Đường dẫn truy cập

Blog tại Châu Á - Phương tiện tốt để thể hiện quyền tự do ngôn luận


Cộng đồng những người viết blog ở Á Châu đang phát triển cực kỳ nhanh chóng vì số người có thể truy cập internet ở khu vực này mỗi ngày một đông đảo hơn. Tại những quốc gia mà các hoạt động truyền thông bị chính quyền kiểm soát chặt chẽ, những trang blog chính là một phương tiện tốt để thể hiện quyền tự do ngôn luận và mang lại cho người dân một nguồn thông tin thay thế.

Trong vài năm qua, hàng triệu người ở Á Châu đã bắt đầu tham gia hoạt động blog, một dạng viết nhật ký trên mạng. Các chuyên gia cho biết: chỉ riêng ở Trung Quốc cộng đồng viết blog giờ đây đã lên tới 30 triệu người.

Cũng tương tự như tình trạng ở các Châu lục khác, các trang blog ở Á Châu rất đa dạng và không mang một hình thái cố định nào. Tuy nhiên, theo một cuộc nghiên cứu của đại công ty nhu liệu Microsoft, gần phân nửa những người xử dụng internet ở Á Châu đã lập ra trang blog của mình. Tỉ lệ này ở Hoa Kỳ chỉ nằm ở khoảng 8%.

Các nhà quan sát tình hình Á Châu cho hay hầu hết những người viết blog nhắm đến mục tiêu chia sẻ sở thích và những sự việc trong sinh hoạt hàng ngày với người thân trong gia đình, với bạn bè, và với một số nhỏ những người không quen biết. Nhiều người đưa lên blog của mình các bài viết cùng những bức hình, nhưng cũng có người bỏ lên mạng các đoạn băng video và âm thanh. Cũng có nhiều người dùng blog để trao đổi thông tin, nới rộng phạm vi giao tế, hoặc bày tỏ ý kiến về nhiều vấn đề khác nhau.

Đối với một số người khá đông ở Á Châu, các trang blog đã trở thành một công cụ quan trọng để họ hành xử quyền tự do diễn đạt và bày tỏ ý kiến.

Theo nhận xét của bà Rebecca MacKinnon, giáo sư môn truyền thông trên mạng của đại học Hồng kông, một số người ở Á Châu đã bắt đầu dùng các trang blog để nói cho mọi người biết về những sự việc hoặc ý tưởng mà giới truyền thông chính mạch không đề cập đến. Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho phái viên Claudia Blume của đài VOA, giáo sư MacKinnon cho biết như sau:

Trong số những người viết blog có những người làm việc này như một hoạt động truyền thông – chẳng hạn ông Jeff Ooi ở Malaysia và những người viết blog ở Trung Quốc. Thật ra mà nói, thì ở bất cứ quốc gia nào trong khu vực này cũng có những người như vậy. Những người này đã thu hút được một số rất đông khán giả hay độc giả, vì họ bày tỏ những điều mới mẻ hoặc những điều tuy không mới mẻ nhưng được trình bày một cách thẳng thắn hơn hay vô tư hơn so với những cơ quan truyền thông cổ điển hay qui ước.

Hồi đầu năm nay tại thành phố Trùng Khánh ở Trung Quốc có một cặp vợ chồng nhất định tranh đấu không chịu bán nhà cho công ty địa ốc, tuy những người hàng xóm của họ đã phải bấm bụng chuyển nhượng nhà đất với giá rẻ để công ty địa ốc lấy chỗ xây chung cư hạng sang. Thoạt đầu, các cơ quan truyền thông do nhà nước kiểm soát có loan tải tin tức về vụ này, nhưng sau đó họ lại được chỉ thị của chính quyền là phải ngưng tường thuật. Không lâu sau đó, một người viết blog ở Trung Quốc với bút hiệu Zola đã đến Trùng Khánh và tiếp tục tường thuật về vụ này.

Ông Isaac Mao là một chuyên viên nhu liệu điện toán và là một người viết blog nổi tiếng ở Thượng hải. Ông cho biết rằng hành động vừa kể của Zola là một sự kiện có tính chất dấu mốc trong cộng đồng những người viết blog ở Trung Quốc – những người mà ông gọi là thuộc giới truyền thông cơ sở:

Điều này có nghĩa là một khi giới truyền thông chính mạch hoặc chính qui không làm tròn bổn phận thông tin của mình thì giới truyền thông cơ sở có thể nhảy vào để loan tin hoặc để đóng một vai trò khác – đó là tường thuật về những sự việc trong xã hội từ những góc độ khác nhau.

Tại những quốc gia có môi trường truyền thông bị hạn chế và bị quản lý nghiêm nhặt, như Trung Quốc, Việt Nam, Miến Ðiện, và Singapore, các trang blog có thể mang lại cho người đọc những thông tin và những ý kiến hoặc quan điểm có tính chất độc lập với chính quyền. Tuy chất lượng và mức độ đáng tin của những thông tin trên các trang blog không đồng đều, nhưng sự ưa chuộng của người dân đối với các trang này đang ngày càng gia tăng ở những quốc gia mà truyền thông chính mạch thiếu tính chất khả tín.

Ông Roby Alampay, giám đốc Liên minh Báo chí Đông Nam Á cho biết như sau về hiện tượng này:

Giờ đây có nhiều người hoan nghênh sự đa dạng của các nguồn tin tức. Theo tôi thì điều này xảy ra vì có nhiều người có thái độ hoài nghi đối với giới truyền thông chính mạch của nước họ, và điều này cũng chính là vì họ biết rằng hầu hết các cơ quan truyền thông chính mạch ở nước họ nếu không do nhà nước làm chủ thì cũng bị hạn chế nghiêm nhặt, và vì vậy, các cơ quan này không thật sự được tự do để cung cấp những thông tin đa dạng và độc lập.

Ông Alampay cho biết rằng một số những người viết blog là những ký giả chuyên nghiệp, và họ dùng blog để phổ biến những gì mà họ không được phép trình bày trong công việc hàng ngày của mình. Năm ngoái tại Singapore, một ký giả có chuyên mục trên một nhật báo do chính phủ kiểm soát đã bị đình chỉ công tác sau khi ông lên tiếng chỉ trích về giá sinh hoạt leo thang. Sau đó ông đã đưa lên trang blog của ông các bài viết về đề tài gây nhiều tranh cãi này.

Một số các chính phủ ở Á Châu xem những người viết blog như một mối đe dọa. Chính phủ Malaysia mới đây đã loan báo kế hoạch thành lập một đơn vị chuyên theo dõi và chống lại điều mà họ cho là những lời nói dối hoặc vu khống được phát tán trên internet. Ông Alampay của Liên minh ký giả Đông Nam Á cho biết nhiều chính phủ trong vùng này tìm cách ngăn chận, sàng lọc và giám sát những hoạt động trong không gian ảo:

Kiểm duyệt đang trở thành một vấn nạn ở mọi nơi trong vùng Đông Nam Á và tôi nghĩ rằng có phần chắc là hầu hết tất cả các nước ở đây đều áp dụng một hình thức nào đó để ngăn chận, kiểm duyệt hoặc quấy phá các website.

Chính quyền quân nhân Thái Lan hồi gần đây đã ngăn không cho dân chúng truy cập YouTube sau khi một đoạn băng video chế diễu nhà vua được đưa lên trang web nổi tiếng dùng để chia sẻ video này. Tại Malaysia, một nhật báo có liên hệ với chính quyền là tờ News Straits Times đã kiện hai người viết blog nổi tiếng về tội phỉ báng.

Các chuyên gia cho rằng trong các nước Á Châu, Trung Quốc và Việt Nam là hai nước có hoạt động kiểm duyệt internet khắt khe nhất. Và theo giáo sư MacKinnon của Đại học Hồng kông, đây chính là lý do mà giới truyền thông đối lập không thể nào hình thành được tại hai nước này.

Một nền báo chí cổ xướng cho dân chủ và chủ trương chống đảng Cộng sản không thể xuất hiện qua các hoạt động blog ở Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng chính phủ Trung Quốc có khả năng để năng không cho điều này xảy ra.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG