Đường dẫn truy cập

Nạn sử dụng lao động trẻ em ở Trung Quốc ngày càng trầm trọng


Một tổ chức lao động tại Hồng Kông nói rằng tình trạng sử dụng lao động trẻ em tại Trung Quốc là một vấn đề lan tràn khắp nước một cách có hệ thống và ngày càng trầm trọng thêm. Nguyên nhân của tệ nạn này nằm ở trong hệ thống giáo dục của Trung Quốc.

Khi vụ tai tiếng sử dụng nô lệ lao động tại những lò gạch trong tỉnh Sơn Tây của Trung Quốc bị phát hiện vào tháng 6, công chúng Trung Quốc đã bàng hoàng khi nghe tin một số những lao động bị bắt buộc phải làm việc trong những điều kiện phi nhân đó là những trẻ em.

Nhưng theo đoàn thể có tên là Bản Tin Lao Động Trung Quốc (Trung Quốc Lao Công Thông Tấn) tại Hồng Kông, một tổ chức đã thực hiện cuộc khảo sát tại chỗ ở Trung Quốc, cho biết tình trạng sử dụng sức lao động của trẻ em thì đầy rẫy ở nước này và ngày càng trở thành một vấn đề nghiêm trọng hơn.

Không có số liệu chính thức nào về con số trẻ em đang phải lao động tại nước này. Vẫn có những luật lệ gắt gao chống lại việc thuê mướn trẻ em dưới 16 tuổi, và trong tuần này Bắc kinh đã loan báo sẽ thành lập một ủy ban cấp bộ trưởng để chống lại nạn cưỡng bức phụ nữ và trẻ em lao động hoặc hành nghề mãi dâm.

Nhưng theo ông Hàn Đông Phương, sáng lập viên của đoàn thể bênh vực quyền lao động này, nói rằng các chính quyền địa phương vẫn coi thường luật lệ, mà phần lớn là vì thiếu nhân viên.

Ông nói, lấy thí du như trong một văn phòng đặc trách lao động của một quận hạt mà chỉ có chưa đầy 10 nhân viên nhưng lại có không biết bao nhiêu là xưởng máy, và không biết bao nhiêu thị trấn cần phải theo dõi.

Theo ông Hàn Đông Phương thì chính phủ cần phải giải đáp xem tại sao lại có nhiều trẻ em Trung Quốc bỏ học trước khi hoàn tất 9 năm học bắt buộc theo như luật lệ qui định.

Ông cho rằng nguyên nhân của vấn đề là hệ thống giáo dục. Một yếu tố là tiền tài trợ quá ít mà nhiều trường học nhận được, nhất là tại miền quê. Điều này có nghĩa là cha mẹ các em phải trả học phí, những khoản tiền mà nhiều gia đình không có đủ khả năng.

Cũng theo ông Hàn Đông Phương, một vấn đề khác nữa là trong 2 thập niên qua, Trung Quốc tập trung vào việc tài trợ cho các trường đại học trong khi lại lơ là đối với các trường huấn nghệ. Phụ huynh của những học sinh học kém thường không thấy có lợi ích gì khi trả tiền cho con cái mình tiếp tục cắp sách đến trường.

Ông nói, là cha mẹ của những học sinh như vậy thì người ta phải tính toán xem lợi ích như thế nào, tại sao phải cho con cái tiếp tục học sau 12 tuổi nếu như con em của họ không có tương lai bước vào ngưỡng cửa đại học? Như vậy thì cho con cái đi học làm gì nữa? chả thà để cho chúng đi làm kiếm tiền còn hơn.

Ông cho biết quả là một tin mừng khi năm ngoái chính phủ Trung Quốc loan báo sẽ tài trợ thêm cho giáo dục ở bậc căn bản. Nhưng ông cũng nói thêm rằng Bắc Kinh cần phải thành lập thêm nhiều chương trình dạy nghề nữa.

Theo ý kiến ông Hàn Đông Phương thì làm như vậy sẽ giúp cho các em tìm được công ăn việc làm và Trung Quốc sẽ có thêm những công nhân đủ khả năng, có xảo năng, được huấn luyện đàng hoàng ngay khi các em đến độ tuổi 20, và như vậy kinh tế Trung Quốc sẽ phát triển tốt hơn và đạt được chất lượng tốt hơn trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau.

Ông Hàn Đông Phương cũng hối thúc chính phủ hãy cho phép các nghiệp đoàn và những đoàn thể dân sự theo dõi và báo cáo về tình trạng lao động trẻ em.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG