Đường dẫn truy cập

Đặc sứ Mỹ hy vọng có tiến bộ tại các cuộc đàm phán hạt nhân sắp tới


Các nhà ngoại giao quốc tế cấp cao đã đến thủ đô của Trung Quốc để cố gắng một lần nữa nhằm chấm dứt khả năng thủ đắc vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Không như các phiên họp trước đây, hiện có ít nhiều lạc quan về vòng đàm phán này, và nhiều chuyên gia dự đoán rằng có thể ít nhất một phần của thoả thuận sẽ đạt được.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, ông Christopher Hill nói hôm nay rằng những điều kiện có thể đã đúng thời điểm để bắt đầu thực hiện lời hứa của Bắc Triều Tiên là chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân.

Ông Hill nói rằng đây là một phiên họp quan trọng. Tất cả mọi người đều biết cần phải cố gắng hoàn tất điều gì. Mọi việc sẽ không hoàn tất trong tuần này; nhưng có thể sẽ có một bước khởi đầu tốt đẹp.

Ông Christopher Hill đã đến Bắc Kinh hôm nay để dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ tham dự các vòng đàm phán nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Nước chủ nhà Trung Quốc, và các nước khác như: Nhật Bản, Nga, và Nam Triều Tiên sẽ bắt đầu họp với các nhà thương thuyết Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên vào ngày thứ năm.

Ba năm thương thuyết trước đây đã mang lại ít tiến bộ, và vào tháng 10 năm ngoái Bắc triều Tiên thực hiện vụ nổ thử nghiệm hạt nhân đầu Tiên. Tuy nhiên trong vòng mấy tuần qua, các chuyên gia và các thương thuyết gia ngỏ ý rằng cuộc họp lần này có thể sẽ có những thay đổi. Một vài tin tức báo chí nói rằng cả hai bên đều muốn có những bước khởi đầu để tiến tới việc thực hiện cam kết của Bình Nhưỡng chấm dứt chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ và những bảo đảm về an ninh.

Người ta đã thấy có những dấu hiệu tiến bộ trong tháng vừa qua, sau khi ông Hill họp với đối tác Bắc Triều Tiên. Chỉ trong một thời gian ngắn sau cuộc họp ấy, ngày giờ mở vòng đàm phán lần này đã được ấn định. Ngoài ra, các giới chức Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã họp với các giới chức Bắc Triều Tiên để thảo luận về những yêu cầu của Bình Nhưỡng đòi Washington dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt về tài chính đối với một vài doanh nghiệp của Bắc Triều Tiên.

Ông Mike Chinoy là một nghiên cứu sinh về vấn đề Bắc Triều Tiên của Hội đồng về Quan hệ quốc tế Thái Bình Dương ở Los Angeles. Ông nói rằng một vài lãnh đạo Mỹ phản đối chính sách tiếp xúc với Bắc Triều Tiên như Phó Tổng thống Dick Cheney và cựu Bộ Trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld, đã bị gạt sang một bên về mặt chính trị vì sự phản đối của công chúng đối với cuộc chiến của Hoa Kỳ tại Iraq.

Ông Chinoy nói thêm rằng việc này đã giúp cho Đại sứ Hill mạnh tay hơn trước đây trong việc đàm phán để đạt được thỏa thuận lần này.

Ông Chinoy nói rằng vần đề là liệu Bắc Triều Tiên có cảm kích trước sự thay đổi này hay không? Họ có cảm thấy đủ để họ làm một điều gì đó chăng? Vấn đề quan trọng hơn nữa là sau khi tự tuyên bố là một cường quốc về hạt nhân một cách công khai qua vụ thử nghiệm hạt nhân vừa qua, và quảng cáo rùm beng trong nước, có tình huống nào khiến Bắc triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân của họ hay không.

Ông Chinoy và các chuyên gia khác cho hay là người ta trông đợi Hoa Kỳ có thể dở bỏ ít nhất là một phần những biện pháp trừng phạt về ngân hàng đối với Bắc Triều Tiên, trong lúc Bình Nhưỡng có thể tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ việc sản xuất hạt nhân, ít ra là một cách tạm thời.

Tuy nhiên, ông Hill và các giới chức Hoa Kỳ đã phát biểu trong mấy tuần qua rằng cuối cùng thì bất cứ thỏa thuận nào cũng phải dẫn đến việc Bắc Triều Tiên phải chấm dứt hoàn toàn các hoạt động hạt nhân của họ.

Cuối cùng điều ấy có thể sẽ khiến các cuộc đàm phán bị thất bại . Nhiều chuyên gia trong khu vực cảnh báo rằng trong quá khứ Bắc Triều Tiên đã từng có những hành động không thể đoán trước được, và có thể họ sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân của họ.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG