Đường dẫn truy cập

Nhiều kêu gọi tự do cho phóng viên Johnston nhân Ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới


Một cuộc tụ họp để bày tỏ hậu thuẫn cho ký giả người Anh bị bắt cóc ở dải Gaza đã làm nổi bật những hoạt động trong ngày hôm qua tại trụ sở Liên Hiệp Quốc nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới. Một cuộc hội thảo cũng được tổ chức để bàn về những thách thức mà những nhà báo trên mạng đang phải ứng phó.

Mấy mươi nhà báo và những nhân vật tranh đấu cho tự báo chí đã tụ tập tại trụ sở Liên Hiệp Quốc để bày tỏ tình liên đới với ông Alan Johnston và yêu cầu những kẻ bắt cóc trả tự do ngay cho ông. Nhà báo của đài BBC đã bị bắt cách đây 7 tuần trong lúc săn tin ở dải Gaza và người ta không rõ là số phận của ông hiện giờ ra sao.

Biên tập viên chương trình Thế giới của BBC, ông Jon Williams hối thúc những kẻ bắt cóc trả tự do cho ông Johnston và nói rằng vụ việc này phản ánh mối hiểm nguy mà các nhà báo trên thế giới đang phải đương đầu.

Cách tốt nhất để bảo vệ cho các ký giả là các xã hội văn minh đồng thanh nói rằng “Đủ rồi. Không được làm như thế nữa.” Chúng ta cần các nhà báo làm tai, mắt và miệng của khán thính giả trên khắp thế giới. Nếu vắng bóng các nhà báo thì thế giới này sẽ nghèo nàn đi rất nhiều.

Nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới, một cuộc hội thảo cũng đã được tổ chức để bàn về vai trò của báo chí trong thời đại internet, đặc biệt là về hiện tượng blogging. Những người viết blog, hay phổ biến thông tin trên mạng, đang tạo ra những thay đổi lớn trong hoạt động báo chí. Những người thường được gọi là “những nhân vật bất đồng chính kiến trên mạng” đang trở thành một lực lượng có khả năng chống lại độc quyền thông tin của chính phủ tại nhiều quốc gia. Những hoạt động của những nhà báo trong không gian ảo này đã và đang gặp phải khá nhiều khó khăn. Một số người bị buộc phải im tiếng hoặc bị cầm tù ở một số quốc gia.

Bà Tala Dowlatshahi của Hội Nhà báo không biên giới nói rằng Trung quốc là nhà tù lớn nhất của “những nhân vật bất đồng chính kiến trên mạng”. Nhưng bà cho biết thêm rằng chính phủ của những nước khác – như Việt Nam, Syria, Tunisia, Lybia và Iran cũng đang cầm tù những người viết blog. Bà nói thêm như sau:

Quốc hội của những nước đó, cùng với những nhân viên cảnh sát internet, đang chú tâm theo dõi những tiến bộ mới nhất về kỹ thuật. Khi những hoạt động nhắn tin IM -- như chương trình MSN Messenger của Microsoft, bắt đầu được nhiều người xử dụng, giới hữu trách Trung quốc đã yêu cầu các công ty này áp dụng những lập trình để tự động ngăn cấm việc xử dụng một số từ khóa, khiến cho những người Trung quốc xử dụng internet không thể nói đến những vấn đề liên quan tới Đức Đạt Lai Lạt Ma hay phong trào độc lập của Đài Loan.

Ông Frank Xie, một nhà báo internet ở Trung quốc làm việc cho web site tin tức Bosun, cho biết rằng: những người viết blog ở nước ông lúc nào cũng phải dè dặt đề phòng, vì chính phủ ở Bắc Kinh luôn luôn rình rập và theo dõi rất sát những hoạt động trên internet.

Điều đáng buồn cho những người viết blog ở Trung Quốc là họ phải tự kiểm duyệt vì họ biết rất rõ về mối nguy hiểm mà họ phải đối mặt. Những hoạt động của họ bị giám sát nghiêm ngặt bởi 30 ngàn nhân viên cảnh sát internet.

Bà Nora Younis là một người viết blog nổi tiếng ở Ai Cập. Bà cho biết rằng: cộng đồng viết blog ở nước bà chỉ bắt đầu xuất hiện từ năm 2003 nhưng đến nay đã lên tới hơn 10 ngàn người, và con số này cứ mỗi sáu tháng lại tăng gấp đôi. Bà Younis nhận xét rằng “các nhà báo nhân dân” này đóng một vai trò quan trọng trong việc nêu lên những bất công xã hội. Họ cũng đã phanh phui những hành vi gian lận trong những cuộc bầu cử hồi gần đây ở Ai Cập.

Những người viết blog đã phổ biến những đoạn phim video cho thấy những vụ gian lận bên trong các phòng phiếu. Họ cũng nêu lên vấn đề sách nhiễu tính dục trên đường phố ở thủ đô Cairo. Lúc đầu, giới truyền thông chính mạch không muốn loan tin về những vụ sách nhiễu tính dục, nhưng các “nhà báo nhân dân” này đã buộc họ phải tường thuật về tệ nạn này.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã đưa ra một thông báo để đánh dấu Ngày Tự do Báo chí Thế giới. Ông nói rằng tình trạng những người tìm cách đưa ra ánh sáng công luận những sự đau khổ của người khác trở thành mục tiêu bị đàn áp, ngược đãi là một tình trạng đáng báo động. Ông Ban nêu lên sự kiện là trong năm vừa qua có đến 150 nhà truyền thông đã thiệt mạng trong lúc thi hành nhiệm vụ, và nói rằng Liên Hiệp Quốc có một trách nhiệm không thể chối từ là phải ra sức để bảo vệ cho quyền tự do báo chí.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG