Đường dẫn truy cập

Bạo động gia tăng tại miền Nam Thái Lan


Cuộc nổi dậy của người Hồi giáo ở miền nam Thái Lan đang gieo rắc sợ hãi cho dân chúng ở các tỉnh Pattani, Yala, và Narathiwat. Các nhà quan sát cho rằng những nỗ lực của giới lãnh đạo ở Bangkok nhằm kiến tạo hòa bình không mang lại kết quả và sự mất tin tưởng giữa những hai khối người Hồi giáo và Phật giáo trong vùng này đang trên đà gia tăng. Mời quí thính giả theo dõi một số chi tiết về vấn đề này trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách sau đây:

Một số người gọi những vụ bạo động ở miền nam Thái Lan là một cuộc chiến tranh, và một số người khác thì cho rằng đây chính là một vụ thanh tẩy sắc tộc. Nhưng bất kể là gọi với cái tên gì đi nữa thì cũng không ai thay đổi được sự kiện là từ năm 2004 đến nay đã có hơn 2 ngàn người bị thiệt mạng trong những vụ đặt bom, đốt nhà, bắn giết, và chặt đầu xảy ra hầu như mỗi ngày ở các tỉnh Pattani, Yala, và Narathiwat - nơi mà đa số cư dân là tín đồ Hồi giáo.

Phần lớn trong số 65 triệu người Thái Lan là những người theo đạo Phật, nhưng vương quốc này cũng có khoảng 1 triệu 300 ngàn người Hồi giáo gốc Mã Lai sinh sống ở các tỉnh cực nam giáp với Malaysia. Khối người này có nền văn hóa và những tập tục sinh hoạt gần gũi với người Hồi giáo nói tiếng Mã Lai hơn là những người Thái theo đạo Phật. Nhiều người ở đây cảm thấy bất mãn đối với điều mà họ cho là sự kỳ thị và những mưu toan đồng hóa của người Thái kể từ khi phần đất này được sáp nhập vào Thái Lan cách nay khoảng 100 năm.

Những người tham gia cuộc nổi dậy chưa hề công khai cho biết họ là ai và muốn đòi hỏi những gì. Nhưng hầu hết các viên chức chính phủ Thái Lan và các nhà phân tích tình hình cho rằng phe nổi dậy muốn thành lập một quốc gia riêng cho người Hồi giáo.

Ông Monsour Salleh là một thương gia ở thành phố Pattani và là một người hoạt động tích cực để tranh đấu cho quyền lợi của người Hồi giáo. Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho phái viên Nacy-Amelia Collins của đài VOA, ông đã phát biểu như sau về quan điểm của những người Hồi giáo ở miền nam Thái Lan:

Ông Monsour nói: "Chúng tôi luôn luôn phải tranh đấu bởi vì Hồi giáo là tín ngưỡng và là lối sống của chúng tôi. Sở dĩ như thế là vì nhờ vào đạo Hồi mà chúng tôi có thể bảo vệ bản sắc của mình, phát triển tâm linh của mình và phát triển nề nếp sinh hoạt của mình. Vì vậy cho nên, người ngoài cần phải hiểu rằng Hồi giáo là tôn giáo chính ở khu vực này chứ không phải là Phật giáo."

Ông Panitan Wattanaygon là giáo sư chính trị học của Đại học Chulalongkorn ở Bangkok. Ông nói rằng mục tiêu của phe nổi dậy đã trở nên rõ ràng hơn trong lúc bạo động leo thang. "Giờ đây, ý tưởng đòi độc lập đang trở nên rõ ràng hơn trên bề mặt. Hiện nay, ý định xua đuổi những người thuộc các sắc dân khác để thiết lập một khu vực riêng cho người nói tiếng Mã Lai đang dần dà trồi lên bề mặt."

Những mục tiêu tấn công của phe nổi dậy là những biểu tượng của chính phủ - bao gồm binh lính, trường học, cửa tiệm, và những công nhân làm việc trong các công nghiệp quan trọng như sản xuất cao su. Họ cũng tấn công những địa điểm mà họ cho là không phù hợp với cuộc sống của người Hồi giáo - như những cửa tiệm hoặc hàng quán có bán rượu. Các phần tử nổi dậy cũng giết hại những người Hồi giáo mà họ cho là "giáo gian", cộng tác với chính phủ.

Mặc dù vậy, mục tiêu chính của các vụ bạo động là những người theo đạo Phật để xua đuổi khối người này ra khỏi miền nam. Các giới chức chính phủ ước tính rằng có hàng ngàn người Phật giáo đã phải dọn đi vùng khác để sinh sống. Nhiều ngôi chùa ở đây đã phải đóng cửa và tất cả những nơi thờ phượng đều được canh gác cẩn mật.

Ông Prosonthon Pariyawithan - vị sư trụ trì tại một ngôi chùa ở Pattani, cho biết:

"Có nhiều ngôi chùa không có sư. Vấn đề ở miền nam Thái Lan hiện nay là những phần tử nổi dậy muốn tiêu diệt đạo Phật và giết hại các nhà sư."

Đại đức Prosonthon nói thêm rằng mọi người ở đây cần phải ra sức tìm kiếm hòa bình, nhưng ông e rằng nỗ lực này rất khó đạt được kết quả. "Tôi tin rằng mục tiêu của những vụ bạo động ở đây là xua đuổi những người theo đạo Phật đi nơi khác."

Nhiều người Phật giáo khác tán đồng nhận xét của Đại đức Prosonthon. Ông Prayoondej Kanannruck là một luật sư làm việc cho chính quyền địa phương. Ông đã mất hết gia tài sự sản khi những phần tử vũ trang nổi lửa đốt cháy đồn điền cao su của ông. Và ông nói rằng giờ đây ông không còn tin tưởng nơi chính quyền như trước nữa.

Ông Prayoondej nói: "Quân nổi dậy đang phá hủy nền kinh tế của khu vực này mà chính phủ thì không thể kiềm chế được tình trạng bạo động và không có khả năng bảo vệ cho dân chúng."

Chính phủ lên nắm quyền sau cuộc đảo chánh quân sự hồi tháng 9 đã cam kết đặt việc tái lập hòa bình ở miền nam làm ưu tiên hàng đầu, nhưng cho tới nay những nỗ lực của họ không mang lại kết quả nào đáng kể.

Bà Francesca Lawe-Davies là một nhà phân tích của Nhóm khủng hoảng quốc tế và đã làm việc nhiều năm ở miền nam Thái Lan. Bà nói rằng tình trạng bạo động leo thang cho thấy rằng các lực lượng an ninh Thái Lan đã thất bại:

"Theo tôi thì tình trạng này đã nêu bật một điều là các lực lượng an ninh không có khả năng dẹp tan cuộc nổi dậy và phe phiến loạn đang ngày càng trở nên tự tin và táo bạo hơn."

Ông Yakob Hraimanee là người xướng kinh cầu nguyện của Đền thờ Hồi giáo Trung ương ở Pattani. Ông nói rằng những người Hồi giáo và Phật giáo cần phải tìm cách để chung sống hòa bình với nhau như trước:

"Tôi tin rằng những người Phật giáo nghĩ là người Hồi giáo chính là thủ phạm của các vụ bạo động, nhưng những người Hồi giáo thì lại không biết rõ ai là thủ phạm. Tuy nhiên, dù thế nào nào đi nữa thì chúng tôi vẫn phải tìm cách để mang lại hòa bình cho mảnh đất này."

Ông Kitipup Thongsin - một giáo viên theo đạo Phật ở tỉnh Narathiwat, nói rằng mọi người ở đây, bất kể là theo đạo Hồi hay theo đạo Phật, ai nấy cũng đều sợ hãi:

"Chúng tôi không dám ra đi ra khỏi nhà để làm công chuyện. Hễ trời vừa tối là chúng tôi phải ở trong nhà đóng cửa kín mít."

Nhiều người đang sống trong sợ hãi ở miền nam Thái Lan cho biết họ cảm thấy nhớ tiếc thời kỳ mà hai khối người Phật giáo và Hồi giáo chung sống hòa bình với nhau. Họ e rằng: vụ xung đột có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát vì sự tin cậy và chấp nhận khác biệt giữa hai khối người này giờ đây đã không còn nữa.

Bấm vào đây để xem các bài khác trong mục Nhìn Về Châu Á do Duy Ái phụ trách

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG