Đường dẫn truy cập

Miến Ðiện bị cả thế giới lên án


Vụ dàn áp những người biểu tình đòi dân chủ ở Miến Điện đã gặp phải sự chống đối và lên án trên khắp thế giới. Tại Thái lan, Australia và nhiều nơi khác, nhiều người đã thực hiện những cuộc biểu tình để phản đối vụ đàn áp của chính quyền quân nhân Miến Điện và bày tỏ hậu thuẫn cho phong trào dân chủ ở quốc gia Đông Nam Á này.

Tổng thống Hoa Kỳ George W Bush đã đưa ra một tuyên bố kêu gọi cộng đồng quốc tế hậu thuẫn cho nhân dân Miến Điện. Lời kêu gọi này đã được bà Dana Perino, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc tuyên đọc như sau:

"Tôi kêu gọi tất cả các nước có ảnh hưởng với chế độ Miến Điện hãy cùng với chúng tôi hỗ trợ cho những khát vọng của người dân Miến Điện và nói với tập đoàn quân nhân là phải ngưng ngay việc sử dụng sức mạnh để trấn áp những người dân của họ - những người đã bày tỏ trong hòa bình những ước muốn thay đổi."

Các nhà lãnh đạo của Pháp và Anh đang dự phiên họp của Đại Hội đồng Liên hiệp quốc cũng đã lên tiếng yêu cầu chính quyền quân nhân Miến Điện tự chế và hối thúc các nước Đông Nam Á dùng ảnh hưởng đối với chính quyền này để yêu cầu họ ngưng ngay những hành động đàn áp.

Tại Bắc Kinh, một nữ phát ngôn viên của bộ ngoại giao Trung Quốc cũng kêu gọi tự chế, nhưng lời kêu gọi này nhắm vào tất cả các phe.

Tại thành phố Strasbourg của Pháp, quốc hội Âu Châu đã biểu quyết hôm thứ năm để cung cấp tài trợ cho phong trào dân chủ Miến Điện.

Tuy có sự lên án của cộng đồng quốc tế như thế, giáo sư Vana Felbab-Brown của Đại học Georgetown ở Washington tỏ ý lo ngại là lịch sử có thể đang tái diễn:

"Tôi nghĩ rằng có một mối nguy hiểm thật sự là chúng ta sẽ chứng kiến sự tái diễn không may của lịch sử - chẳng những chỉ là lịch sử ở Miến Điện trong các năm 1988 và 1991, mà còn ở Hungary năm 1956 và cuộc nổi dậy của người Kurd ở Iraq năm 1991. Đó là những nơi mà các cuộc nổi dậy bị đàn áp một cách dã man dưới sự quan sát của cả thế giới."

Một số người Miến Điện đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động khẩn cấp. Ông Sann Aung, một nhân vật nổi tiếng trong cộng đồng người Miến Điện lưu vong ở Thái Lan phát biểu như sau trong cuộc phỏng vấn dành cho đài VOA:

"Chúng tôi xin nói lên lời thỉnh cầu. Đây chính là lúc mà mọi người và cộng đồng quốc tế bắt đầu thực hiện những hành động có phối hợp về vấn đề Miến Điện."

Về phần mình, chính quyền quân nhân Miến Điện đã thông qua đài truyền hình nhà nước để tố cáo rằng các cơ quan truyền thông nước ngoài đã xúi giục bạo động.

Theo giáo sư Vana Felbab-Brown của Đại học Georgetown, phản ứng của Miến Điện đối với những bài tường thuật của giới truyền thông quốc tế và những lời chỉ trích của các nước là điều có thể đoán trước.

Giáo sư Vana nói: "Tôi nghĩ rằng cộng đồng quốc tế càng bày tỏ bất bình nhiều chừng nào thì tập đoàn quân nhân Miến Điện càng sợ hãi nhiều chứng đó và càng khiến cho họ cảm thấy cần phải ra tay đàn áp. Tuy nhiên, sự đả kích của quốc tế cũng có một tác dụng tốt. Đó là khi những người biểu tình biết được những tin tức như vậy thì đó chính là một sự khích lệ tinh thần rất lớn đối với họ."

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG