Đường dẫn truy cập

Việt Nam sẽ làm gì khi chỗ dựa tinh thần Fidel Castro đã ra đi?


Lãnh đạo VN đến viếng cố Chủ tịch Cuba Fidel Castro
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:23 0:00

Lãnh đạo VN đến viếng cố Chủ tịch Cuba Fidel Castro

Sự ra đi của cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro, người được các nhà lãnh đạo Việt Nam coi là chỗ dựa tinh thần đã nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ truyền thông và công chúng Việt Nam.

Trong khi chính phủ Việt Nam quyết định để tang lãnh tụ Cuba với nghi thức quốc tang vào ngày 4/12 và truyền thông chính thống của Việt Nam có nhiều bài viết ca ngợi và thương tiếc lãnh tụ vĩ đại cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản thì nhiều người dân bày tỏ trên mạng xã hội rằng ông Fidel Castro không xứng đáng được tưởng nhớ như vậy.

Trong mấy ngày qua, nhiều người đã dùng mạng xã hội Facebook để chỉ trích ông Fidel Castro về những điều mà họ cho là những “tội ác” mà ông đã thực hiện thời còn lãnh đạo Cuba. Nhiều người chia sẻ một bài viết của tạp chí GQ về việc Fidel Castro từng sở hữu nhiều công ty bất động sản, từng “quan hệ với 35.000 phụ nữ và hút cigar từ năm mới lên 14 tuổi.”

Một người dùng Facebook có tên Chau Doan viết “có những người bị nhồi sọ quá lâu nên đang thương tiếc một kẻ độc tài đã giết hàng chục ngàn người Cuba và bần cùng hóa cả một đất nước.” Một người dùng khác có tên Trinh Huu Long của tổ chức phi chính phủ VOICE viết trên trang Facebook của mình để phản ứng trước quyết định của Việt Nam cử hành quốc tang ông Fidel Castro. Dân mạng này viết: “Vì lối suy nghĩ và cách tuyên giáo từ những năm 60, Đảng Ta lố bịch hoá những người mà họ ca ngợi, mà lần này nạn nhân là Fidel Castro” và “Nghi lễ quốc tang phải phù hợp với tâm tình của con người. Sẽ là một thảm hoạ ngoại giao nếu dưới lá cờ rủ là những cuộc nhậu và karaoke tưng bừng của dân chúng.”

Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Phạm Chí Dũng cho rằng luôn có các ý kiến đánh giá trái chiều “đối với bất kỳ một nhân vật lịch sử nào từ trước tới giờ ở Việt Nam – chẳng hạn như Hồ Chí Minh hay Nguyễn Văn Thiệu hay Ngô Đình Diệm” và cả Fidel Castro. Ông Dũng nói:

"Đường lối của Fidel có thể nói từ năm 1959 tới giờ tức là từ cách mạng Cuba tới giờ, gây tranh cãi rất nhiều. Và bây giờ chúng ta nhìn, chưa nói tới người Việt, mà bây giờ nói tới dòng suy nghĩ ở Pháp là đã khác rồi. Ví dụ như ngay 1 tờ (báo) cánh tả Liberation thì trước đây họ đánh giá họ cũng khá nồng nhiệt với Fidel thì bây giờ họ cũng cho rằng Fidel là người có vẻ bảo thủ. Mà thực ra thì tôi cho là Fidel là người rất bảo thủ."

Những người thuộc thế hệ trước từng chứng kiến sự giúp đỡ về tinh thần lẫn vật chất của Cuba cho Việt Nam trong cuộc kháng chiến giành độc lập và mối quan hệ rất đặc biệt trong hơn 55 năm qua của 2 dân tộc không đồng ý với quan điểm chỉ trích lãnh tụ quá cố của Cuba.

Lưu Kha, một cựu nhà báo có hơn 10 năm học tập và công tác ở Cuba, cho rằng nhiều người Việt Nam ngưỡng mộ Fidel Castro vì ông “đấu tranh cho 1 lý tưởng mình tin tưởng và suốt cả cuộc đời mình chiến đấu và hy sinh cho lý tưởng đó.” Theo nhà báo này, ông Fidel – theo cách gọi thân mật của người Việt Nam – là người có khả năng “hùng biện và có sức lôi cuốn rất lớn”:

"Không chỉ những người yêu quý Fidel mà cả những người không thích Fidel hoặc coi ông như là kẻ thù cũng phải thừa nhận ông là một con người hùng biện, có sức thu hút và có ảnh hưởng lớn đối với các phong trào giải phóng dân tộc."

Ông Fidel từng tuyên bố “Vì Việt Nam Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” và từng tới thăm Việt Nam 3 lần. Theo nhà báo Lưu Kha Cuba dưới sự lãnh đạo của Fidel được coi là nước Cộng sản có hệ thống giáo dục và sức khỏe tốt cho người dân và Việt Nam nhìn Cuba như một trong số ít các nước ở thế giới thứ 3 có nhiều thành công như vậy. Ông Kha cho biết:

"Cuba đi theo con đường lối xã hội chủ nghĩa nên nó có những cái khác với những con đường đi của các nước khác cho nên họ có thể có những nhận xét khác với Fidel, coi Fidel là độc tài. Thế nhưng nếu họ nhìn kỹ vào thực chất của cuộc cách mạng Cuba thì họ sẽ không thể nói như vậy."

Nhận xét về việc liệu Việt Nam sẽ như thế nào sau sự ra đi của “chỗ dựa tinh thần” Fidel Castro, cựu nhà báo Lưu Kha nói:

"Hai nước cùng đi theo chủ nghĩa xã hội nhưng cũng có những con đường đi riêng của mình. Không ai có thể lấy con đường đi của một nước này để áp đặt lên một con đường của nước khác. Đối với Cuba chũng như vậy và đối với Việt Nam cũng như vậy. Nhưng con đường đi của Việt Nam là do nhân dân Việt Nam quyết định chứ không phải do Cuba quyết định và cũng không phải do Mỹ quyết định, không phải do bất cứ một nước nào khác quyết định cả."

Còn nhà báo Phạm Chí Dũng lại cho rằng sự ra đi của ông Fidel là một mất mát lớn cho một bộ phận lãnh đạo Việt Nam:

"Việt Nam không ảnh hưởng gì cả, đó là đối với xã hội Việt Nam. Nhưng mà đối với một bộ phận nho nhỏ trong giới lãnh đạo Việt Nam thì điều đó có ý nghĩa như một sự mất mát về chỗ dựa tinh thần, đặc biệt là những người bảo thủ và giáo điều như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những lớp kế cận được dự phòng của ông Trọng như ông Đinh Thế Huynh hay là một số người khác. Và sắp tới thì vấn đề ý thức hệ sẽ càng chông chênh hơn nữa."

Theo ông Dũng, điều tốt đẹp về mặt cá nhân mà ông Fidel Castro đã làm là “ông dừng lại sớm hơn là những lãnh đạo Việt Nam.” Trong khi những lãnh đạo Việt Nam muốn nắm quyền lực “cho đến lúc chết” thì nhà lãnh đạo Cuba đã từ bỏ chức vị chủ tịch nước cách đây 10 năm. Ông Dũng cho rằng “không nên có một thái độ quá tàn nhẫn đối với một con người huyền thoại như Fidel nhưng cũng không thể bỏ qua một điều rằng ông ta đã bỏ lỡ những cơ hội để làm cho 1 đất nước Cuba đỡ bức bí hơn về kinh tế.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG