Đường dẫn truy cập

Việt Nam có thể mất nhiều thập kỷ mới có người như Bill Gates, Jack Ma


Tỷ phú Bill Gates (trái) và doanh nhân Jack Ma.
Tỷ phú Bill Gates (trái) và doanh nhân Jack Ma.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã dự một buổi lễ tuyên dương các học sinh xuất chúng hôm 3/12 ở Hà Nội. Báo chí nhà nước tường thuật rằng thủ tướng đã “chúc mừng và đánh giá cao” các học sinh đoạt giải Olympic quốc tế hoặc có kết quả xuất sắc tại kỳ thi trung học phổ thông năm 2016. Ông cũng “bày tỏ lòng tri ân” đến các thầy cô giáo.

Năm nay, Việt Nam có 37 học sinh tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực. Có tới 36 trong số 37 học sinh đã đoạt giải gồm 9 huy chương vàng và 25 huy chương bạc, đồng.

Thủ tướng phát biểu tại buổi lễ rằng Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, do đó phải có “sự sẵn sàng về chất xám, về nguồn nhân lực”. Ông Phúc nhấn mạnh “ngành giáo dục phải đổi mới toàn diện, … phải thực sự mang tinh thần kiến tạo phát triển” và ông cho rằng "như vậy chúng ta mới hy vọng có những nhà kỹ nghệ, nhà khoa học, doanh nhân như Bill Gates, Thomas Edison, Jack Ma… ở Việt Nam".

Tiến sĩ Vương Quân Hoàng, một giảng viên quản trị kinh doanh ở Hà Nội, nói với VOA rằng có cơ hội để niềm hy vọng mà thủ tướng nói đến trở thành hiện thực, dù còn có những khó khăn ở Việt Nam:

“Tôi thấy rõ ràng năng suất lao động khoa học tăng khá nhanh trong vòng khoảng 5 năm vừa rồi. Chỉ có một điều là thế này, cái việc tiến triển đấy nó vẫn còn dưới mức tiềm năng xa. Một trong những thay đổi khó nhất là xưa nay nghiên cứu cơ bản thì thường nghĩ đến khoa học tự nhiên, ít khi nói đến các vấn đề, lĩnh vực xã hội. Thực ra khoa học xã hội rất là quan trọng. Châu Âu và Mỹ chẳng hạn thì một trong những đà thúc đẩy họ chính là KHXH phát triển rất là tốt và sớm. Dường như ở mình thì cái đấy lại có vẻ không phát triển kịp so với sự phát triển của khoa học cơ bản. Cái thứ hai là mấy năm vừa rồi cũng thấy rất rõ là cái hệ thống đạo đức khoa học rất có vấn đề, đặc biệt đối với các bậc đào tạo trình độ cao. Mà cái đấy là rất nguy hiểm vì đấy là những máy cái sau này sản xuất cho xã hội”.

Theo Tiến sĩ Hoàng, tự do trong học thuật, tư duy và tranh luận là những điều kiện rất quan trọng để mọi người nói chung và ở các nhân tài nói riêng phát triển:

“Thực ra cái vũ khí quan trọng nhất của một người nghiên cứu và những người làm công việc phát minh hoặc suy nghĩ những điều mới là họ được tự do suy nghĩ. Cũng có một yếu tố nữa, nó cũng là bản lĩnh, sự quả cảm của người làm nghiên cứu nữa. Ví dụ thế này, nhìn thấy một vấn đề, bảo cái này sợ lắm, cái này khó lắm, khiếp lắm, cái này Tây mới làm được. Đấy là tự lùi lại rồi”.

Luật sư Lê Luân, đồng thời là một nhà hoạt động vì tiến bộ xã hội, cũng chia sẻ với Tiến sỹ Hoàng về tầm quan trọng của tự do tư duy, tự do tư tưởng. Ông nói với VOA:

“Tư duy tự do thì đương nhiên rồi. Đấy là một vấn nạn. Chúng ta chưa phát triển được khả năng tư duy, khơi được khả năng tư duy của con người một cách tự do, rồi đến sáng tạo. Chúng ta thường bị áp đặt tư tưởng. Vào tháng 4, tôi đã có thư ngỏ và đưa ra phương án tức là 4 vấn đề lớn cần giải quyết để tạo nên một nền giáo dục thực sự khai phóng và nhân bản, để đưa đất nước phát triển được. Nhưng mà tôi nghĩ cái này nó phụ thuộc vào cơ chế. Chính phủ thì những quyết sách lớn vẫn phụ thuộc vào cơ quan chức năng lớn hơn có tác động lớn hơn. Tôi nghĩ rằng đây là thay đổi tư tưởng, thay đổi một vấn đề liên quan đến cả nền tảng xã hội. Thật sự là nhanh cũng mất một vài thập kỷ. Nếu là sự thay đổi theo chiều hướng tích cực”.

Trên mạng xã hội, nhiều người cũng tỏ ra hoài nghi về khả năng trở thành hiện thực đối với lời của thủ tướng về hy vọng có những Bill Gates, Thomas Edison, Jack Ma ở Việt Nam.

VN có thể mất nhiều thập kỷ mới có người như Bill Gates, Jack Ma
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:48 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG