. Năm nay, theo dự đoán, tỉ lệ giới tính quốc gia có thể lên đến cứ 100 bé gái có 120 bé trai.

Các chuyên gia đã bắt đầu lo ngại khi tỉ lệ giới tính gái – trai ở mức 100 : 106, tuy nhiên khi đạt đến mức 100 : 110, thì chuông báo động đã reo lên vì những tác hại tiềm ẩn về lâu dài.

Ông Ian Howie, đại diện của Quỹ dân số LHQ tại Việt Nam, cho biết: “Sự mất cân bằng giới tính sẽ làm tăng lên tình trạng buôn người và khai thác tình dục. Điều này đe dọa sự phát triển kinh tế và làm tăng sự mất ổn định xã hội như số lượng đàn ông tìm vợ tăng lên.”

Ông nói tỉ lệ giới tính mất cân bằng xuất hiện khi các gia đình thích có con trai, việc xác định giới tính của thai nhi khá dễ dàng và dịch vụ phá thai thì sẵn có. Tất cả những yếu tố trên đều có ở Việt Nam, nơi hầu hết những phụ nữ mang thai đều đi siêu âm và biết được giới tính của con trước khi sinh.

Chính phủ, được cảnh báo bởi tình trạng mất cân bằng đang gia tăng, đã liên tục cảnh báo các bác sĩ rằng siêu âm chỉ để xác định giới tính thai nhi là phạm pháp. Tuy nhiên, đồng tiền vẫn có sức mạnh của nó, hầu hết các bác sĩ được trả lương không đủ đều thực hiện dịch vụ này có thu phí. Và kết qủa là những phụ nữ Việt Nam khi phát hiện ra mình đang mang thai một bé gái không mong muốn thường ngay lập tức sẽ đi phá thai.

Ông Howie nói: “Dịch vụ phá thai an toàn đều có ở các bệnh viện công và tư.” Một lần phá thai tại chỗ trong bệnh viện công là $10 và bệnh viện tư là $20.

Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ nạo phá thai cao nhất trên thế giới – cao hơn Trung Quốc 1/3 lần. Trung bình, mỗi phụ nữ ở Việt Nam nạo phá thai 2.5 lần trong đời.

Bác sĩ Lê Thị Phương Lan, phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản và Phụ khoa của Bệnh viện Trung ương, đã lưu ý đến những rắc rối liên quan đến vấn đề vô sinh. Bà nhắc đến trường hợp của chị Thu Trang, một phụ nữ được chẩn đoán là tắc vòi trứng, khiến chị không thể có con.

Chị Trang đã sử dụng biện pháp đặt vòng để tránh thai và bác sĩ Lan nói với Viet Nam News rằng những biện pháp như thế đã gây ra vấn đề. Bà cho biết, số liệu của chính phủ chỉ ra rằng ảnh hưởng từ những dụng cụ này chiếm 40% các ca vô sinh trong năm ngoái và 56% trong năm nay.

Tuy nhiên bác sĩ Lan cũng cho biết những vấn đề tương tự cũng xảy ra sau khi nạo phá thai. Bà nói một bản thăm dó do bệnh viện Từ Dũ ở thành phố HCM tiến hành cho thấy những phụ nữ nạo phá thai sẽ phải chịu tỉ lệ vô sinh cao hơn 5.2% so với những phụ nữ khác. Số lượng những phụ nữ bị tắc hay có vấn đề về vòi trứng sau khi phá thai chiếm 40 – 60% các ca vô sinh.

Giáo sư Nguyễn Đình Cư, trưởng Viện Điều tra Dân số và Các vấn đề xã hội, cho biết, 1.35 triệu ca nạo phá thai hàng năm ở Việt Nam bằng với số trẻ em được sinh ra. Và số lượng thai nhi có giới tính nữ bị phá tăng nhiều so với nam.

Bác sĩ Lê Bạch Dương, giám đốc Viện nghiên cứu sự phát triển xã hội ở Hà Nội, cho biết: “Người Việt Nam vẫn nghĩ họ cần một người con trai để nối dõi tông đường và chăm sóc cha mẹ khi về già, vì thế họ cố gắng để có một đứa con trai.”

Dĩ nhiên, lý do cho vấn đề này không khó để hiểu: Như nhiều quốc gia Châu Á khác, Việt Nam là một xã hội trọng nam khinh nữ. Chị Khanh, nhân viên công ty Luật Chu Khanh TPHCM, kể lại trường hợp một người bạn:

“Thí dụ như mình có người bạn ở dưới quê ha. Bố mẹ bạn đó quê ở ngoài miền Trung. Chồng của người bạn đó là người con cả trong gia đình. Cho nên khi người bạn của mình mang thai, mong muốn họ đặt nhiều vào đứa cháu đó và họ mong đứa cháu đầu lòng đó phải là con trai. Khi sinh bé ra là bé trai, đáp ứng được mong muốn của bố mẹ bên chồng thì cuộc sống cũng dễ chịu hơn.”

Thông điệp ở đây đã rõ ràng: Nếu bạn là một phụ nữ ở Việt Nam, đừng trông đợi sẽ tiến xa. Những rào cản là không thể vượt qua. Tuy nhiên, nhìn theo hướng ngược lại, sự mất cân bằng giới này có thể giúp phụ nữ đạt được sự bình đẳng.

Bà Hồ Thị Thanh, một giảng viên tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, nói: “Hiện nay, phụ nữ ở Việt Nam bị đối xử như những công dân hạng hai. Nhưng nếu tỉ lệ phụ nữ ít đi, chúng tôi sẽ được đánh gia cao hơn và chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội để phát triển hơn.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG