Đường dẫn truy cập

Các chuyên gia tìm kiếm phương cách để cải tổ World Bank


Hôm qua, một tổ chức nghiên cứu có lập trường bảo thủ ở Washington có tên là The American Enterprise Institute vừa tổ chức một buổi hội thảo về những phương cách để cải cách Ngân hàng Thế giới. Tổ chức cung cấp những khoản cho vay phát triển lớn nhất thế giới này vừa bị lún chìm vào một vụ tranh cãi đã dẫn đến việc chủ tịch Paul Wolfowitz phải từ chức.

Chủ đề của cuộc hội thảo là Ngân hàng thế giới, một tổ chức với hơn 180 quốc gia thành viên, có còn nắm giữ một vai trò cần thiết nữa hay không -- sau khi đã được thành lập 60 năm trước để tái thiết Châu Âu thế chiến thứ hai. 5 trong số 6 thành viên của thuyết trình đoàn đã tán đồng ý kiến cho rằng ngân hàng này vẫn còn cần thiết, với điều kiện là phải thay đổi.

Ông William Easterly, giáo sư của Đại học New York, từng là một nhân viên của Ngân hàng thế giới nhưng cũng là một người chỉ trích ngân hàng này một cách kịch liệt. Ông nói rằng Ngân hàng Thế giới đã không còn hoạt động có hiệu quả, và hầu như không có sự nối kết nào giữa những mục tiêu đã đề ra với những thành quả đạt được.

Ông nêu ra chiến dịch chống tham nhũng kéo dài hàng thập niên của Ngân hàng Thế giới để làm thí dụ. "Tỉ lệ của các khoản tiền cung cấp cho những nước tham nhũng đã gia tăng trong thời gian mà chúng ta nói rất nhiều tới việc chống tham nhũng. Cho nên Ngân hàng thế giới thật ra đang trở nên kém hiệu quả hơn trong việc chống tham nhũng mặc dầu tất cả những điều chúng ta nói đều ngược lại.”

Các phân tích gia độc lập nói rằng 44 quốc gia vay tiền của tổ chức ngân hàng này là những nước mà nạn tham nhũng hoành hành rất dữ dội. Ông Dennis DeTray, một viên Giám đốc Điều hành của Ngân hàng Thế giới ở khu vực Trung Á đã về hưu, nói rằng Ngân hàng quá ôm đồm và bộ máy tổ chức ngày càng trở nên cồng kềnh hơn.

Ông DeTray nói: “Điều này chẳng có gì lạ với ngân hàng này vì nó có tới 40% nhân viên được bố trí không phù hợp. Chỉ vì nó quá lớn. Và như quý vị biết đấy, nếu mà ngân hàng còn tiếp tục cồng kềnh như vậy thì họ còn tiếp tục phải tìm đủ mọi cách để tiếp tục thu dụng số nhân viên dư dôi đó.”

Ngân hàng thế giới có trên 10 ngàn nhân viên làm nghiệp vụ chuyên môn về ngân hàng và cho hàng chục quốc gia vay tiền. Ông Mark Kirk -- một dân biểu ở Chicago và là một thành viên thuộc đảng cộng hòa của Tổng thống Bush; từng làm việc cho Ngân hàng Thế giới. Ông Kirk nói rằng ngân hàng này là một định chế tài chính có nhiều quyền lực nên cần được sự giám sát chặt chẽ của công chúng. Ông này nói thêm rằng, Ngân hàng thế giới là tổ chức cho vay lớn nhất cho hơn 40 quốc gia, trong khi Cơ quan Viện trợ Phát Triển Quốc tế của Hoa kỳ, gọi tắt là USAID, chỉ cung cấp tín dụng cho khoảng 7 quốc gia.

Ông Kirk nói: “Và những điều xảy ra ở Hội đồng quản trị của ngân hàng này và những chính sách mà Hội đồng đề ra để phục vụ những lợi ích dài hạn về mặt đối ngoại của phương Tây, trên thực tế quan trọng hơn các cuộc họp tại Hạ viện Hoa kỳ hay các cuộc họp tại Tòa Bạch ốc.”

Ông Adam Lerrick của American Enterprise Institute nói rằng Ngân hàng thế giới đã trở nên không còn liên quan gì đến việc phát triển kinh tế. Ông nói thêm rằng: so với Ngân hàng hàng thế giới, thì khu vực tư nhân hoạt động có hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy sự thịnh vượng cho các nước nghèo. Ông Lerrick cho rằng các nhân viên của ngân hàng thế giới hầu hết là những người quan liêu chỉ biết tự phục vụ cho lợi ích của bản thân họ. Những người này đã thắng lợi trong việc buộc ông Paul Wolfowitz phải rời khỏi chức vụ Chủ tịch Ngân hàng thế giới.

Ông Lerrick nói: “Vào lúc này tôi nghĩ rằng yếu tố tinh thần của định chế này đã lên rất cao. Các nhân viên ngân hàng vừa đạt được một thắng lợi lớn. Họ đã tái khẳng định quyền kiểm soát tối đa đối với định chế tài chính này.”

Hồi tháng trước, ông Paul Wolfowitz đã bị buộc phải từ chức sau khi ông mất sự ủng hộ của các nhân viên và Hội đồng quản trị trong việc tai tiếng liên quan đến vai trò của ông trong việc tăng lương cho một nữ nhân viên là bạn gái của ông.

Tổng thống Bush đã bổ nhiệm cựu viên chức cao cấp của Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại là ông Robert Zoellick giữ chức vụ Chủ tịch Ngân hàng thế giới thay ông Paul Wolfowiz. Theo thông lệ thì người đứng đầu tổ chức này luôn là một người Mỹ, trong khi người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế là một người Châu Âu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG