Đường dẫn truy cập

Quân đội Mỹ sẽ ở lại Nam Triều Tiên sau hiệp ước hòa bình với miền Bắc


Các giới chức cao cấp của chính phủ Nam Triều Tiên cho biết các lực lượng Mỹ có phần chắc sẽ tiếp tục trú đóng ở nước họ cho dù Nam và Bắc Triều Tiên có thể sẽ ký kết một hòa ước để chính thức chấm dứt cuộc chiến Triều Tiên. Hòa ước này cùng với việc hủy bỏ các loại vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng là những mục tiêu chính của cuộc đàm phán 6 bên đang tiếp diễn ở Đông Bắc Á. Mời quí thính giả nghe Thanh Trang trình bày thêm chi tiết dựa theo tường thuật do thông tín viên Kurt Achin của đài VOA gởi về từ Hán Thành.

Hoa Kỳ hiện có khoảng 28,000 binh sĩ trú đóng ở Nam Triều Tiên và từ trước tới nay Bắc Triều Tiên lúc nào cũng phản đối sự hiện diện quân sự của Mỹ ở bán đảo Triều Tiên và không ngớt đòi hỏi Washington chấm dứt sự hiện diện này.

Tuy nhiên, ngày hôm nay ngoại trưởng Song Min Soon của Nam Triều Tiên phát biểu tại một cuộc hội thảo an ninh ở Hán Thành rằng: cho dù hai miền Nam Bắc có ký kết một hòa ước chính thức đi nữa thì điều đó không có nghĩa là Hoa Kỳ phải rút quân.

Theo lời ngoại trưởng Song, quân đội Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện trên bán đảo Triều Tiên sau khi thiết lập một cơ chế hòa bình. Ông nói thêm rằng các lực lượng Mỹ sẽ đóng một vai trò thích hợp với điều mà ông gọi là một tình huống mới về an ninh ở Đông Bắc Á.

Hoa Kỳ đã lãnh đạo một lực lượng đa quốc để đẩy lui cuộc tấn công của Bắc Triều Tiên sau khi quân đội Cộng Sản miền Bắc xâm lấn miền Nam vào năm 1950. Cuộc giao tranh đã kết thúc năm 1953 với một hiệp định ngưng bắn nhưng chưa có hòa ước nào được ký kết.

Kể từ đó, các lực lượng Mỹ đã được triển khai ở Nam Triều Tiên để giúp chấp hành các qui định của hiệp định đình chiến và ngăn không cho Bắc Triều Tiên thực hiện một cuộc xâm lấn khác nữa.

Quan hệ giữa Nam và Bắc Triều Tiên đã được cải thiện đáng kể sau khi đôi bên tổ chức cuộc hộïi nghị thượng đỉnh lịch sử vào năm 2000. Trong cuộc hộïi nghị thượng đỉnh kế tiếp diễn ra vào đầu tháng này, lãnh tụ Kim Jong Il của Bắc Triều Tiên và Tổng thống Roh Moo Hyun của Nam Triều Tiên đã đồng ý với nhau là đôi bên sẽ cố gắng để ký kết một hòa ước.

Tuy nhiên, việc Bắc Triều Tiên theo đuổi các chương trình vũ khí hạt nhân là một trở ngại chính cho cuộc đàm phán về hòa ước. Tháng 10 năm ngoái, Bình Nhưỡng đã tiến hành cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên và tuyên bố rằng họ đang có trong tay nhiều quả bom hạt nhân.

Mặc dù vậy, Bắc Triều Tiên đã thực hiện một số bước tiến để chấm dứt các tham vọng hạt nhân. Trong vòng đàm phán 6 bên ở Bắc kinh hồi tháng trước, Bình Nhưỡng đã hứa với Trung quốc, Nga, Hoa Kỳ, Nhật bản và Nam Triều Tiên là họ sẽ khai báo đầy đủ các chương trình hạt nhân và sẽ tháo dỡ các chương trình đó trước cuối năm 2007.

Ngoại trưởng Song Min Soon của Nam Triều Tiên hôm nay tái khẳng định rằng những nỗ lực để ký kết hòa ước có liên hệ chặt chẽ với việc Bắc Triều Tiên hủy bỏ các chương trình hạt nhân.

Ông Song nói đại ý rằng Hán Thành đang chuẩn bị để mở cuộc thương thuyết về một cơ chế hòa bình khi nào có những dấu hiệu rõ ràng về tiến bộ trong quá trình vô hiệu hoá các cơ sở hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Nhiều học giả và quan chức chính phủ ở Nam Triều Tiên ủng hộ cho mô thức hòa bình được gọi là 'hai cộng hai', theo đó Nam và Bắc Triều Tiên sẽ đưa một tuyên bố hòa bình chính thức với sự hậu thuẫn của Trung quốc và Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc - là nước đồng minh của Bắc Triều Tiên, và chính phủ Hoa Kỳ - đồng minh của Nam Triều Tiên, đều đã loại bỏ khả năng ký kết hòa ước trước khi các vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên được dẹp bỏ.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG