Đường dẫn truy cập

Chuyến đi Mỹ của chủ tịch Việt Nam - Thành công hay thất bại?


Chuyến viếng thăm lịch sử của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến Hoa kỳ trong tuần vừa qua đã được giới truyền thông do nhà nước kiểm soát ở Việt Nam mô tả là thành công tốt đẹp. Chính ông Nguyễn Minh Triết cũng tỏ ý hài lòng đối với những thành quả đạt được. Tuy nhiên, đối với hầu hết các nhân vật tranh đấu cho dân chủ Việt Nam thì chuyến đi này là một thất bại lớn cho ông Nguyễn Minh Triết và chính phủ ở Hà nội.

Nhiều nhà quan sát tình hình chính trị Việt Nam cho rằng cuộc gặp gỡ tại Tòa Bạch Ốc hôm thứ sáu vừa qua giữa Tổng thống George W Bush của Mỹ và Chủ tịch Nguyễn Minh Triết của Việt Nam là một dấu hiệu cho thấy quyết tâm của đôi bên trong việc tăng cường các mối quan hệ song phương.

Về phần Tổng thống Bush, ông đã phải vượt qua những lời phản đối và chỉ trích đến từ nhiều phía, đặc biệt là từ phía cộng đồng người Việt ở Mỹ và các nhà lập pháp của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, để đón tiếp nhân vật đứng đầu nhà nước Việt Nam. Trong cuộc họp báo tại quốc hội Mỹ hôm thứ 5, ngày 21 tháng 6, Dân biểu Dana Rohrabacher -- một trong những người chỉ trích Việt Nam mạnh mẽ nhất, đã tố cáo rằng Tổng thống Bush đã phản bội những lý tưởng cao đẹp của nước Mỹ khi ông quyết định tiếp kiến ông Nguyễn Minh Triết:

Ông Rohrabacher nói: "Trên đất nước chúng ta có những thương gia muốn kiếm tiền bằng cách lợi dụng giá nhân công rẻ ở Việt Nam. Đó là lý do tại sao tổng thống của chúng ta nghe theo lời của các thương gia. Họ nói rằng chúng ta cần phải chủ động giao tiếp với Việt Nam ngõ hầu có thể dần dà thăng tiến cho tự do ở Việt Nam. Thật ra, chúng ta đã nghe luận điệu này từ hai mươi năm nay, khi các thương gia dùng nó để biện minh cho việc giao hảo với Trung quốc - một nước mà nhân quyền và dân chủ vẫn tiếp tục bị chà đạp một cách thô bạo cho tới ngày hôm nay."

Về phần Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, để có thể thực hiện chuyến viếng thăm Hoa kỳ ông cũng đã phải khắc phục những sự chống đối của những người cho rằng sự tiếp đón của phía Mỹ với những nghi thức ngoại giao không được long trọng là một hành động "làm nhục quốc thể", và của những người thuộc phe thân Trung quốc. Một số các nhà phân tích nêu lên hai sự kiện cho thấy sự chống đối ngầm ngầm của chính phủ ở Bắc kinh đối với sự xích lại gần nhau hơn giữa Hà nội và Washington. Thứ nhất là công ty dầu lửa BP của Anh mới đây đã loan báo quyết định ngưng chỉ dự án 2 tỉ đô la đã ký kết với Việt Nam từ năm 2000 để khai thác khí đốt trong vùng biển gần quần đảo Trường Sa, và thứ nhì là ngay trong ngày phái đoàn ông Nguyễn Minh Triết lên đường sang Mỹ thì ông La Cán, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị của đảng Cộng Sản Trung quốc, đã nhắc nhở với Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng của Việt Nam rằng Hà nội cần tuân thủ những cam kết mà ông Nguyễn Minh Triết đã đưa ra trong chuyến viếng thăm Bắc kinh hồi tháng 5.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, một nhà tranh đấu cho dân chủ ở Hà nội, cuộc gặp gỡ ở Tòa Bạch Ốc là một diễn tiến rất quí hóa vì nó chứng tỏ sự dũng cảm của cả hai nhà lãnh đạo Việt-Mỹ, tuy ông tỏ ý tiếc là chuyến viếng thăm này lẽ ra đã đạt được những thành quả tốt đẹp hơn nếu không có những vụ đàn áp dân chủ mà giới hữu trách Việt Nam thực hiện trong hơn nửa năm qua.

Cũng tại Hà nội, đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc đã tỏ ý tán thưởng chuyến đi mà ông cho là có ý nghĩa tích cực đối với việc phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Hoa kỳ:

Ông Dương Trung Quốc nói: "Kết quả của chuyến đi sang Hoa kỳ của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết lần này không những chỉ là chuyến đi của một nhân vật lãnh đạo cấp cao nhất của một quốc gia, mà điều quan trọng hơn là nó khẳng định cái xu thế gần như không thể thay đổi của quan hệ Việt-Mỹ, trên bước đường sau khi có sự hòa giải của quá khứ để thăng tiến lợi ích của quốc gia. Mặt khác, chuyến đi này cho thấy quan hệ Việt-Mỹ đang đòi hỏi không những sự phát triển về mặt kinh tế, là điều dễ thấy, mà còn cần phải đi gần đến chỗ đồng thuận trong một số lãnh vực mà cho đến ngày hôm nay vẫn còn là nhạy cảm. Và tôi cho rằng tất yếu trong tương lai, cho dù mỗi nước có những khác biệt riêng nhưng chúng ta vẫn có cùng mẫu số chung để tiến tới."

Trong khi đó, một nhân vật tranh đấu cho dân chủ Việt Nam nổi tiếng thế giới là Bác sĩ Nguyễn Đan Quế nêu lên sự kiện là trước khi đón tiếp ông Nguyễn Minh Triết, Tổng thống Bush và nhiều chính khách của Hoa kỳ thuộc cả hành pháp lẫn lập pháp đã tiếp kiến và thảo luận với các nhà hoạt động cho dân chủ Việt Nam. Từ căn nhà nơi ông đang bị giam lỏng ở Chợ Lớn, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế đã cho ban Việt Ngữ đài VOA biết như sau về ý kiến của ông đối với chuyến đi Mỹ của ông Nguyễn Minh Triết:

"Chuyến đi Mỹ vừa qua của ông Triết là một thất bại nặng nề cho Bộ Chính trị Đảng Cộng Sản Việt Nam. Trong chuyến đi này chính quyền Hà nội hy vọng ký được nhiều tỉ đô la đầu tư và buôn bán trong lúc tiếp tục đàn áp nhân quyền và dân chủ. Nhưng, phản ứng quá mạnh của cộng đồng người Việt ở Mỹ và lập trường không tương nhượng của chính phủ và quốc hội Hoa kỳ đã làm tiêu tan hy vọng lợi dụng tiền tư bản để củng cố độc tài đảng trị."

Ông Trần Thái Văn, một người Việt gốc Mỹ đang giữ chức dân biểu tiểu bang California, đã không muốn đề cập tới vấn đề thành công hay thất bại trong của chuyến đi Mỹ của ông Nguyễn Minh Triết. Ông phát biểu như sau trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài VOA:

Ông Trần Thái Văn nói: "Vấn đề quan trọng là cộng đồng người Mỹ gốc Việt cũng như các tổ chức dân chủ và nhân quyền cũng như chính quyền của Tổng thống Bush đã đem ra và nói lên được từ phía lập pháp cũng như hành pháp Hoa kỳ -- có một cơ hội rất tốt để nói trực tiếp với ông Nguyễn Minh Triết và các đại diện của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam về những sự quan tâm cao nhất về chính sách đàn áp dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Chắc chắn rằng về phía Việt Nam thì họ nói chuyến đi này thành công vì họ đặt nặng vấn đề đầu tư và kinh tế. Tuy nhiên, song song với vấn đề đầu tư và kinh tế giữa hai quốc gia còn rất nhiều những vấn đề liên hệ đến hành động và chính sách đàn áp của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam mà chính phủ Hoa kỳ và nhân dân Hoa kỳ rất quan tâm, và chuyến đi này đã mang lại nhiều cơ hội cho cộng đồng Việt Nam trên toàn nước Mỹ và cả hành pháp lẫn lập pháp Mỹ để nói lên sự quan tâm đó trực tiếp với vị lãnh đạo của đảng Cộng Sản."

Về những sự tranh chấp giữa Washington và Hà nội đối với vấn đề dân chủ và nhân quyền, đại biểu quốc hội Dương Trung quốc ở Hà nội tỏ ý lạc quan là sự khác biệt giữa đôi bên sẽ dần dà mất đi:

"Tôi nghĩ rằng nếu mà nói về khái niệm tôn trọng nhân quyền và dân chủ thì đấy cũng là mục tiêu chung của mọi quốc gia. Hiện nay, nếu như có sự khác biệt giữa Việt Nam với Mỹ thì nó cũng sẽ mờ nhạt dần cùng với sự phát triển chung."

Một khía cạnh quan trọng khác nữa trong chuyến đi của vị Chủ tịch nước Việt Nam đế Mỹ là những thông điệp kêu gọi đoàn kết mà ông gởi đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Về việc này, biên tập viên Nguyễn Lê cho biết một số nhận định như sau:

"Khối người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, là một trong những mục tiêu vận động chính của Ông Triết trong chuyến đi này. Ông nói rõ điều đó khi ông dành câu trả lời dài nhất của ông trong cuộc phỏng vấn với TTX Việt Nam trước khi lên đường về việc đánh giá cộng đồng này."

Ông Triết đến Hoa Kỳ giữa lúc tâm tư và hành động của người Việt ở nước ngoài vẫn còn in đậm dấu ấn của hai sự kiện chính trị bất ngờ: Sự kiện thứ nhất xảy ra ở Việt Nam, đó là vụ xử Cha Nguyễn Văn Lý; sự kiện thứ hai diễn ngay tại Washington: đó là việc Tổng thống Bush lần đầu tiên tiếp kiến đại diện của một số tổ chức người Việt vận đông cho nhân quyền, dân chủ, và tự do tôn giáo ở Việt Nam. Dĩ nhiên, cả hai sự kiện này đều có tác động bất lợi cho nỗ lực kêu gọi đoàn kết của ông Triết.

Trong bối cảnh đó, để giúp truyền đạt có hiệu quả thông điệp của mình, Ông Triết có mang theo 4 món quà cho cộng đồng người Việt: đó là quyết định của chính phủ chuyển giao quyền quản lý nghĩa trang Quân đội Việt Nam Cộng hòa cho nhà chức trách dân sự; miễn thị thực cho Việt kiều; xem xét chế độ song tịch, và giải quyết vấn đề nhà đất.

Có thể những món quà này sẽ không mang lại hiệu quả mong muốn, vì các tổ chức, đoàn thể của người Việt ở nước ngoài đã nhiều lần nói rõ--và khẳng định lại trong cuộc gặp với Tổng thống Bush-là họ không đòi hỏi những quyền lợi cho Việt kiều, tuy những quyền lợi đó không phải là nhỏ. Mục tiêu tranh đấu của họ là nhân quyền, dân chủ, và tự do tôn giáo cho đồng bào của họ ở trong nước.

Nhưng so với các nhân vật lãnh đạo Việt Nam đến Hoa Kỳ trước ông, ông Triết dường như thành công hơn trong việc trình bày lập trường chính thức của nhà nuớc đối với Việt kiều, nhờ ông dùng một lối diễn đạt và ngôn ngữ bình dị, chơn chất, nhưng nhiệt tình, dễ mời gọi người nghe. Khi phát biểu, ông lập đi lập lại nhiều lần những cụm từ “đoàn kết,” “tình thương”, và ông chấp nhận bất đồng chính kiến là điều bình thường. Ngay cả khi phải nhắc đến những người biểu tình phản đối ông, ông cũng gọi họ là một số nhỏ thiếu thông tin, chưa có điều kiện về thăm nước nhà. Ông tránh những lời lẽ nặng tính tuyên truyền, giáo điều, quy chụp, cáo buộc, dễ gây phản cảm, mà xưa nay nhiều quan chức và báo chí nhà nuớc Việt Nam vẫn dùng. Có lẽ nhờ đó mà thông điệp của ông có sức thuyết phục hơn, tuy nội dung của nó không khác trước là mấy.

Về phía cộng đồng người Việt, người ta cũng ghi nhận được nhiều nét tích cực. Rõ rệt nhất là các cuộc biểu tình tuy rầm rộ hơn, những vẫn trật tự, không bạo động, không có những hành động gây va chạm với nhân viên công lực, thể hiện một trình độ tổ chức và phối hợp cao, do đó dễ tranh thủ được sự ủng hộ và đồng tình của các cộng đồng khác. Nói chung, những phát biểu cũng tập trung nhiều hơn vào các vấn đề cốt lõi, lập luận nghiêm túc, không thiên nhiều vào việc đã kích cá nhân.

Trong một cuộc phỏng vấn liên quan đền chuyến đi của chủ tịch nước Việt Nam, Đại sứ Michael Marine tiên đoán là Việt Nam sẽ không tiếp tục thực hiện các vụ xét xừ hàng loạt các nhà bất đồng chính kiến nữa. Trước khi lên máy bay di Mỹ, ông Triết cũng tuyên bố “sẽ làm hết sức để nâng quan hệ Việt-Mỹ lên một tầm cao mới, sâu rộng” sau chuyến đi thăm Hoa Kỳ. Nếu tiên đoán của Đại sứ Marine là đúng, và nếu ông Triết thực hiện đúng lời hứa , thì người ta có thể hy vọng là chuyến của ông đã tạo được một tiền đề cần thiết cho những cuộc đối thoại nghiêm túc và có thực chất giữa Washington và Hà nội về nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam, trong đó quan điểm của công đồng người Việt ở nước ngoài sẽ được đại diện xứng đáng.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG