Đường dẫn truy cập

Bảo tồn di sản văn hóa trong tiến trình phát triển kinh tế của Việt Nam


Khi Việt Nam tiến nhanh vào thế kỷ 21 với nền kinh tế tăng trưởng vượt bực thì nhu cầu phát triển để đáp ứng với đà tăng trưởng đó có thể sẽ gây thiệt hại cho những di sản đã có từ hàng ngàn năm qua tại thủ đô của Việt Nam. Đó là nhận định của một số chuyên gia bảo tồn di sản về những đe dọa của việc phát triển đô thị đối với thành phố Hà Nội, nơi mà lâu nay vẫn được xem là một trong những thành phố có nhiều nét độc đáo tại Châu Á.

Đối với nhiều người Việt Nam xa quê hương lâu ngày trở về thăm Hà Nội thì dù Hà Nội đã có nhiều thay đổi nhưng thành phố này vẫn còn rải rác những ngôi nhà cổ kính, những quán cà phê ấm cúng, những đền chùa lăng miếu lặng lẽ soi bóng trên những hồ nước yên tĩnh, và những biệt thự từ thời kỳ thuộc địa Pháp dọc theo các đại lộ với những hàng cây xanh rợp bóng.

Tuy nhiên, nhiều người lo sợ rằng cái duyên dáng của thành phố này sẽ nhanh chóng biến mất khi mà những chiếc cần cẩu xây cất cứ vươn lên trong thành phố, các xe ủi đất cứ phá sập những căn nhà cổ kính, và tiếng ồn ào của hàng chục ngàn chiếc xe gắn máy đã làm xáo trộn cái đời sống có nhiều nét độc đáo trên đường phố Hà Nội.

Khi thủ đô Việt Nam sắp bước vào ngày kỷ niệm 1000 năm thành lập vào năm 2010, các chuyên gia về di sản cảnh báo rằng các giới chức của Hà Nội phải có những quyết định dứt khoát nếu không muốn để cho thành phố này đi vào vết xe của các nước khác ở Châu Á khi công cuộc phát triển đã biến những thành phố của họ trở thành ác mộng.

Trong một bài viết mới đây, nhà báo Frank Zeller của hãng tin AFP nói rằng ngoài tình trạng kinh tế bùng phát, sự gia tăng dân số nhanh chóng của Hà Nội cũng là một trong những yếu tố góp phần làm tăng thêm áp lực đối với vấn đề bảo tồn di sản tại thành phố này.

Dân số Hà Nội, theo dự đoán, sẽ gia tăng nhanh chóng, từ 3 triệu lên đến 5 triệu người trong những năm sắp tới. Các chuyên gia nói rằng các nhà thiết kế đô thị phải làm thế nào để thực hiện một thế cân bằng tốt đẹp giữa công cuộc hiện đại hóa đô thị với công tác bảo tồn những nét độc đáo của thành phố.

Sự khó khăn trong việc duy trì thế cân bằng này đã được nhận thấy tại Khu Phố Cổ, nơi được xem là linh hồn của Hà Nội với 36 phố phường mà mỗi con đường đều được gọi bằng những cái tên quen thuộc trong nhiều năm qua, và ngày nay vẫn còn là một trung tâm thương mại sầm uất và cũng là nơi thu hút rất nhiều du khách của Hà Nội.

Mặc dù có nhiều người muốn bảo tồn Khu Phố Cổ này nhưng thực tế hiện nay cho thấy rằng việc duy trì những nét cổ kính tại đây là một thách thức lớn lao đối với nhà cầm quyền Hà Nội. Khu vực chỉ rộng có 3 kilomet vuông nhưng có đến 15 ngàn gia đình cư ngụ này, đã trở thành một trong những khu vực có đông dân cư nhất trên thế giới.

Theo lời bà Edle Tenden, điều phối viên chương trình văn hóa của UNESCO, tức là Tổ Chức Giáo Dục, Khoa Học và Văn Hóa Liên Hiệp Quốc, thị việc làm thế nào để giúp cho Hà Nội có thể phát triển mà vẫn giữ được cái di sản độc đáo của thành phố là một thách thức to lớn.

Người dân Hà Nội rất yêu mến thành phố của họ nhưng nhiều người đã choáng váng vì tốc độ thay đổi của thành phố.

Kể từ khi nhà cầm quyền Cộng Sản bắt đầu chính sách đổi mới từ giữa thập niên 1980 với những thay đổi lớn lao trong chính sách kinh tế thì cũng là lúc Hà Nội bắt đầu tràn ngập những chiếc xe gắn máy, và số lượng xe này càng ngày càng tăng, cộng với một số xe hơi của những người mới làm giàu. Theo các con số do chính quyền đưa ra thì có khoảng 2 triệu chiếc xe gắn máy tại Hà Nội.

Ông Bill Paterson, chuyên gia về hạ tầng cơ sở của Ngân Hàng Thế Giới nói rằng mức tăng trưởng kinh tế hơn 8% mỗi năm và sau khi Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, công cuộc đầu tư tại Việt Nam sẽ gia tăng nhanh chóng. Cũng theo lời giới chức này thì sự kiện đó sẽ đặt ra nhiều thách thức cho thành phố Hà Nội. Nhà cầm quyền phải đáp ứng với sự tham gia càng ngày càng nhiều trong lãnh vực tư doanh.

Theo các giới chức trong cơ quan kế hoạch và đầu tư của thành phố thì trong năm nay, đã có tổng cộng 197 cơ sở mới, trong đó có khách sạn, văn phòng làm việc, cũng như các tòa nhà chung cơ và các dự án khác, trị giá tổng cộng 918 triệu đô la, đã được cấp giấy phép xây cất tại Hà Nội.

Trong tháng 8, nhóm Keangnam của Nam Triều Tiên đã làm lễ động thổ để xây cất một tòa nhà 70 tầng gồm có khách sạn, văn phòng và những căn chung cư sang trọng với kinh phí lên đến 1 tỉ đô la, và việc xây cất này dự trù sẽ hoàn tất vào năm 2010.

Chính quyền dự định sẽ xây cất một số hạ tầng cơ sở mới, gồm các thị trấn nhỏ, 3 tuyến đường sắt đô thị với sự tài trợ của Pháp và Trung Quốc, những con đường vòng đai, những xa lộ mới và 5 chiếc cầu bắc qua con sông Hồng với sự tài trợ của Ngân Hàng Thế Giới.

Ông Trần Quốc Trung, một kiến trúc sư người Mỹ gốc Việt, trong chuyến về thăm quê hương mới đây, đã sửng sốt về sự thay đổi của Hà Nội. Ông nói rằng mặc dù việc xây cất thêm các hạ tầng cơ sở tại một thành phố mà trước đây chỉ được trù định cho khoảng 500 ngàn người trong khi bây giờ dân số đã lên đến mấy triệu người, là một nhu cầu cấp thiết nhưng công tác này phải được thực hiện một cách thận trọng để có thể vừa đáp ứng nhu cầu phát triển nhưng đồng thời cũng có thể bảo tồn các di sản của thành phố.

Trong quá khứ, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực để bảo tồn di sản của thành phố, như hạn chế chiều cao của những tòa nhà cao tầng chung quanh Hồ Hoàn Kiếm, tuy nhiên nhiều người vẫn lo ngại rằng các kế hoạch xây cất trong thành phố vẫn còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố như sự tùy tiện, thiếu phối hợp, và tình trạng không minh bạch.

Ông Paterson của Ngân Hàng Thế Giới cảnh báo rằng thường thường đã có rất ít sự phối hợp giữa các cơ quan liên hệ trong những giai đoạn khác nhau của tiến trình thiết kế, vì vậy có rất nhiều kế hoạch thiết kế đã không mang lại kết quả như mong muốn.

Cũng theo lời của giới chức Ngân Hàng Thế Giới thì điều quan trọng là giới hữu trách phải có thêm sự tham gia của người dân và tham khảo ý kiến của họ. Hầu hết tiến trình thiết kế đã bị trở ngại vì những kế hoạch do chính phủ trung ương hoặc các giới chức cao cấp đưa ra.

Ông cảnh báo rằng một trong những rủi ro mà thành phố có thể sẽ gặp phải trong việc tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhanh chóng là việc chỉ áp dụng các quyết định đơn phương. Các giới chức hữu trách có thể hủy bỏ cả một khu vực, hoặc có thể tiến hành các kế hoạch mà không cần tham khảo sâu rộng và cứu xét những ý kiến khác nhau.

Người dân Hà Nội rất ít khi được hỏi về việc thành phố của họ phải được thay đổi như thế nào. Tuy nhiên theo lời nhà báo Frank Zeller của hãng tin AFP thì nhiều người đang lo ngại một kế hoạch mới nhằm cho phép các nhà khai thác tư nhân biến một công viên lớn nhất của Hà Nội trở thành một công viên giải trí theo kiểu Disney Land ở Hoa Kỳ.

Theo kế hoạch này thì những trò chơi hiện đại, một rạp chiếu phim nổi 3 chiều, các nhà hàng và các bãi đậu xe hơi sẽ được xây dựng tại Công Viên Thống Nhất, trước đây là Công Viên Lenin, nơi mà hiện nay dân chúng vẫn thường đến tập thể thao buổi sáng hoặc đi tản bộ chung quanh một cái hồ.

Một giới chức Bảo Vệ Thiên Nhiên và Môi Trường của Việt Nam nói rằng một khi dự án này khởi sự thì công viên Thống Nhất sẽ trở thành một địa điểm xây cất khủng khiếp, gây ngột ngạt cho một trong những khu vực khoáng đãng có nhiều cây xanh bóng mát của thành phố.

Còn nhiều người khác thì cho rằng dự án này chẳng những làm cho thành phố bị mất đi một nơi để hít thở được không khí trong lành mà còn làm mất đi cái di sản văn hóa của thủ đô Hà Nội.

Liên quan đến vấn đề bảo vệ các di sản văn hóa, các nhà bảo tồn di sản cũng tỏ ra hoan nghênh sự kiện Việt Nam dự trù sẽ phục hồi các phế tích của cổ thành Thăng Long, nơi đã trở thành thủ đô của Việt Nam từ năm 1010 dưới triều nhà Lý.

Các phế tích và di vật, gồm hàng triệu món đồ tạo tác vô giá từ thời cổ của 5 triều đại phong kiến đã được phát hiện lần đầu tiên trong năm 2002 trong cuộc đào xới để xây cất một tòa nhà quốc hội mới tại trung tâm thủ đô,

Theo dự trù thì với sự giúp đỡ của Nhật Bản và cơ quan văn hóa Liên Hiệp Quốc UNESCO, công cuộc đào xới sẽ khởi sự trong năm tới trước ngày thủ đô này kỷ niệm 1000 năm thành lập vào năm 2010, và nhà cầm quyền Hà Nội hy vọng rằng di tích lịch sử quan trọng này sẽ có thể được cơ quan văn hóa Liên Hiệp Quốc tuyên bố là địa điểm di sản của thế giới.

Đối với những người Việt tại Hoa Kỳ, nhất là những người từ miền Bắc đã hai lần di cư tìm tự do thì dù Hà Nội có thay đổi như thế nào đi chăng nữa, những hình ảnh đẹp của Hà Nội với 36 phố phường, với 5 Cửa Ô của những ngày cũ vẫn còn được ấp ủ trong lòng của những người đang sống ly hương, cho dù họ đã rời xa Hà Nội cách đây hơn nửa thế kỷ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG