Đường dẫn truy cập

Kỷ niệm 50 năm vở nhạc kịch 'West Side Story'


West Side Story, câu chuyện tình Romeo -Juliette tân thời lần đầu tiên được đem lên sân khấu Broadway trình diễn ngày 26 tháng 9 năm 1957. Vở ca vũ nhạc kịch đã mở đường cho một hướng đi mới của sân khấu Hoa Kỳ. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm vở nhạc kịch giờ đây được coi là cổ điển đặc thù của Hoa Kỳ được đem trình diễn, Lá Thư Mỹ Quốc tuần này mời quí thính giả theo dõi bài viết của Jim Bertel sau đây do Lan Phương trình bày:

Được dựng trên bối cảnh của những khu dân cư nghèo nàn tại thành phố New York thập niên 1950 với những băng đảng thuộc các sắc dân thiểu số, vở ca vũ nhạc kịch West Side Story đã đưa ngành sân khấu Hoa Kỳ vào một cuộc cách mạng.

Diễn viên Nathal Schetich nói: "Năm 1957 khi được đưa lên sân khấu trình diễn, vở ca vũ nhạc kịch này hoàn toàn mới lạ, không giống bất cứ những gì từng được trình diễn trước đây."

Diễn viên Nathal Schetich dồng trình diễn trong vở ca vũ nhạc kịch tuyệt vời này nhân dịp dịp kỷ niệm 50 năm. Anh thủ vai Tony, một tay du thủ du thực ngoài đường phố với ước mơ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Diễn viên Nathal Schetich nói: "Anh ta muốn ra khỏi băng đảng. anh ta biết là trên đời còn có nhiều thứ khác hơn là những băng đảng trong thế giới mà anh đang sống trong đó. Anh ta cũng chỉ biết lờ mờ như thế thôi cho đến khi anh đến một buổi dạ vũ được tổ chức tại phòng tập thể dục của trường trung học và lần đầu tiên gặp Maria và hiểu ngay rằng đây là điều anh ta đang tìm kiếm."

Trong vở trình diễn kỷ niệm 50 năm, nữ diễn viên Sarah Darling đóng vai Maria.

Nữ diễn viên Darling nói: "Cô là một thiếu nữ nhỏ tuổi vừa dọn đến nước Mỹ có 1 tháng, gia đình rất gia giáo, canh chừng cô rất kỹ, thế nên cô rất nôn nóng muốn lớn lên cho nhanh để mà nếm trải kinh nghiệm đời sống tại Hoa Kỳ."

Ðời sống mới tưng bừng ở thành phố New York được mô tả sống động trong vở ca vũ nhạc kịch West Side Story. Nhưng điều khiến cho vở kịch mang tính chất hết sức mới lạ lúc ra mắt khán giả 50 năm trước, là nó lột tả được đời sống tại những khu nghèo nàn nơi thị tứ qua một loạt những bài ca và điệu vũ nhiều chưa hề thấy trước đó trên sân khấu nước Mỹ.

Diễn viên Darling nói: "Thường thì vào lúc kết thúc các vở nhạc kịch, khán giả cũng tán thưởng đấy. Nhưng riêng đối với vở này niềm vui và mức độ tán thưởng của họ phát xuất từ những xúc động sâu thẳm tận đáy lòng. Điều này thực sự là một phần thưởng cho tôi, và tôi hy vọng cũng là một phần thưởng cho khán giả nữa."

Dĩ nhiên người được ghi công trước hết phải là Shakespeare, kịch tác gia bất hủ của Anh quốc, tác giả bi kịch Romeo-Juliette. Kịch bản đã được sử dụng làm nền để dựa theo đó, vở West Side Story được dàn dựng. Nhưng ngoài ra còn phải kể đến công lao tập thể của không biết bao nhiêu tài năng của các bực thày nước Mỹ về ca, vũ, nhạc, kịch, những người đã góp phần trong việc đưa West Side Story trở thành một tác phẩm cổ điển thời hiện đại, mang lại sự say mê thích thú lâu dài cho nhiều thế hệ khán giả suốt 50 năm qua.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG